Qua báo cáo từ các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khu vực Đông Nam Bộ và đồng bằng song Cửu Long, sản xuất lúa cả năm 2022 của toàn vùng ước đạt hơn 4,1 triệu ha, giảm 14,9 nghìn ha; năng suất ước đạt 61,90 tạ/ha, tăng 0,15 tạ/ha và sản lượng ước đạt 25.550 nghìn tấn, giảm 30 nghìn tấn so cùng kỳ năm 2021.
Riêng vụ thu đông toàn vùng gieo sạ 700,5 nghìn ha lúa, giảm 3 nghìn ha so cùng kỳ năm trước; năng suất ước đạt 57,63 tạ/ha, tăng 1,03 tạ/ha và sản lượng ước đạt 4.037 nghìn tấn, tăng 55 nghìn tấn. Vụ mùa có diện tích lúa gieo sạ 265,7 nghìn ha, tăng 19,4 nghìn ha; năng suất ước đạt 48,81 tạ/ha, tăng 2,3 tạ/ha; sản lượng 1.297 nghìn tấn, tăng 151 nghìn tấn so cùng kỳ năm trước.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhằm bảo đảm sản xuất thắng lợi vụ thu đông, vụ mùa ở khu vực Nam Bộ, Bộ và các sở, ban, ngành các địa phương đã thực hiện tốt việc chỉ đạo sản xuất, tuyên truyền vận động người dân tập trung gieo sạ theo khung lịch thời vụ khuyến cáo để giảm nhẹ thiệt hại do dịch bệnh, ảnh hưởng lũ gây ra và né tránh hạn mặn; công tác dự tính dự báo về tình hình sinh vật gây hại cây trồng và theo dõi diễn biến chất lượng nước phục vụ tưới tiêu được thực hiện chặt chẽ, thường xuyên, kịp thời; các công trình chống hạn, xâm nhập mặn, được quan tâm đầu tư bảo đảm ngăn mặn, rửa phèn mặn, tích trữ nước ngọt phục vụ cho sản xuất.
Bên cạnh đó, các địa phương và bà con nông dân cũng đẩy mạnh thực hiện sản xuất theo cánh đồng lớn trong vụ này với diện tích ước đạt 100 nghìn ha. Cùng với đó, người dân đã đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất. Theo thống kê, trong vụ thu đông, vụ mùa 100% diện tích được làm đất bằng cơ giới hóa; thu hoạch bằng máy đạt trung bình hơn 95%; tỷ lệ sấy lúa sau khi thu hoạch trung bình đạt 80%; phun thuốc bằng máy phun và bằng drone khoảng 79%...
Tuy nhiên, sản xuất lúa vụ thu đông, mùa ở các địa phương cũng gặp nhiều khó khăn do giá vật tư nông nghiệp tăng, dịch vụ máy cày, xới, thu hoạch tăng và khan hiếm lao động dẫn đến tăng chi phí đầu tư, lợi nhuận của nông dân bị giảm; tổ chức đại diện cho nông dân như: hợp tác xã, tổ hợp tác còn ít nên việc kết nối đầu ra sản phẩm gặp nhiều khó khăn; chuỗi giá trị ngành hàng qua nhiều trung gian, phát triển liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ còn chậm; chuyển đổi cơ cấu cây trồng tuy có hướng tích cực nhưng thiếu bền vững, do tác động nhiều yếu tố nhất là giá cả thị trường và đầu ra sản phẩm.
Vụ đông xuân 2022-2023, các địa phương khu vực Nam Bộ dự kiến gieo sạ hơn 1,5 triệu ha lúa; phấn đấu năng suất đạt 70,81 tạ/ha, tăng 0,57 tạ/ha và sản lượng 11.189 nghìn tấn, tăng 47 nghìn tấn so vụ đông xuân 2021-2022. Trong đó, vùng Đông Nam Bộ gieo sạ 80 nghìn ha, năng suất 59,87 tạ/ha, sản lượng 479 nghìn tấn; vùng đồng bằng song Cửu Long gieo sạ 1,5 triệu ha, năng suất 71,40 tạ/ha, và sản lượng hơn 10,7 triệu tấn.
Dự báo nguồn nước cho sản xuất lúa đông xuân sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, những vùng có nguy cơ hạn cuối vụ với diện tích khoảng 400 nghìn ha cần xuống giống sớm trong tháng 10 như lịch để có nhiều cơ hội tận dụng nguồn nước cho sản xuất lúa và không bị hạn cuối vụ, nhất là đối với các tỉnh ven biển...
Đối với vùng sản xuất cách biển từ 20 đến 30km, cần ưu tiên sử dụng các giống lúa chịu mặn và ngắn ngày; vùng cách biển từ 30 đến 70km, ưu tiên sử dụng các giống lúa chất lượng cao, có thời gian sinh trưởng từ 90-105 ngày; vùng thượng ưu tiên sử dụng các giống lúa thơm, cao sản chất lượng cao, nếp...
Nhằm bảo đảm sản xuất lúa vụ đông xuân 2022-2023 có kết quả tốt, Cục Trồng trọt lưu ý các địa phương cần theo dõi chặt chẽ tình hình khí tượng thủy văn, diễn biến nguồn nước để chủ động bảo vệ sản xuất, hạn chế thiệt hại xảy ra. Bố trí nguồn lực để nạo vét kênh mương, gia cố các tuyến đê bao, bờ bao, các cửa cống ngăn triều cường, mặn và có kế hoạch vận hành các cống ngăn triều kịp thời. Xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn và xâm nhập mặn, kịp thời ứng phó khi có hạn, mặn thiếu nước tưới xảy ra vào mùa khô.
Bên cạnh đó, các địa phương cần thực hiện giải pháp chỉ đạo gieo sạ tập trung, đồng loạt theo khung lịch khuyến cáo; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, thiếu nước tưới sang cây trồng khác hiệu quả cao hơn, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tăng cường nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học kỹ thuật góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất.
Đồng thời, nhân rộng các mô hình sản xuất như: cánh đồng lớn, “3 giảm 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”... Đặc biệt, trong liên kết sản xuất theo cánh đồng lớn, các địa phương cần rà soát điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sản xuất phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng biến đổi khí hậu; tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực; đồng thời khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ; gắn với chế biến tiêu thụ, xây dựng thương hiệu nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra sản xuất kinh doanh lúa giống; khắc phục và hạn chế việc phát tán các giống lúa chưa được phép sản xuất kinh doanh, những giống lúa chưa được công nhận là giống cây trồng mới vào sản xuất…