Bảo đảm an toàn cho tàu cá trong mùa mưa bão

Liên tiếp trong tháng 7/2022, hai vụ chìm tàu cá gây thiệt hại lớn về người và tài sản xảy ra tại vùng biển miền trung, gồm vụ tàu BTH 97478 TS ở Bình Thuận bị chìm ngày 10/7 làm 6/15 ngư dân bị chết và vụ tàu BÐ 91464 TS bị phá nước, chìm cách thành phố Nha Trang khoảng 120 hải lý ngày 20/7… Những vụ việc nêu trên tiếp tục gióng lên hồi chuông báo động với tàu bè và ngư dân đi biển, nhất là khi mùa mưa bão đang vào giai đoạn cao điểm...
0:00 / 0:00
0:00
Bộ đội Biên phòng Ðồn Nghi Sơn, Thanh Hóa hỗ trợ ngư dân kiểm tra, đưa phương tiện vào nơi neo đậu an toàn.
Bộ đội Biên phòng Ðồn Nghi Sơn, Thanh Hóa hỗ trợ ngư dân kiểm tra, đưa phương tiện vào nơi neo đậu an toàn.

May mắn được cứu sống và trở về với gia đình, ông Bùi Văn Toàn, thuyền trưởng tàu cá BTH 97478 TS bị nạn vẫn chưa hết bàng hoàng, kể lại: "Khi phát hiện có cơn lốc, chúng tôi bơm nước không kịp trong màn đêm. Sóng lớn đánh tàu chìm nhanh lắm, chúng tôi chỉ kịp lật hai thúng chai trên tàu xuống biển rồi nhảy xuống, thúng lớn 8 người, thúng nhỏ 7 người. Trước khi tàu chìm, tôi leo lên lấy được thùng mì tôm với mấy chai nước ngọt, chỉ sau 10 phút, tàu chìm hẳn. Trong suốt thời gian trôi dạt trên biển, chúng tôi chỉ biết động viên nhau hy vọng sẽ có một tàu nào đó đi qua cứu mình"...

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận Huỳnh Quang Huy nhận định: Trong đêm tối giữa cơn giông lốc, sóng cấp 6, cấp 7 trời mưa mù mịt, mọi người trên tàu đã làm rất nhiều công việc chỉ trong 10 phút như cứu hộ, bơm nước ra ngoài, đổ bớt cá ra khỏi khoang làm tàu nhẹ hơn để có thể nổi được... Nhưng mọi biện pháp cứu tàu đều không hiệu quả, nên thuyền trưởng quyết định yêu cầu các thuyền viên rời tàu xuống hai thúng chai và mình là người rời tàu cuối cùng. Do tàu cá BTH 97478 TS bị nạn và chìm ở vùng biển xa có độ sâu hơn 200 m, nên không thể trục vớt để sửa chữa. Ủy ban nhân dân thành phố Phan Thiết cùng chính quyền địa phương đang nỗ lực làm việc với các cơ quan chức năng để thực hiện thủ tục, chế độ hỗ trợ theo quy định chung cho ngư dân bị nạn và những trường hợp tử vong…

Tuy vậy, điều đáng nói là việc các ngư dân trôi dạt trên biển, thấy một số tàu hàng hải đi qua dù làm tất cả mọi cách báo hiệu cầu cứu nhưng các tàu đều không nhận biết được. Ðiều này cho thấy kỹ năng xử lý cứu nạn, tìm kiếm trên biển đang là một lỗ hổng lớn.

Theo Cục Kiểm ngư (Tổng cục Thủy sản), từ đầu năm đến nay cả nước đã xảy ra 104 vụ/104 tàu/570 người gặp tai nạn, sự cố trên biển. Hậu quả đã làm chìm 14 tàu, mất liên lạc: 2 tàu, chết 25 người, mất tích 57 người. Theo Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư Lê Tuấn, có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan khiến ngư dân đi biển gặp nạn. Về khách quan, do tình hình thời tiết bất thường, không theo quy luật như bão, áp thấp nhiệt đới, gió mùa, lốc xoáy bất ngờ gây ra tai nạn cho tàu cá, ngư dân khi đang hoạt động. Biển Ðông là luồng hàng hải quốc tế nhộn nhịp cho nên nhiều ngư dân khai thác tại các khu vực đan xen giữa ngư trường khai thác và tuyến đường hàng hải dẫn đến dễ xảy ra tai nạn đâm va, đâm chìm, đặc biệt là vào ban đêm... Về chủ quan, tàu cá Việt Nam chủ yếu sử dụng vỏ gỗ, kích thước nhỏ, nhiều tàu có tuổi đời cao nên việc bảo đảm an toàn khi hoạt động trong điều kiện thời tiết sóng to, gió lớn rất hạn chế. Nhiều ngư dân sử dụng máy tàu đã qua sử dụng nhằm giảm chi phí (giá thành chỉ bằng 30-50% máy mới). Chất lượng máy tàu cũ không bảo đảm, vận hành không ổn định dễ gây ra tai nạn, đặc biệt nguy hiểm trong điều kiện thời tiết xấu.

Bảo đảm an toàn cho tàu cá trong mùa mưa bão ảnh 1

Lực lượng liên ngành tỉnh Nghệ An tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân bảo vệ an toàn tàu cá trong mùa mưa bão.

