Xã Mù Sang, huyện Phong Thổ là một trong 30 xã của tỉnh Lai Châu đã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, do đó nguồn cung ứng thịt lợn tại xã rất khan hiếm. Trên địa bàn xã hiện có 655 em học sinh đang ăn, ở bán trú tại các trường. Để bảo đảm an toàn thực phẩm và duy trì chất lượng bữa ăn cho các em, nhà trường đã đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, nguồn thực phẩm từ các nhà cung ứng; đồng thời bố trí các thực phẩm như thịt gà, cá, thực phẩm khô để thay thế thịt lợn trong bữa ăn của học sinh.
Thầy giáo Phạm Duy Thinh, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Mù Sang cho biết: Từ khi xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, nhà trường đã báo cáo với Phòng Giáo dục và Đào tạo thay đổi khẩu phần ăn cho các cháu. Các bữa ăn có thịt lợn trước đây giờ được thay thế bằng cá, thịt gà là chính. Trong công tác chế biến vệ sinh an toàn thực phẩm, chúng tôi đã tập huấn cho các giáo viên về kiểm tra, sơ chế thực phẩm và sau khi chọn thức ăn thì kiểm tra lần nữa để bảo đảm bữa ăn của các cháu được tốt nhất.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phong Thổ đã có văn bản chỉ đạo 52 đơn vị trường có học sinh ăn ở bán trú tại trường tăng cường tuyên truyền, ồn định tâm lý phụ huynh; kiểm soát chặt chẽ thực phẩm đầu vào và quy trình chế biến… nhằm bảo đảm vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và chất lượng bữa ăn cho học sinh.
Việc chế biến thực phẩm tại các bếp ăn bán trú luôn được quan tâm đặc biệt.
Bà Vương Đào Tiên, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phong Thổ, Lai Châu khẳng định, chúng tôi đã chỉ đạo đến các đơn vị trường, ngay từ khâu lựa chọn nhà thầu cung ứng thực phẩm phải lựa chọn nhà thầu đủ tiêu chuẩn, đủ điều kiện, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn thực phẩm mà nhà thầu cung ứng cho các đơn vị nhà trường. Đối với các trường, chúng tôi cũng đề nghị thực hiện nghiêm túc việc lưu mẫu thực phẩm, lưu mẫu bảo quản theo quy định của nhà nước.
Hiện tại, tỉnh Lai Châu đang có 226 trường với hơn 28 nghìn học sinh ăn bán trú, nội trú tại trường. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm ở các bếp ăn bán trú trong nhà trường có vai trò rất quan trọng, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, phát triển về trí lực và thể lực của học sinh. Chính vì vậy, đây là một nội dung thường xuyên được ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Lai Châu quan tâm chỉ đạo, đặc biệt trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp và có nguy cơ lan rộng.
Ông Lưu Hồng Phương, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu cho biết, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản chỉ đạo đến tất cả các đơn vị giáo dục, đặc biệt các đơn vị có bếp ăn bán trú và nội trú, định hướng cho các trường thực hiện tốt việc giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm như: kiểm soát nguồn thức ăn, lưu trữ mẫu thức ăn đúng quy định và thực hiện công tác dọn dẹp vệ sinh, các bếp ăn bảo đảm chất lượng.
Đối với các trường trong vùng dịch, nếu có nguồn cung thực phẩm là thịt lợn mà bảo đảm nguồn gốc, có kiểm dịch rõ ràng thì khuyến khích các trường sử dụng nguồn thực phẩm đó.