Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, năm 2022 các địa phương xuống giống hơn 7,1 triệu ha lúa, sản lượng đạt hơn 42,66 triệu tấn, giảm 1,2 triệu tấn (do diện tích giảm khoảng 146,8 nghìn ha), năng suất đạt 60,1 tạ/ha. Riêng vụ đông xuân 2021-2022, khu vực Nam Bộ xuống giống hơn 1,57 triệu ha, năng suất đạt 71,91 tạ/ha, sản lượng đạt hơn 11,3 triệu tấn. Ðạt được kết quả này là do các địa phương chủ động lịch thời vụ để bảo đảm sản xuất. Trong đó, vùng đồng bằng sông Cửu Long, vụ đông xuân 2021-2022 triển khai thực hiện sớm hơn ở các địa phương ven biển để né hạn, mặn trong mùa khô. Bên cạnh đó, thời tiết thuận lợi giúp cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, sâu bệnh ít, tỷ lệ thụ phấn cao, đậu hạt tốt. Trong khi đó, xâm nhập mặn không gay gắt cho nên bảo đảm đủ nguồn nước cung cấp cho cây lúa trong suốt quá trình cây sinh trưởng, phát triển cho năng suất cao.
Tại phía bắc, vụ đông xuân 2021-2022, các địa phương gieo cấy hơn một triệu ha lúa, năng suất đạt 62,7 tạ/ha, sản lượng đạt 6,8 triệu tấn. Mặc dù trong vụ đông xuân này diện tích gieo cấy lúa được áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về canh tác lúa như: Quy trình canh tác lúa bền vững, SRI, phòng trừ sâu bệnh tổng hợp IPM, diện tích lúa chất lượng được mở rộng, công lao động giảm do áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nhưng do giá vật tư đầu vào như phân bón ở mức rất cao, ảnh hưởng của thời tiết bất thuận cho nên năng suất và sản lượng lúa giảm. Vì vậy, lợi nhuận trung bình trong sản xuất lúa giảm hơn so với vụ đông xuân trước khoảng 2,8 triệu đồng/ha. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, vụ đông xuân 2021-2022, trên địa bàn gieo cấy hơn 55 nghìn ha. Mặc dù ảnh hưởng của rét đậm, rét hại, giá vật tư đầu vào lớn nhưng do bà con nông dân đã đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất ở các khâu để giảm chi phí; ngành nông nghiệp chủ động kế hoạch sản xuất ở từng khu vực nên năng suất, sản lượng lúa đều tăng. Qua thống kê, vụ đông xuân này năng suất lúa ở Hải Dương đạt 67,7 tạ/ha, sản lượng gần 369 nghìn tấn.
Năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt ra nhiệm vụ, cả nước xuống giống từ 7,1 đến 7,2 triệu ha lúa, phấn đấu sản lượng đạt từ 43 đến 43,5 triệu tấn. Tại tỉnh Bắc Giang, vụ đông xuân 2022-2023 có kế hoạch gieo cấy khoảng 47.000ha lúa, phấn đấu năng suất 60,5 tạ/ha, sản lượng 284.570 tấn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang khuyến cáo các địa phương căn cứ vào điều kiện thực tế mỗi huyện, chọn 3 đến 4 giống chủ lực chỉ đạo sản xuất để đạt kết quả cao. Mặt khác, tập trung tu bổ, sửa chữa các công trình thủy lợi, nạo vét kênh mương, điều tiết nước hợp lý; tích trữ nước sớm trong các kênh mương, ao, hồ chứa bảo đảm đủ nước phục vụ đổ ải, gieo cấy và tưới dưỡng cho cây lúa; đẩy mạnh cơ giới hóa trong làm đất, gieo trồng và thu hoạch, nhất là trong điều kiện thiếu lao động nông nghiệp để bảo đảm thời vụ, giảm chi phí và công lao động, tăng hiệu quả sản xuất… Trong vụ đông xuân này, tỉnh Hải Dương có kế hoạch sản xuất 54.000ha lúa, phấn đấu năng suất 65 tạ/ha, sản lượng thóc 351.000 tấn. Nhằm bảo đảm vụ sản xuất này thắng lợi, ngành nông nghiệp tỉnh lưu ý bà con nông dân cần mở rộng tối đa diện tích gieo vãi ở chân đất chủ động tưới tiêu và cấy mạ sân, mạ gieo trên nền đất cứng; thực hiện cấy "một vùng, một giống, một thời gian" để tăng tối đa diện tích ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa, cấy máy, thu hoạch máy, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; mở rộng mô hình sản xuất lúa tập trung có bao tiêu sản phẩm; các cơ quan chức năng cử cán bộ theo dõi sát đồng ruộng, dự tính, dự báo chính xác và hướng dẫn nông dân chủ động phòng trừ sâu bệnh hại kịp thời, hiệu quả…
Cục trưởng Trồng trọt Nguyễn Như Cường cho rằng, trong vụ đông xuân 2022-2023 các địa phương cần khuyến cáo nhân dân xuống giống đúng lịch thời vụ nhằm bảo đảm sản xuất đạt kết quả tốt nhất. Hiện nay, khu vực Nam Bộ đã cơ bản xuống giống xong vụ đông xuân này và một số địa phương đang tập trung thu hoạch. Ðối với khu vực phía bắc, hiện các địa phương vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ đã kết thúc lấy nước đợt một để phục vụ gieo cấy vụ đông xuân này; theo kế hoạch sẽ tập trung gieo cấy khoảng sau Tết Nguyên đán năm 2023. Tuy nhiên, dự báo vẫn có thể xảy ra những đợt rét đậm, rét hại kéo dài ảnh hưởng việc gieo cấy, vì vậy bà con nông dân cần che phủ ni-lông cho những diện tích mạ và không cấy khi nhiệt độ xuống quá thấp; đồng thời chủ động lấy nước tích trữ, sử dụng tiết kiệm nước, hợp lý, bảo đảm đủ nguồn nước cho gieo cấy tưới dưỡng. Mặc dù vụ sản xuất này, lượng giống cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất nhưng các địa phương cũng cần chuẩn bị đủ nguồn thóc giống dự phòng để phục vụ sản xuất khi mạ bị chết; đẩy mạnh dồn đổi đất đai, hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác để tổ chức sản xuất lúa theo chuỗi giá trị, gắn với doanh nghiệp tiêu thụ và chế biến, sản xuất theo quy trình, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và có mã vùng bảo đảm sản phẩm lúa gạo an toàn thực phẩm, bền vững để nâng cao giá trị hạt gạo cho người sản xuất.