Bài toán nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Động lực quan trọng nhất của sự tăng trưởng kinh tế bền vững chính là con người. Do đó, phát triển nguồn nhân lực, tìm kiếm, thu hút và trọng dụng nhân tài là một trong những nội dung luôn được Đảng, Nhà nước ta đặt lên hàng đầu trong phương hướng, nhiệm vụ phát triển đất nước.
0:00 / 0:00
0:00
Đội tuyển quốc gia Việt Nam dự thi Olympic Hóa học Quốc tế (IchO) năm 2023, gồm bốn học sinh đều giành được huy chương; trong đó, có ba huy chương vàng và một huy chương bạc. Ảnh: TTXVN
Đội tuyển quốc gia Việt Nam dự thi Olympic Hóa học Quốc tế (IchO) năm 2023, gồm bốn học sinh đều giành được huy chương; trong đó, có ba huy chương vàng và một huy chương bạc. Ảnh: TTXVN

Nhân lực chất lượng cao, được cho là những người có kỹ năng, kiến thức, tay nghề, kinh nghiệm, năng lực sáng tạo. Báo cáo năng suất lao động của Việt Nam giai đoạn 2011-2020 vừa công bố mới đây cho thấy, chất lượng nguồn nhân lực nước ta đã có nhiều cải thiện cả về giá trị và tốc độ. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực của nước ta hiện nay so nhiều nước khác còn khoảng cách lớn không dễ thu hẹp. Năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn nhiều so chính một số nước trong khu vực.

Nhìn vào bức tranh tổng thể, có thể thấy, số lượng cán bộ khoa học đầu đàn, chuyên gia trong các lĩnh vực còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của đất nước trong giai đoạn mới. Đặc biệt, ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nhân lực chất lượng cao lại càng thiếu, tác động lớn đến sự phát triển của những vùng này. Có thể dẫn chứng như: huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, không chỉ cán bộ lãnh đạo cấp phòng, mà nhiều chuyên viên cũng đồng loạt xin chuyển công tác khiến tình trạng thiếu cán bộ công chức, viên chức ngày một trầm trọng. Trong khi khoảng trống cán bộ ngày một lớn hơn, thì việc tuyển dụng công chức, viên chức là người dân địa phương gặp nhiều khó khăn do không đủ các tiêu chuẩn quy định hoặc thi tuyển không đạt. Thực trạng bác sĩ ở các tỉnh Điện Biên, Lào Cai bỏ việc sau khi được đào tạo đang ngày càng gia tăng trong vài năm trở lại đây, thậm chí, có bác sĩ sau khi đào tạo nâng cao tay nghề, trở về tỉnh sẵn sàng đền bù gấp đôi số tiền đã được "đầu tư" để "ra đi". Hay như, có đến 70% số du học sinh sau khi tốt nghiệp đã chọn làm việc ở nước ngoài chứ không về nước. Hầu hết các nhà vô địch chương trình "Đường lên đỉnh Olympia" được nhận học bổng đi du học, đã không trở về nước làm việc,…

Đất nước ta đang bước vào giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tiếp cận kinh tế tri thức trong điều kiện sự phát triển kinh tế-xã hội chưa cao, chính vì vậy, Đảng ta xác định phải lấy việc phát huy chất lượng nguồn nhân lực làm yếu tố cơ bản cho sự phát triển nhanh và bền vững; là điều kiện để rút ngắn khoảng cách tụt hậu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định: Trong những năm tới, tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen; đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chính vì vậy, bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài,… tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh và bền vững, là một trong các nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội.

Mới đây, Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Chính phủ đã đưa ra mục tiêu cụ thể, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong việc tìm thu hút, trọng dụng nhân tài. Chiến lược định hướng việc tìm kiếm nhân tài tập trung vào bốn nhóm cụ thể. Chiến lược nhấn mạnh đến việc khen thưởng cá nhân, tổ chức có thành tích trong tiến cử, thu hút, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài; nhưng cũng xử lý nghiêm hành vi cản trở, trù dập nhân tài.

Thời gian qua, có hiện tượng nhiều cán bộ, công chức, viên chức có trình độ, năng lực chuyển sang khu vực ngoài nhà nước. Một trong các nguyên nhân chính là do chế độ đãi ngộ, điều kiện, môi trường làm việc ở khu vực công chưa đáp ứng nhu cầu và mong mỏi, dẫn đến thiếu hụt nhân lực chất lượng cao. Từ thực tế này, các chuyên gia nhấn mạnh, bên cạnh chính sách phù hợp về cơ chế lương, thưởng đối với nhân tài, cần có một môi trường làm việc công bằng, kỷ cương, thượng tôn pháp luật; bố trí phải đúng người, đúng việc, đúng chuyên môn, để phát huy sở trường và năng lực của họ.