Ban Kinh tế Trung ương làm việc tại Lai Châu

NDO -

Sáng 26/1, Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương do đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lai Châu; dự chương trình “Tết sum vầy - Xuân bình an” năm 2022, thăm và tặng quà đoàn viên, công chức, viên chức người lao động có hoàn cảnh khó khăn, các gia đình chính sách và Bộ đội biên phòng Lai Châu.

Trưởng Ban Kinh tế trung ương thăm tặng quà gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại thành phố Lai Châu.
Trưởng Ban Kinh tế trung ương thăm tặng quà gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại thành phố Lai Châu.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lai Châu, đồng chí Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đã ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đã đạt được của tỉnh Lai Châu trong năm 2021, nhất là trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhiều chỉ tiêu tăng trưởng dương, đạt cao so với chỉ tiêu Trung ương, HĐND tỉnh giao.

Để hướng tới mục tiêu phát triển Lai Châu nhanh và bền vững, đồng chí Trưởng ban Kinh tế Trung ương đề nghị tỉnh tập trung thực hiện một số nhiệm vụ: Quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương, định hướng lớn trong các văn kiện Đại hội XIII của Đảng, nghị quyết Đại hội XIV Đảng bộ tỉnh Lai Châu và điều kiện thực tế của địa phương để từ đó xây dựng cụ thể hóa bằng các chương trình, đề án, dự án và nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, thiết thực, khả thi, hiệu quả để thực hiện trong nhiệm kỳ 2020-2025 và có tầm nhìn chiến lược xa hơn. Khẩn trương hoàn thành các quy hoạch phát triển của tỉnh để quy hoạch trở thành công cụ quản lý và tạo động lực phục vụ phát triển.

Ban Kinh tế Trung ương làm việc tại Lai Châu -0
 Trưởng Ban Kinh tế Trung ương làm việc với Ban Thường vụ tỉnh Lai Châu.

Nhấn mạnh tỉnh Lai Châu có lợi thế, còn dư địa để phát triển nông, lâm nghiệp và thủy điện, đồng chí Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng đây có thể xác định là hai trụ cột kinh tế quan trọng. Vì vậy, phát triển nông nghiệp cần xây dựng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa tập trung chuyên canh, từng bước ứng dụng công nghệ cao theo mô hình liên kết Doanh nghiệp-Người dân-Nhà nước-Nhà khoa học-Ngân hàng, tổ chức tín dụng và phải đồng bộ với công nghiệp chế biến để gia tăng giá trị, sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản và mở rộng, tìm kiếm thị trường. Phát triển lâm nghiệp chủ yếu là “tỷ lệ che phủ rừng”, đây là yếu tố cơ bản đảm bảo môi trường sinh thái, nguồn sinh thủy cho vùng đồng bằng Bắc Bộ, các công trình thủy điện quốc gia. Đồng thời, tập trung phát triển loại hình rừng cây gỗ lớn kết hợp trồng dược liệu…

Trưởng ban Kinh tế Trung ương cũng đề nghị tỉnh Lai Châu phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, bảo đảm tiến độ dự án tuyến giao thông kết nối Lai Châu với cao tốc Nội Bài-Lào Cai cùng với khai thác, phát huy hiệu quả khu Kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng đã được Chính phủ phê duyệt nâng cấp cặp cửa khẩu song phương Ma Lù Thàng (Việt Nam)-Kim Thủy Hà (Trung Quốc) lên cửa khẩu quốc tế. Đề nghị tỉnh tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ giảm nghèo đa chiều bền vững; tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, nhất là các doanh nghiệp có thế mạnh về du lịch, nông lâm nghiệp, chế biến và kinh doanh nông, lâm sản; đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng và các trung tâm kinh tế-công nghiệp-đô thị lớn… và liên kết, hợp tác quốc tế với nước bạn Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong quy hoạch phát triển ngành và vùng chính sách…

Trước đó, Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương đã dự chương trình “Tết sum vầy-Xuân bình an năm 2022”; trao tặng 200 suất quà với giá trị 250 triệu đồng cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn và tặng quà cho Liên đoàn Lao động tỉnh Lai Châu; thăm, động viên chúc Tết Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu và một hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố Lai Châu.