Cuộc toạ đàm nhìn nhận lại, đánh giá khách quan bức tranh tổng thể có sáng có tối của nền kinh tế và quan trọng nhất là kiến tạo nên những mảng màu tươi sáng hơn phục vụ nhân dân, bàn các giải pháp đột phá để thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển kinh tế, đẩy mạnh đầu tư công, tăng cường an sinh xã hội, đẩy mạnh xuất khẩu...
Khách mời tham dự Tọa đàm gồm: Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Thứ trưởng Tài chính Võ Thành Hưng; Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh.
Bảo đảm thu ngân sách nhà nước
Về vấn đề thu ngân sách nhà nước, Thứ trưởng Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, trước hết, quan điểm của Chính phủ, Bộ Tài chính luôn luôn chỉ đạo trong công tác thu là bảo đảm tất cả các khoản thu phát sinh thuộc về ngân sách nhà nước được thu đúng, thu đủ, thu kịp thời. Nhìn vào kết quả thu ngân sách nhà nước năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, Bộ Tài chính đưa ra điểm nổi bật, đó là:
Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đã đồng hành, chia sẻ với doanh nghiệp trong lúc khó khăn. Trong năm 2021, trước khó khăn của doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ, Quốc hội có những điều chỉnh về chính sách thu ngân sách. Chúng ta hỗ trợ miễn, giảm, giãn rất nhiều loại thuế, phí, lệ phí và các khoản thu ngân sách nhà nước cho các doanh nghiệp; tập trung vào các doanh nghiệp gặp khó khăn hoặc các doanh nghiệp vừa và nhỏ để hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và vượt qua khó khăn trong đại dịch. Tổng kinh phí miễn, giảm, giãn về thuế, phí, lệ phí năm 2021 hơn 123.000 tỷ, trong đó miễn giảm là hơn 100.000 tỷ.
Kết quả thu năm 2021 đến thời điểm này vượt 16,8% so dự toán, cơ bản các địa phương đều đạt và vượt dự toán. Dự toán Trung ương và địa phương đều vượt. Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn do đại dịch tuy nhiên công tác thu ngân sách vẫn bảo đảm là nguồn lực hết sức quan trọng để giúp cho cả Trung ương và địa phương có thể đối phó hiệu quả với dịch.
Chúng ta đã chi hơn 81.000 tỷ để hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động, nếu tính cả phần kinh phí chúng ta bỏ ra mua vaccine, thuốc và thiết lập các cơ sở khám, chữa bệnh là hơn 100.000 tỷ. Trong điều kiện thu như vậy, chúng ta có thêm nguồn lực phòng, chống dịch mà không phải vay thêm, tức là không phải bội chi thêm ngân sách cho công tác phòng, chống dịch. Đây là kết quả hết sức tích cực.
Về cơ cấu, thu của chúng ta dần bền vững hơn. Thu nội địa, tức là thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước ngày càng chiếm vị trí chủ đạo, thu từ đất đai ngày càng giảm.
Bảo đảm an sinh xã hội
Về vấn đề bảo đảm an sinh xã hội, Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh đánh giá, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn quan tâm đến vấn đề an sinh xã hội. Chính phủ đã ban hành rất nhiều chính sách quan trọng để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp và người lao động vượt qua đại dịch Covid-19. Thí dụ, Nghị quyết 42 hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, trong đó có cả người nghèo, người lao động, người có công.
Đặc biệt là Nghị quyết 68, với 12 nhóm chính sách được ban hành nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc làm, người lao động bị ngừng việc, người lao động bị thất nghiệp, trong đó, có người lao động tự do, hỗ trợ cả doanh nghiệp (từ giãn đóng bảo hiểm thất nghiệp, cho vay trả lương...). Tổng tất cả những chính sách này, chúng ta đã hỗ trợ cho hơn 50 triệu lượt người lao động và người dân, với tổng mức 81 nghìn tỷ đồng. Qua khảo sát vừa rồi tại các địa phương, các địa phương đã triển khai rất quyết liệt Nghị quyết 68 và Nghị quyết 116.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng ban hành thêm chính sách riêng của mình để hỗ trợ các đối tượng lao động tự do, những đối tượng lao động đặc thù mà Nghị quyết của Trung ương chưa phủ đến. Tóm lại, tổng kết qua đợt khảo sát vừa rồi, hầu hết các đối tượng của chúng ta đã được hỗ trợ, giúp họ vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19, trong đó giúp cho người lao động có an sinh tốt hơn, người sử dụng lao động có điều kiện vượt qua khó khăn.
Có thể thấy rằng, qua Covid-19, nhờ có an sinh xã hội đã giúp bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa phục hồi kinh tế xã hội. Trải qua hai năm phòng, chống dịch Covid-19, có nhiều doanh nghiệp bị phá sản hoặc dừng hoạt động, dẫn đến một loạt người lao động bị mất việc làm. Các chính sách cho vay vốn trả lương, phục hồi sản xuất, giúp cho người lao động có công ăn việc làm trở lại.
Bảo đảm an ninh lương thực
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, dịch Covid-19 giờ thành thách thức an ninh phi truyền thống toàn cầu, tác động đến chuỗi cung ứng, liên quan nhiều ngành kinh tế, trong đó có nông nghiệp. Sau bối cảnh dịch Covid-19, có nhiều tranh cãi về việc ngành nào thiết yếu hay không. Trong đó, có ngành không cần tranh cãi vì hội đủ mọi nhu cầu thiết yếu, đó là nông nghiệp. Không có cái ăn thì không làm gì được.
Cộng đồng quốc tế luôn đánh giá cao vai trò của Việt Nam góp phần cân đối an ninh lương thực thế giới. Họ đều mong chúng ta tham gia nhiều hơn để góp phần cùng thế giới vượt qua cơn khủng hoảng lương thực. Bối cảnh hiện nay, nhiều quốc gia bảo hộ mậu dịch, nhiều ngành hàng đứt gãy, ví dụ Pháp thức ăn chăn nuôi tăng giá cao, Bangladesh phân và thuốc cao quá nên bỏ đồng ruộng... Nhưng, Việt Nam 5 tháng vừa qua không chỉ đủ nuôi 100 triệu miệng ăn mà còn xuất 3 triệu tấn gạo, mang về 1,4 tỷ là đáng ghi nhận.
Chúng ta bảo đảm tốt cho mình và các nước, qua đó họ đánh giá cao và muốn tài trợ nhiều dự án phát triển nông nghiệp, thích ứng xu thế kinh tế xanh, nông nghiệp xanh, giúp thế giới vượt qua giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, trong bối cảnh chưa lường trước các vấn đề mù mờ, từng giai đoạn và thời điểm, ta cần nắm bắt tình hình, giao thương giữa các quốc gia vì bài toán kinh tế, đặc biệt giao thương lương thực còn mang tính nhân văn...