Đây là nhận định của Tổng cục Thủy lợi tại hội nghị trực tuyến sơ kết sản xuất trồng trọt vụ hè thu, mùa 2021; triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2021-2022 các địa phương duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên diễn ra ngày 25/10.
Năng suất, sản lượng lúa tăng
Cục Trồng trọt cho biết, năm 2021, diện tích gieo trồng lúa vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên ước đạt 772 ha, năng suất ước 61 tạ/ha, tăng 1,37 tạ/ha, sản lượng ước đạt 4,7 triệu tấn, tăng 355 nghìn tấn so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, vụ hè thu với diện tích gieo trồng khoảng 181 nghìn ha, tăng 20,5 nghìn ha, năng suất ước đạt 61,73 tạ/ha, sản lượng ước đạt 1.119 nghìn tấn, tăng 124 nghìn tấn.
Để có được kết quả này là do các địa phương đã chủ động rà soát, sắp xếp thời vụ gieo trồng lúa cho từng khu vực theo hướng bảo đảm nguồn nước, phòng tránh dịch hại và tiết kiệm chi phí sản xuất. Cùng với đó, các địa phương cũng đã bám sát công tác dự tính dự báo sâu bệnh giúp nông dân chủ động phòng trừ có hiệu quả, hạn chế thấp nhất mức độ thiệt hại.
Hơn nữa, nhận thức của nông dân về sử dụng giống tốt và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất ngày càng cao cũng là một trong những yếu tố quan trọng để nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng. Đồng thời, có sự phối hợp chặt chẽ của địa phương trong việc hướng dẫn, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, hiệu quả kinh tế cao.
Theo Cục Trồng trọt, các địa phương duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên do có địa hình đồi núi nhiều, sinh thái đa dạng, quy mô diện tích sản xuất nhỏ lẻ nên việc triển khai thực hiện mô hình cánh đồng lớn cho các loại cây trồng gặp nhiều khó khăn. Nhưng để tạo lợi thế cạnh tranh về chi phí sản xuất, chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế các địa phương đã cố gắng xây dựng một số mô hình cánh đồng lớn cho từng loại cây trồng.
Kết quả bước đầu cho thấy các mô hình cánh đồng lớn trong sản xuất lúa tập trung có chi phí đầu tư thấp hơn so với ruộng lúa ngoài mô hình nhưng lợi nhuận lại cao hơn trên cùng một chân đất và loại giống sử dụng. Bên cạnh đó, việc thực hiện cánh đồng lớn sản xuất lúa còn tạo thuận lợi cho việc áp dụng các biện pháp canh tác tiên tiến, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, từng bước làm thay đổi tập quán trong sản xuất nhỏ lẻ và gieo trồng truyền thống của người dân, góp phần tăng năng suất lao động và tăng thu nhập.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi cho biết, vụ hè thu 2021, trên địa bàn thực hiện 19 cánh đồng mẫu với tổng diện tích là 421,7 ha, trong đó sản xuất lúa với gần 370 ha, lạc 51,8 ha. Qua đánh giá, năng suất bình quân lúa đạt 71,6 tạ/ha, lạc đạt 28tạ/ha. Tăng năng suất so với sản xuất đại trà từ 3,4 đến 14,8 tạ/ha, lãi từ 4 triệu đến 17,76 triệu đồng/ha/năm.
Khuyến cáo nhân dân gieo trồng đúng lịch thời vụ
Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường cho biết, theo kế hoạch vụ đông xuân 2021-2022, vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên gieo trồng khoảng 321,5 nghìn ha lúa, giảm hơn một nghìn ha, phấn đấu năng suất bình quân 67,41 tạ/ha, tăng 0,54 tạ/ha, sản lượng 2.167 nghìn tấn, tăng mười nghìn tấn so với vụ đông xuân 2020-2021.
Nhằm bảo đảm sản xuất đạt hiệu quả, Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương cần khuyến cáo nhân dân gieo trồng lúa trong khung thời vụ tốt nhất; đẩy mạnh sử dụng giống xác nhận, giống ngắn ngày có năng suất cao, chất lượng khá, cứng cây, chống đổ ngã, chống chịu khô hạn tốt; vùng có nguy cơ thiếu nước cần bố trí giống có thời gian sinh trưởng ngắn.
Tăng cường dự tính, dự báo và phòng trừ kịp thời các đối tượng gây hại như: chuột, rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên lúa nhằm bảo vệ cây trồng...; tăng cường công tác nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học kỹ thuật góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất.
Theo dự báo, một số vùng sản xuất trong vụ sản xuất này có nguy cơ xảy ra hạn nhẹ, hạn cục bộ thuộc vùng các công trình thủy lợi nhỏ và ngoài công trình thủy lợi phụ trách tưới. Vì vậy, để bảo đảm nguồn nước cho sản xuất, Tổng cục Thủy lợi cho rằng các địa phương cần kiểm kê nguồn nước thường xuyên, trước và trong vụ sản xuất để cân đối, bố trí kế hoạch sản xuất, cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện nguồn nước. Đối với những khu vực nguồn nước không bảo đảm cần dừng sản xuất hoặc khu vực thiếu hụt nguồn nước có kế hoạch chuyển đổi sang loại cây trồng khác.
Đồng thời, theo dõi chặt chẽ thời tiết để kịp thời điều chỉnh kế hoạch phân phối nước, thực hiện các biện pháp gieo trồng tiết kiệm nước khi hạn hán, thiếu nước xảy ra; tăng cường nạo vét hệ thống kênh mương, lắp đặt trạm bơm dã chiến để bơm chuyển nhằm tận dụng nguồn nước khi xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn.
Bên cạnh đó, cần bố trí cơ cấu sản xuất phù hợp, tránh gieo trồng ở vùng không chủ động về nguồn nước trong cả vụ sản xuất; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là tại các khu vực không chủ động về nguồn nước, thường xuyên bị hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn từ canh tác lúa sang phát triển nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường; bố trí vùng sản xuất cây trồng có cùng khả năng chịu mặn và nhu cầu dùng nước để thuận tiện cho việc điều tiết nước.
Khảo sát, đánh giá tình hình, khai thác sử dụng nước tưới ngoài phạm vi công trình thủy lợi vùng Tây Nguyên nhằm hỗ trợ công tác chỉ đạo điều hành phục vụ sản xuất nông nghiệp; xây dựng bản đồ trực tuyến cảnh báo nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, đề xuất giải pháp bảo đảm nguồn nước cho sản xuất phù hợp với từng vùng để phục vụ xây dựng kế hoạch cấp nước, hạn chế thiệt hại do hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn gây ra.