Ra mắt phim "Những người cùng thế hệ"

Bài ca về người Hà Nội, tình yêu Hà Nội

50 năm - khoảng thời gian không dài của lịch sử gần một nghìn năm tuổi. Nhưng đó là cả cuộc đời của một thế hệ thanh niên Hà Nội - những chàng trai một thời "ra đi đầu không ngoảnh lại" nhưng thật lãng mạn "đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm". Họ gắn bó với Hà Nội suốt nửa thế kỷ thăng trầm bằng chính niềm vui, nỗi đau mà Hà Nội trải qua, bằng tình yêu chung thủy, vẹn nguyên cho đến hôm nay.

Đó là một thế hệ vàng - theo cách nói của nhà sử học Dương Trung Quốc. Và Những người cùng thế hệ là bộ phim về người Hà Nội, về tình yêu Hà Nội. Phim thể hiện đầy đủ và rõ nét lịch sử 50 năm của thủ đô: từ một "Hà Nội ngàn năm văn hiến", đến "Hà Nội - thủ đô của lương tri và phẩm giá con người" những năm đánh Mỹ. Và tiếp nữa là "Hà Nội - thành phố vì hòa bình" để rồi hôm nay là "Hà Nội - thủ đô anh hùng".

 

Đạo diễn
Nguyễn Thước.

20 phút phim ngắn ngủi, trong đó có những thước phim tư liệu quý giá về một Hà Nội hào hùng: Hà Nội rộn cờ hoa trong ngày giải phóng, Hà Nội của phong trào Ba sẵn sàng, Hà Nội của Điện Biên Phủ trên không... Rồi Hà Nội của những đau thương với trận lũ khủng khiếp năm 1971, với phố Khâm Thiên đổ nát bởi bom Mỹ, với những em bé Hà Nội trong chiến tranh làm đau thắt lòng người...

Phim còn là hình ảnh của một Hà Nội với những cơn sốt vỡ da vỡ thịt, với nỗi đau sinh nở để có ngày hôm nay: Hà Nội của một thời quan liêu, bao cấp, kinh tế kiệt quệ; Hà Nội của những sai lầm trong cuộc tổng điều chỉnh giá -lương - tiền; Hà Nội của nghị định "Z30" với "ông vua lốp" Nguyễn Văn Chẩn... Hà Nội của Việt Phương với Cửa mở và câu nói mà những người cùng thời không mấy ai quên: "Ai có xếp hàng theo chân lý thì xếp chứ chân lý không xếp hàng theo ai cả"... Rồi cuối cùng là Hà Nội của một cuộc "lột xác" đau đớn nhưng cần thiết: Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI...

Phim còn có những hình ảnh quý giá về một Hà Nội của văn hóa nghìn năm. Đó là Cột cờ Hà Nội, nơi chứng kiến cuộc hội ngộ đầy niềm vui, nước mắt của ngày giải phóng. Rồi nữa, Hà Nội của một Hoàng thành phát lộ, của một cầu Long Biên cổ kính, của phố Phái, của gió heo may, hoa sữa...

Trong phim, nhạc sĩ Phú Quang tâm sự: "Chưa ai đặt hàng tôi viết bài nào về Hà Nội nhưng Hà Nội là tình yêu của tôi từ thuở lên 5... Hà Nội trong tôi, bên cạnh Ba Đình lộng gió, bên cạnh Hồ Gươm xanh biếc thì còn mãi hình ảnh những bãi rác thuở xưa, nơi tôi tha thẩn đi tìm những hòn bi ve lóng lánh trong truyện thần thoại... Có thể là tôi hơi cực đoan, nhưng hình như những cái lá của Hà Nội cũng xanh hơn lá của những nơi mà tôi từng đến. Tôi biết thế là thật vô lý, nhưng đã trót yêu rồi, một tình yêu Hà Nội như thế. Có rất nhiều bài hát của tôi, dù không có chữ Hà Nội nào nhưng vẫn hiển hiện một Hà Nội trong đó...".

Phim được kết thúc khá ấn tượng bởi tâm sự của những thanh niên "thế hệ @": "Khuôn mặt Hà Nội có thể đẹp hoặc chưa đẹp, nhưng đó phải là một khuôn mặt có cá tính..."; "Hà Nội trong quá khứ là giai thoại về hoa sữa, về 36 phố phường... Hà Nội trong tương lai sẽ có thêm nhiều giai thoại mới do chính những người Hà Nội mới tạo nên".

Nhà sử học Dương Trung Quốc và đạo diễn Nguyễn Thước đã trăn trở rất nhiều khi viết kịch bản. "Chúng tôi không có ý định làm một biên niên sử bằng hình ảnh về thủ đô nửa thế kỷ qua. Chúng tôi chỉ cố gắng "nhặt" lấy một ý tưởng cụ thể mà có tính xuyên suốt, khái quát cao. Và cái tứ về Một thế hệ vàng, về người Hà Nội, tình yêu Hà Nội đã thuyết phục được Hội đồng duyệt kịch bản phim quốc gia".