Phương tiện cứu sinh, tín hiệu, trang bị hàng hải, thông tin liên lạc trên tàu cá... hầu hết đã được trang bị nhưng không đủ theo quy định. Nhiều thiết bị chất lượng kém, không được kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ, dễ hỏng hóc bất ngờ khi đang hoạt động trên biển. Thượng tá Dương Văn Thiết, Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận cho biết, mỗi tàu cá hoạt động vùng biển xa được trang bị các thiết bị thông tin có thể liên lạc được trên các tần số trực canh 24/24 của Bộ đội Biên phòng; hệ thống đài thông tin duyên hải và hệ thống liên lạc với gia đình. Cùng với đó, tàu cá còn phải trang bị thiết bị giám sát hành trình được kích hoạt kết nối với hệ thống giám sát tàu cá (VMS) của chi cục thủy sản địa phương để giúp các cơ quan chức năng theo dõi được tàu cá hoạt động như thế nào. Khi gặp sự cố trên biển, các tàu cá sẽ phát tín hiệu cứu hộ cứu nạn theo quy định và sẽ được cơ quan chức năng huy động lực lượng tìm kiếm. Ngoài ra các tàu cá phải có kết nối và liên lạc thường xuyên với gia đình trong đất liền. Tàu cá BTH 97478 TS bị chìm rất nhanh khi nước tràn vào khoang khi sóng to gió lớn, nhưng phải hai ngày sau, gia đình mới báo cho Bộ đội Biên phòng, dẫn đến việc tìm kiếm cứu nạn không kịp thời.

Chưa hết, các vụ hỏa hoạn xảy ra do người lao động, chủ phương tiện bất cẩn gây ra trên tàu, thiếu kiểm tra, triệt tiêu nguồn gây nhiệt khi sử dụng các thiết bị cũ và không thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng như bình ắc-quy, bình gas dẫn đến các hậu quả cháy nổ, gây thiệt hại lớn. Theo Chi cục Thủy sản Thanh Hóa, từ đầu năm đã xảy ra 3 vụ hỏa hoạn tàu cá, gây thiệt hại 3,1 tỷ đồng.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận Huỳnh Quang Huy, cơ quan có thẩm quyền cần bổ sung quy định các tàu cá phải trang bị các túi cứu sinh, trong đó có còi, gương, đèn chiếu la-de… kèm theo thực phẩm bảo quản để lâu, nước uống để có khả năng duy trì sinh tồn trên biển trong một thời gian trước khi được cứu. Cần bổ sung quy định tàu cá hoạt động vùng biển xa trang bị vật dụng báo hiệu cứu hộ cứu nạn từ xa như pháo sáng, pháo khói… Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Thanh Hóa, Lê Văn Sáng cho rằng, trong chỉ đạo sản xuất, chính quyền cùng cơ quan chức năng vẫn lồng ghép, khuyến cáo cho ngư dân về tình hình khí hậu, thời tiết. Trước mùa mưa bão, các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát về điều kiện kỹ thuật, kiên quyết không cho phương tiện không bảo đảm an toàn ra khơi. Hiện chủ đầu tư cùng cơ quan chức năng đang thực hiện các thủ tục, triển khai các bước đầu tư nâng cấp bốn cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền trong tỉnh Thanh Hóa từ nguồn vay phát triển thủy sản bền vững.

Tại nhiều địa phương, mô hình tổ đội liên kết, đoàn kết được xem như là một giải pháp hữu hiệu giúp ngư dân vươn khơi, bám biển. Tại Thanh Hóa, ngành nông nghiệp đang tham mưu cho tỉnh có đề án củng cố, kiện toàn gần 400 tổ đội đoàn kết khai thác thủy sản nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh trên biển và năng lực ứng phó, giảm tai nạn, rủi ro cho người, phương tiện hoạt động trên biển. Tại Bình Thuận đã kiện toàn và duy trì hoạt động 187 tổ đoàn kết/4.305 thuyền viên và 5 nghiệp đoàn nghề cá/68 tàu/674 xã viên, 34 hợp tác xã. Thượng tá Dương Văn Thiết, Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận cho biết, hoạt động theo tổ đội đoàn kết trên biển là mô hình có hiệu quả thiết thực trong hoạt động khai thác hải sản và đời sống của phần lớn ngư dân; hỗ trợ phòng ngừa thiên tai, khắc phục sự cố, cứu hộ, cứu nạn.

Một phần không kém phần quan trọng là chính sách hỗ trợ, đền bù cho chủ tàu và ngư dân khi tàu gặp tai nạn. Ðối với các tàu cá hoạt động vùng biển xa đã có quy định bắt buộc các thuyền viên phải mua bảo hiểm. Tuy nhiên, việc các công ty bảo hiểm bán bảo hiểm theo danh bạ thuyền viên của tàu cá với đầy đủ tên tuổi cụ thể từng người là không phù hợp với thực tế. Bởi vì, một tàu cá đăng ký cố định về số lượng người làm trên tàu, nhưng không thể cố định danh sách từng người cụ thể. Chuyến biển hôm nay, người này có thể làm trên tàu, nhưng chuyến biển sau, người đó chuyển sang tàu khác. Cần sửa đổi quy định, nên bán bảo hiểm theo gói số lượng người mà tàu cá đăng ký, sau này khi gặp sự cố, cơ quan bảo hiểm căn cứ vào người đi thực tế trên danh bạ thuyền viên đã được biên phòng xác nhận khi tàu xuất bến để đền bù...