Bám trường, giữ lớp giữa vùng sâu Pác Nặm

NDO - NDĐT- Ở huyện vùng cao, đặc biệt khó khăn Pác Nặm ( Bắc Cạn), còn hơn quá nửa hộ nghèo và cận nghèo vẫn đói bụng mỗi khi giáp hạt, trường lớp sơ sài, thiếu thốn đủ bề nhưng vẫn ánh lên sự ham học, những thầy, cô giáo tận tụy với sự nghiệp trồng người.
Phòng học tạm tại điểm trường Khuổi Tuấn, xã Nghiên Loan, huyện Pác Nặm
Phòng học tạm tại điểm trường Khuổi Tuấn, xã Nghiên Loan, huyện Pác Nặm

Khổ học ở Khuổi Phây, Khuổi Tuấn

Phân trường Khuổi Tuấn là nơi học tập của con em các dân tộc Dao, Tày, Nùng ở hai thôn Khuổi Phây và Khuổi Tuấn thuộc xã Nghiên Loan, huyện Pác Nặm. Phân trường nằm chơ vơ trên sườn đồi, có ba lớp, trong đó có một lớp ghép trình độ 1+ 2, một lớp ba và một lớp bốn, nhưng chỉ có hai phòng được xây dựng cấp bốn, một phòng học tạm. Lớp bốn có tám em, hằng ngày phải ngồi học trong phòng học tạm rộng khoảng 25 mét vuông, hai đầu trống huơ trống hoác, tường bưng ván do nhân dân địa phương góp tiền mua tấm lợp, ván và vật liệu sẵn có dựng lên.

Thầy giáo Nông Trần Trinh, chủ nhiệm lớp bốn cho biết: “Học sinh ở đây đều là con em gia đình khó khăn, nhà cách trường chừng hai, ba cây số, toàn phải cuốc bộ, nhưng từ lớp một đến giờ, không có em nào bỏ học. Bất kể thời tiết như thế nào các em cũng đi học đều. Chỉ ái ngại là những hôm trời nắng gắt, hơi nóng từ mái nhà phả xuống; những hôm trời mưa lớp dột, sợ sập mái; những hôm rét buốt gió lùa, thương các em nên đành phải cho nghỉ”.

Cuối năm 2011, có đợt rét đậm, rét hại kéo dài, học sinh ngồi co ro trong lớp cóng tay không viết được, ba thầy cô giáo tại phân trường bàn nhau mỗi người đóng góp một ít, vận động phụ huynh học sinh đóng góp thêm mua bạt quây chung quanh lớp để gió mùa đông bắc đỡ lùa.

Vào đầu năm học, thầy Trinh vào thư viện dưới trường chính tìm được một số sách giáo khoa cũ, nhiều quyển mất bìa, rách, mất nhiều trang mang về cho các em học. Thầy Trinh bảo, “tuy sách cũ rách nhưng còn hơn không có, các em cố gắng dùng tạm.”

Trong điều kiện khó khăn, khắc nghiệt của thời tiết, tám học sinh vẫn bám trụ, kiên trì theo học chữ.

Hai chị em Hiệp Thị Huế và Hiệp Thị Phương được bố dựng cho một căn nhà nhỏ tại cánh đồng Lẻo Luông để hằng ngày đi học tại Trường THCS Nhạn Môn. Gọi là nhà của hai cô học trò hiếu học cho sang thôi, thực chất là lều tạm, tường là những mảnh ván, nứa bổ ghép lại che chắn, mái phi-brô xi-măng cũ đã thủng lỗ chỗ phải dùng bạt che lên để tránh mưa nắng nằm trơ trọi ở giữa cánh đồng.

Hằng ngày, chị em Phương phải đi bộ ngược dốc cách nhà hai trăm mét để lấy nước, tắm giặt, vượt đồng đến trường, tối đến học bài trong ánh đèn dầu. Bữa cơm hằng ngày của hai chị em chỉ là rau dại quanh nhà, thi thoảng bố mới mang cho ít cá khô.

Hỏi mong ước điều gì nhất, cả hai chị em đều tâm sự rằng, nhà ở mãi Phiêng Tạc xa trường gần mười cây số, xe đạp không có nên phải ra đây ở gần trường mới đi học được, nhưng tối đến chỉ có mỗi hai chị em gái nên sợ lắm, “chỉ mong sao nhà trường có phòng nội trú để chuyển vào ở cho đỡ sợ, có nước để sinh hoạt, tối học bài dưới ánh điện” Trong điều kiện ấy, hai chị em Phương đã vượt khó đến nay đã được hơn ba năm học.

Phân trường Khuổi Tuấn có ba thầy, cô giáo. Cô giáo Dương Thị Bạch nhà ở xã Khang Ninh, xa nhất nên nhà trường bố trí ở phòng công vụ dưới trường chính, hằng ngày đi xe máy mười cây số lên phân trường dạy học. Nhà thầy giáo Nông Trần Trinh ở thị trấn Chợ Rã, huyện Ba Bể, cách phân trường 20 cây số, thầy Trinh tâm sự: “Vợ tôi dạy học ở trường Tiểu học Nghiên Loan này. Hôm nào cũng thế, sáng ra tất tả đưa con đi nhà trẻ, hai vợ chồng đèo nhau đi dạy học cho đỡ tốn xăng. Tôi dạy ở phân trường này, vợ phụ trách một lớp dưới trường chính, nhiều lần con ốm mà không có ai đưa đi viện, nghề nghiệp thì không thể nghỉ. Sáng đi, tối mờ mới về đến nhà. Buổi trưa, hôm thì ăn tạm gói xôi, hôm cái bánh, hôm vào nhà dân xin xô nước nấu gói mì tôm. Phân trường không có nhà công vụ nên phải ghép bàn ghế trên lớp ngả lưng nghỉ trưa, chiều phụ đạo cho các em”. Những năm trước thầy Trinh được phân công đi dạy mãi tận xã Công Bằng cũng thuộc huyện vùng cao Pác Nặm này, nhưng cách nhà nửa ngày đường.

