Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam, ông Mai Tiến Dũng cho biết, Hà Nam ưu tiên thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có lợi thế như công nghiệp cơ khí, chế tạo, lắp ráp, công nghiệp phụ trợ, sản xuất linh kiện và lắp ráp thiết bị điện tử, các ngành sản xuất hàng công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp chế biến,... có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, Hà Nam cũng kêu gọi đầu tư vào kinh doanh hạ tầng các khu công nghiệp và cụm công nghiệp. Hiện nay, Hà Nam đang kêu gọi đầu tư xây dựng Trung tâm Y tế chất lượng cao cấp vùng, Khu đô thị Đại học Nam Cao, trung tâm giáo dục chất lượng cao trên địa bàn, khu sản xuất chế biến nông nghiệp công nghệ cao, sân golf, khu du lịch Tam Chúc và hệ thống các nhà hàng, khách sạn chất lượng cao, hiện đại.
Ông Dũng cũng đưa ra 10 cam kết đối với nhà đầu tư khi đầu tư vào Hà Nam. Trong đó, lãnh đạo tỉnh bảo đảm cung cấp điện đủ 24/24 giờ cho doanh nghiệp, giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn, hỗ trợ đào tạo lao động, giao đất sạch không thu tiền để doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho công nhân, bảo đảm an ninh, trật tự…
Tỉnh cũng thành lập đường dây nóng của Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh để tiếp nhận thông tin và giải quyết ngay các kiến nghị của doanh nghiệp. “Hà Nam sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư thông qua nhiều chính sách ưu đãi về thuê đất, kết cấu hạ tầng, thủ tục hành chính, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế nhập khẩu và hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo và tuyển dụng lao động”, Bí thư Tỉnh ủy Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Tại diễn đàn, đại diện các doanh nghiệp đã đầu tư tại Hà Nam cũng đánh giá cao môi trường đầu tư cũng như sự quan tâm, hỗ trợ của lãnh đạo tỉnh đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Ông Ryoichi Nakagawa, Trưởng đại diện Japan Desk Hà Nam cho biết, trong sáu tháng đầu năm 2015 đã có thêm sáu doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Hà Nam, nâng tổng số doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại đây lên con số 50 doanh nghiệp.
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải cho biết, rất ấn tượng về tốc độ tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng và các chương trình an sinh xã hội của Hà Nam thời gian qua và khẳng định, TP Hồ Chí Minh luôn khuyến khích và tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong và ngoài nước có trụ sở, văn phòng đại diện tại TP Hồ Chí Minh đến tìm kiếm cơ hội đầu tư và hợp tác kinh doanh tại tỉnh Hà Nam nhằm phát huy những lợi thế của tỉnh ở các lĩnh vực, các ngành kinh tế trụ cột của tỉnh Hà Nam. TP Hồ Chí Minh cũng sẽ tạo mọi điều kiện và cơ chế thuận lợi cho các doanh nghiệp của Thành phố tham gia các dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Nam và sẵn sàng cùng với lãnh đạo tỉnh Hà Nam chia sẻ kinh nghiệm về thu hút đầu tư.
Phát biểu tại Diễn đàn, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư Vương Đình Huệ cho rằng, Hà Nam đã bước đầu thành công trong việc coi đầu tư công là động lực, lôi kéo, kết nối đầu tư tư nhân và nước ngoài, thông qua việc ưu tiên nguồn kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng để cùng với doanh nghiệp trong xây dựng vùng nguyên liệu, phát triển chuỗi giá trị nông sản - thực phẩm hiện đại, mang lại lợi nhuận cao cho người sản xuất và nâng cao thu nhập cho nông dân. Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu và kết quả quan trọng nhưng quy mô và chất lượng đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài của Hà Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và yêu cầu của Tỉnh.
Thông qua Diễn đàn, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư Vương Đình Huệ đã gợi mở một số giải pháp trong thu hút đầu tư của Hà Nam, trong đó nhấn mạnh: Hà Nam cần tạo lợi thế cạnh tranh, không chỉ dựa vào “lợi thế tĩnh” về điều kiện địa phương, mà còn chủ động tạo ra “lợi thế động” thường xuyên và liên tục thông qua việc hình thành và thực hiện tốt các cơ chế chính sách trên cơ sở vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tạo dựng có hiệu quả liên kết với các địa phương trong Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; hợp tác phát triển kinh tế - xã hội với các địa phương, nhất là các địa phương trọng điểm trong nước như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.v.v... Thực hiện đầy đủ và tốt hơn nữa công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch chi tiết không gian lãnh thổ địa phương, gắn với chiến lược phát triển tiểu vùng trong tỉnh và quy hoạch không gian phát triển; rà soát để điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các quy hoạch chuyên ngành làm cơ sở thu hút đầu tư, bảo đảm phát triển bền vững gắn với tiết kiệm tài nguyên, đất đai.
Tăng cường thu hút đầu tư trong và ngoài nước, nhất là đầu tư FDI theo định hướng tái cơ cấu kinh tế của tỉnh; lựa chọn các dự án, các nhà đầu tư có năng lực tài chính, có sẵn các chuỗi giá trị với công nghệ tiên tiến và trình độ quản lý hiện đại. Không chỉ thu hút các nhà đầu tư lớn mà còn phải hết sức chú trọng thu hút các nhà đầu tư FDI là các doanh nghiệp nhỏ và vừa có công nghệ tiên tiến để sản xuất những sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và tiêu dùng ngày càng lớn trong nước.
Là địa bàn gần thị trường lớn là Thủ đô Hà Nội, thuận tiện xuất khẩu, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư Vương Đình Huệ cũng lưu ý, tỉnh Hà Nam cần từng bước quy hoạch hình thành các vùng nông trại nông nghiệp qui mô lớn, chuyên nghiệp và hiện đại để làm cơ sở liên kết với các doanh nghiệp chế biến sâu trong và ngoài nước, hình thành chuỗi nông sản - thực phẩm có chất lượng và giá trị gia tăng cao, làm động lực lan tỏa với các địa phương khác trong vùng đồng bằng sông Hồng. Tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ, đơn giản hóa các thủ tục đầu tư, xây dựng, thúc đẩy nhanh việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh, những kiến nghị, đề xuất của Diễn đàn ngày hôm nay không chỉ có ý nghĩa thiết thực đối với việc thu hút đầu tư của tỉnh Hà Nam, mà còn góp phần quan trọng cho Ban Kinh tế T.Ư trong việc tham mưu, đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư những chủ trương, cơ chế mới về huy động, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước; đồng thời chuẩn bị tốt nội dung Văn kiện Đại hội Đảng các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.