Báo động ô nhiễm môi trường nông thôn ở Thái Bình

NDO - Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển sẽ góp phần không nhỏ để giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập người dân, nhất là người dân ở nông thôn. Tuy nhiên, lợi bất cập hại khi môi trường nông thôn đã và đang bị những tác nhân như: rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp, nước thải... đe dọa. Tỉnh Thái Bình hiện có hàng trăm làng nghề đang ngày đêm xả thải vượt mức, gây bức xúc trong nhân dân và khó khăn trong việc xây dựng nông thôn mới.
Rác thải ở rìa quốc lộ 10, gần khu công nghiệp Gia Lễ (huyện Ðông Hưng).
Rác thải ở rìa quốc lộ 10, gần khu công nghiệp Gia Lễ (huyện Ðông Hưng).

Trong xây dựng nông thôn mới (NTM), Thái Bình được Trung ương lựa chọn là một trong năm tỉnh làm điểm. Trong bộ tiêu chí quốc gia, ở tiêu chí 17 về môi trường, có quy định: Các cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn về môi trường; Không có hoạt động suy giảm môi trường và có các hoạt động phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp; Chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định. Trong Nghị quyết về xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020, tỉnh Thái Bình nhấn mạnh đến việc bảo vệ môi trường sinh thái. Mục tiêu đến năm 2015, phấn đấu tất cả các xã đạt 10 tiêu chí trở lên, trong đó, 70 xã trở lên hoàn thành xây dựng NTM; tám xã làm điểm của tỉnh hoàn thành vào năm 2013... Quy định của Trung ương đã rõ ràng với mục đích là cải thiện môi trường nông thôn. Tuy nhiên, khi triển khai NTM ở Thái Bình vẫn còn không ít vấn đề phát sinh. Ở những điểm nóng khu vực thành phố và nông thôn, môi trường sinh thái đang từng ngày thay đổi theo chiều hướng xấu đi.

Qua những chuyến khảo sát tại các địa phương, chúng tôi đã chứng kiến và ghi lại nhiều hình ảnh, câu chuyện buồn xoay quanh chủ đề: ô nhiễm khói, bụi; ô nhiễm nguồn nước; ô nhiễm đất, thậm chí cả ô nhiễm tiếng ồn. Hiện, nhiều xã, huyện chưa có hệ thống xử lý nước, rác thải tập trung. Mỗi ngày, hàng trăm tấn rác thải sinh hoạt, công nghiệp đều được đổ trực tiếp ra các trục đường chính, cánh đồng, gây mùi xú uế khó chịu. Dọc trục đường các huyện: Ðông Hưng, Hưng Hà và Tiền Hải... chỗ nào cũng thấy rác. Những đống rác ngút đầu người được địa phương xử lý bằng công nghệ "hỏa rác". Bình quân, mỗi xã khoảng hai, ba km, có một đống rác cao, rộng hàng chục m. Khi những đống rác này ngun ngút khói, nhiều người đi qua đều chung cảm giác ngột ngạt, buồn nôn. Ðã có nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra do tầm nhìn bị hạn chế. Khi được hỏi, nhiều người thẳng thắn: nếu không đổ rác ra đường, ra ruộng thì chẳng biết đổ vào đâu vì vùng "quê lúa" vốn dĩ đất chật người đông.

Do việc quản lý, xử lý các công ty, nhà máy chưa quyết liệt cho nên môi trường khu vực cảng cá Tân Sơn (Thụy Hải, Thái Thụy) nóng lên từng ngày. Ðỉnh điểm, ngày 8-8-2011, cho rằng Công ty TNHH chế biến thủy sản Thụy Hải (chuyên thu mua, sản xuất bột cá) gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, hàng trăm người dân ở xã này đã mua xi-măng, cát, đá chở đến công ty rồi tự ý trộn, đổ bê-tông thành bức tường cao khoảng một m trước cổng ra vào, buộc công ty ngừng hoạt động. Ðến nay đã hơn một năm nhưng nhà máy có công suất hàng trăm tấn vẫn phải đóng cửa mặc dù chính quyền nhiều lần vào cuộc "giải cứu" không thành. Lý do người dân liên tục phản đối công ty hoạt động là vì họ cảm thấy không được phía công ty tôn trọng khi xả nước thải bẩn và mùi hôi thối vào khu dân cư cách đó khoảng 30 m làm cho người già, trẻ nhỏ khó thở. Ðại diện chính quyền huyện Thái Thụy cho biết, hệ lụy của việc "lấp" cổng công ty trái phép của một bộ phận nhân dân dẫn tới hàng nghìn ngư dân chuyên nghề bám biển đã bị một số tư thương lợi dụng ép giá bán cá và gây khó khăn đối với việc phát triển kinh tế địa phương.

Huyện Hưng Hà là điểm cuối trong đợt khảo sát về môi trường nông thôn mà chúng tôi lựa chọn. Nơi đây có hơn 40 làng nghề nổi tiếng, nhưng làng Mẹo chuyên nghề dệt vải ở xã Thái Phương từ lâu đã và đang nằm trong "tầm ngắm" của tỉnh vì vấn đề môi trường. Vừa qua, năm công ty, hộ gia đình trong làng, do sản xuất gây ô nhiễm môi trường, bị UBND tỉnh phạt tiền và yêu cầu di dời. Phó Chủ tịch UBND xã Thái Phương Trần Bá Cao cho biết: xã hiện có 54 công ty, xí nghiệp, hộ gia đình làm nghề dệt; trong đó có 8 trong số 11 công ty, hộ gia đình chuyên nghề giặt, tẩy, nhuộm đang hoạt động. 70% dân số trong xã làm ra các sản phẩm dệt tinh hoa và được xuất đi nước ngoài. Từ năm 1986 đến nay, nghề dệt ngày càng phát triển, kéo theo đó là nghề giặt, tẩy, nhuộm độc hại. Vì vậy, dù khá phát triển nhưng đến nay xã mới thực hiện được ba tiêu chí NTM. Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Bình) Hoàng Văn Ngoạn, khẳng định: hoạt động tẩy, nhuộm và các hoạt động khác khi không được xử lý mà xả thẳng ra môi trường thì vô cùng độc hại, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước, không khí và sức khỏe người dân. Ở Thái Phương, hoạt động tẩy, nhuộm chỉ mang lại lợi ích cá nhân nhưng ảnh hưởng đến sức khỏe hàng nghìn người dân trong xã và các vùng lân cận. Trước tình hình này, tháng 6-2012, UBND tỉnh Thái Bình đã phê duyệt dự án xây dựng công trình: "Hệ thống xử lý nước thải tập trung làng nghề Phương La (xã Thái Phương, Hưng Hà)" với diện tích 6.370 m2, tổng mức đầu tư gần 120 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Phạm Văn Sinh nhận định: Do những quy định có tính bắt buộc, cho nên trong quá trình triển khai xây dựng NTM, tỉnh Thái Bình đã chú trọng việc khắc phục, xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, hiện còn nhiều khu công nghiệp và các làng nghề chưa tuân thủ các quy định, cho nên ở tiêu chí 17 về môi trường, khi các xã thực hiện đều gặp trở ngại lớn.