Nhà ở xa, cô giáo Lý Thị Huế phải thuê phòng ở trung tâm huyện Pác Nặm, mỗi ngày phải đi năm cây số, qua hai cầu tạm vào dạy học ở phân trường Khuổi Bẻ, xã Bộc Bố. Cô Huế cho biết, cầu tạm do dân tự làm nên đi qua phải mất tiền, nhưng sau mỗi trận mưa, hai cầu tạm lại bị lũ cuốn trôi, phải gửi xe ở nhà dân ven đường, lội suối vào phân trường.

“Mang tiếng lương gần năm triệu đồng/tháng, nhưng chi tiền xăng xe đi dạy học hằng ngày, tiền thuê nhà, tiền đi qua cầu, ăn uống tằn tiện mới đủ. Mong sao đường có cầu, phân trường có nhà công vụ để không phải đi lại vất vả, nguy hiểm và tốn kém”- Cô Huế nói:

Đến nay, huyện vùng cao đặc biệt khó khăn Pác Nặm đã phổ cập giáo dục tiểu học. Làm nên thành tích này là nhờ sự đóng góp lớn lao từ những thầy cô giáo tận tụy như thầy Trinh, cô Huế, nhờ những tấm gương kiên trì vượt khó như em Huế, em Phương cũng như các em học sinh đã bền bỉ học tập trong căn nhà tạm ở phân trường Khuổi Tuấn và sự coi trọng “cái chữ” mà đóng góp công sức, vật liệu xây dựng trường lớp của nhân dân.

Giáo dục vùng cao, bán trú sao?

Phó Phòng Giáo dục huyện Pác Nặm, Hứa Đình Chú cho biết: “Trên địa bàn huyện hiện nay có 11 trường tiểu học với tổng số 255 lớp, nhưng có đến 85 điểm trường lẻ nằm ở các thôn, bản vùng sâu vùng xa để tạo điều kiện cho học sinh đi học gần nhà. Phần lớn tại các điểm trường lẻ chưa có đường giao thông, phòng học tạm do dân tự làm, điều đó cho thấy nhân dân trên địa bàn huyện ngày càng coi trọng sự nghiệp giáo dục. Hai năm qua, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm hẳn, đến nay chỉ còn gần 1%”.

Việc duy trì các điểm trường lẻ chỉ thực hiện được đối với cấp tiểu học. Học lên THCS các em phải xuống trường chính, để đi học nhiều em phải tá túc trong những căn nhà lá gần trường do bố mẹ dựng tạm, một số trọ học ở nhà người thân quen hoặc thuê nhà, trường nào thừa phòng thì bố trí cho học sinh vào ở.

Trường THCS xã Nghiên Loan có năm phòng, là nơi ở của 40 học sinh xa nhà, hằng ngày các em tự lo cuộc sống của mình, cuối tuần lại vượt suối trèo đèo về nhà lấy gạo đi học. Do không có người quản lý, giữ gìn an ninh nên nhiều đêm một số thanh niên địa phương trêu gẹo, phòng học sinh nữ tối đến là đóng cửa im ỉm.

Để tạo điều kiện cho con em các dân tộc được đến trường, từng bước cải thiện chất lượng giáo dục, thời gian vừa qua huyện đã xây dựng mô hình trường bán trú ở xã Công Bằng. Trường Tiểu học bán trú xã Công Bằng có 319 học sinh, trong đó có 124 em ở các thôn, bản vùng sâu vùng xa trong xã không thể đi về trong ngày được ăn, ở ngay tại trường. Học bán trú, các em được Nhà nước hỗ trợ tiền ăn, nhà trường bố trí một người nấu nướng và quản sinh, có phòng tắm giặt, nước sinh hoạt. Các em học ngày hai buổi, tối đến có giáo viên hướng dẫn học tập nên không có tình trạng bỏ học, chất lượng giáo dục được nâng lên.

Hiện nay Trường THCS Công Bằng cũng thực hiện chế độ bán trú, nhà trường có cán bộ quản sinh, cấp dưỡng, học sinh xa nhà được ăn, ở nội trú ngay trong trường, không còn tình trạng bỏ học như những năm trước. Nhưng đến nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn mới chỉ duy nhất có mô hình trường bán trú tại xã Công Bằng.

Nhà nước khuyến khích xây dựng mô hình trường bán trú ở các địa phương đặc biệt khó khăn, địa hình rộng, dân cư sống phân tán để tạo điều kiện thuận lợi cho con em các dân tộc được đến trường và phát triển giáo dục ở vùng khó. Nhưng ngân sách địa phương eo hẹp, nhân dân còn nghèo, bà con mong mỏi Nhà nước cần có chính sách, các nhà tài trợ chung tay giúp nhân rộng mô hình bán trú và các công trình phụ trợ ở vùng đặc biệt khó khăn, giúp học sinh vùng cao bớt gánh nặng trên hành trình đến trường.