Bảo đảm an toàn để du lịch mạo hiểm phát triển

Du lịch mạo hiểm là loại hình du lịch mới nổi trong những năm gần đây, thu hút sự quan tâm từ giới trẻ. Bên cạnh những trải nghiệm thú vị từ những vùng đất mới, loại hình du lịch mạo hiểm tự phát tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn cho người tham gia. Lực lượng chức năng cảnh báo người dân cần cẩn trọng và chỉ nên lựa chọn các tuyến du lịch mạo hiểm đã được cấp phép khai thác nhằm bảo đảm các điều kiện an toàn.
0:00 / 0:00
0:00
Du lịch tự phát tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi du khách thiếu kiến thức về an toàn.
Du lịch tự phát tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi du khách thiếu kiến thức về an toàn.

Những năm gần đây, hình thức du lịch mạo hiểm, khám phá thiên nhiên là xu hướng rất được ưa chuộng, nhất là đối với giới trẻ và những người muốn thử thách bản thân. Bên cạnh những trải nghiệm thú vị từ những vùng đất mới, loại hình du lịch mạo hiểm tự phát tiềm ẩn nhiều nguy hiểm và nguy cơ tai nạn cho người tham gia. Những sự cố xảy ra đối với loại hình du lịch này đang gióng lên một hồi chuông về vấn đề quản lý cũng như việc khai thác của các địa phương, các doanh nghiệp lữ hành.

Trong Luật Du lịch năm 2017 đã đề cập đến sản phẩm du lịch và sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch. Đó là “tập hợp các dịch vụ trên cơ sở khai thác giá trị tài nguyên du lịch để thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch”.

Chính phủ quy định các biện pháp bảo đảm an toàn cho khách du lịch đối với những sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch tại Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017, trong đó có nêu: Đối với trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trực tiếp kinh doanh các sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch cần thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn của khách du lịch…; đồng thời, phải có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho cơ quan quản lý nhà nước về du lịch nơi tổ chức kinh doanh sản phẩm du lịch chậm nhất 15 ngày trước khi bắt đầu kinh doanh. Sau khi kiểm tra, đối với các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện hoạt động được cơ quan có thẩm quyền công bố trên cổng thông tin điện tử Danh mục tổ chức, cá nhân đáp ứng đầy đủ các biện pháp bảo đảm an toàn đối với hoạt động du lịch này.

Thực tế, tại nhiều tỉnh như: Hà Giang, Bắc Kạn, Lào Cai, Lai Châu, Cao Bằng, Quảng Ninh,… đã có chiến lược đẩy mạnh khai thác các tour du lịch mạo hiểm. Điển hình là vùng Đông Bắc-Tây Bắc có rất nhiều sản phẩm được khai thác như: Chinh phục đỉnh Bạch Mộc Lương Tử (Lai Châu), đỉnh núi Tây Côn Lĩnh (Hà Giang), thác Bản Giốc (Cao Bằng), khám phá hang động ở Vườn quốc gia Ba Bể (Bắc Kạn),...

Năm 2018, Tiêu chuẩn quốc gia về du lịch mạo hiểm-Thông tin cho người tham gia (TCVN 12549:2018) cũng đã được ban hành. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 147 ngày 22/1/2020 đã định hướng du lịch thể thao mạo hiểm là một trong những sản phẩm du lịch chủ lực.

Theo đó, một số sản phẩm du lịch mạo hiểm có thể phát triển như: Bay dù lượn, khinh khí cầu; nhảy dù; đu dây mạo hiểm hành trình trên cao; đi xe đạp, mô-tô, ô-tô địa hình trên núi, trên đồi cát; đi trên dây; leo núi, vách đá; đu dây vượt thác; lặn dưới nước; chèo thuyền vượt ghềnh thác; đi mô-tô nước; lướt ván; ca-nô kéo dù ba; thám hiểm hang động, rừng, núi.

Để du lịch mạo hiểm phát triển bền vững, bảo đảm an toàn cho du khách, chính quyền các địa phương cần đưa ra các cảnh báo nguy hiểm, xây dựng các quy định nghiêm ngặt. Các đơn vị tổ chức du lịch, khai thác tour mạo hiểm cần đặt an toàn của người tham gia lên hàng đầu, có những biện pháp bảo vệ người tham gia, ứng phó, dự phòng với các tình huống xấu. Bên cạnh đó, du khách phải tuân thủ những quy định về an toàn, từ trang phục, phương tiện hỗ trợ, tuân thủ những cảnh báo những khu vực mạo hiểm không được đến. Đối với các điểm đến xa lạ và có độ nguy hiểm, nên chọn các dịch vụ chuyên nghiệp có người hướng dẫn giàu kinh nghiệm.

Các địa phương có tiềm năng phát triển loại hình du lịch mạo hiểm cần tổ chức khảo sát để quy hoạch khoa học, đầu tư bài bản, hướng dẫn cụ thể việc khai thác cho các doanh nghiệp, cá nhân, tránh để người dân hoạt động theo kiểu tự phát, tư duy “chộp giật”. Đối với các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch mạo hiểm phải được xét duyệt hồ sơ chặt chẽ, bảo đảm đủ năng lực, điều kiện, cam kết tuân thủ các quy định an toàn. Tuy nhiên, để du lịch mạo hiểm không trở thành du lịch rủi ro, vấn đề an toàn vẫn luôn là điều kiện tiên quyết cho mọi loại hình du lịch. Bằng cách tôn trọng tự nhiên, lựa chọn những nhà tổ chức uy tín, chuẩn bị tốt sức khỏe, kỹ năng và tuân thủ quy tắc an toàn, để không phải gánh chịu những hậu quả đáng tiếc.

Đến nay, tại tỉnh Cao Bằng mới có Công ty cổ phần du lịch Cao Bằng, đơn vị quản lý, khai thác thắng cảnh động Ngườm Ngao, ở xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh là điểm du lịch có yếu tố mạo hiểm. Thời gian tới, nếu trên địa bàn tiếp tục có đơn vị, doanh nghiệp đề xuất mở, khai thác điểm, tuyến du lịch mạo hiểm, Phòng Quản lý du lịch sẽ có ý kiến đề nghị, phải thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định về bảo đảm an toàn cho du khách mới được khai thác loại hình du lịch này.

NÔNG THỊ TUYẾN

Trưởng phòng Quản lý du lịch, Sở Văn hóa,

Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng