Xây dựng lối ứng xử văn minh
Quy tắc ứng xử nơi công cộng gồm bốn chương, 14 điều. Trong đó, quy định rõ những việc nên và không nên làm ở các địa điểm công cộng. Chẳng hạn như khuyến cáo mọi người nên ứng xử lịch thiệp, thân thiện, nhã nhặn, đúng mực; trang phục lịch sự, phù hợp hoàn cảnh, chuẩn mực xã hội; quan tâm, nhường nhịn, giúp đỡ người khuyết tật, phụ nữ có thai, người già, trẻ em...; không nên nói to, gây ồn ào, mất trật tự; nói tục, chửi bậy; xúc phạm nhân phẩm, danh dự người khác; hút thuốc, khạc nhổ, phóng uế tùy tiện; xả rác thải, chất thải không đúng nơi quy định; phá cây xanh, hoa, cỏ, xâm hại cảnh quan... ở các địa điểm công cộng. Ngoài các đề xuất chung, Quy tắc ứng xử còn bao gồm các quy tắc riêng ở một số khu vực công cộng nhất định như: vỉa hè, lòng đường; vườn hoa, quảng trường, công viên, tượng đài; cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo; bảo tàng, thư viện, nhà văn hóa; nhà ga, sân bay, bến xe hay các địa điểm du lịch...
Hầu hết các quy tắc đều nhằm khắc phục những thói xấu mọi người hay mắc phải ở các địa điểm công cộng, trong đó có tính đến yếu tố đặc thù của một số không gian nhất định. Chẳng hạn như tại bảo tàng, thư viện, khuyến cáo mọi người hạn chế dùng điện thoại; tại bến xe, nhà ga không nên mua, bán hàng rong hay bày biện đồ đạc, ăn, uống, ngủ, nghỉ tùy tiện; ở các khu du lịch, vui chơi cần tôn trọng văn hóa địa phương, mặc trang phục phù hợp, không chen lấn, xô đẩy... Nhiều nguyên tắc ứng xử được đề xuất vốn chưa được điều chỉnh bởi các văn bản pháp luật, cũng không có trong các nội quy của một số địa điểm công cộng. Vì vậy, sẽ góp phần xây dựng nên lối ứng xử đẹp nếu thực hiện tốt.
Tiến sĩ Lưu Minh Trị, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Thăng Long đánh giá, trong dự thảo Quy tắc ứng xử nơi công cộng, lối sống, nếp sống thanh lịch, văn minh của người Hà Nội được cụ thể hóa thành những tiêu chí rõ ràng, dễ hiểu, phù hợp với truyền thống văn hóa của người Hà Nội, cho nên có tính khả thi cao. Nhiều nhà nghiên cứu, cũng như người dân đều ủng hộ chủ trương này của thành phố.
Tuyên truyền tạo sự đồng thuận của xã hội
Với hiện trạng văn hóa ứng xử hiện nay, phần lớn công dân sinh sống trên địa bàn đều mong muốn, cần phải sớm ban hành bộ Quy tắc ứng xử để chấn chỉnh ngay những hành vi lệch chuẩn, để Hà Nội thật sự là thành phố văn minh, an toàn với mỗi người dân. Chị Nguyễn Kim Thanh, nhà ở phố Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm) cho biết: "Không cần đi đâu xa, cứ dịp cuối tuần ra phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm là thấy nhiều bất cập trong văn hóa ứng xử. Rất nhiều người bán hàng rong xuất hiện, bày bán hàng công khai, nếu không có cộng đồng "ủng hộ" bằng việc mua hàng thì những hàng rong này không thể tồn tại. Giữa dòng người đang thong thả tản bộ, các bạn trẻ đi xe cân bằng điện lao vút qua, gây nguy hiểm cho mọi người… Vì vậy, cần có quy định để định hướng hành vi ứng xử của mọi người".
Tuy nhiên, điều nhiều người băn khoăn là việc triển khai Quy tắc ứng xử nơi công cộng thế nào, liệu quy tắc này có đi vào cuộc sống hay không. Tương tự như Quy tắc ứng xử dành cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố, Quy tắc ứng xử nơi công cộng chỉ mang tính khuyến cáo. Các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định tại Quy tắc ứng xử, tùy mức độ, sẽ bị nhắc nhở, phê bình công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. Như vậy, việc thực hiện hiệu quả hay không, phụ thuộc rất nhiều vào công tác truyền thông, việc tuyên truyền, vận động của các cấp chính quyền, đoàn thể và ý thức của người dân. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nếu chỉ trông chờ vào sự tự giác của mọi người thì rất khó có thể thực hiện tốt bộ quy tắc này.
Tại khu vực hồ Hoàn Kiếm có đặt nhiều biển quy định các hành vi ứng xử. Trong đó, có một số quy định như: không xâm hại cây xanh; cấm hàng rong, đánh giày; cấm thả gia súc, gia cầm, vật nuôi... Quận Hoàn Kiếm còn lập Ban Quản lý khu vực hồ Hoàn Kiếm để duy trì trật tự khu vực này. Mặc dù vậy, hầu hết những quy định nêu trên đều bị vi phạm. Mặt khác, trước khi xây dựng bộ Quy tắc ứng xử, Hà Nội cũng như nhiều địa phương đã triển khai Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Trong quá trình triển khai phong trào, rất nhiều địa phương đã xây dựng hương ước, quy ước của thôn, làng, tổ dân phố. Việc thực hiện hương ước, quy ước này cũng mang tính chất khuyến cáo, dựa vào tinh thần tự giác. Song, hiệu quả của những phong trào này còn rất hạn chế. Bởi vậy, nên chăng thành phố có thêm các chế định, chế tài chặt chẽ hơn, giúp các quy tắc ứng xử có thể đi vào đời sống cộng đồng tốt hơn. Chẳng hạn như gắn với việc bình bầu thi đua của các tập thể, cá nhân; hoặc đưa thông tin việc các cá nhân vi phạm về cơ quan, về địa phương...
Việc thành phố ban hành hai Quy tắc ứng xử là giải pháp hay trong việc định hình lại cách ứng xử, xây dựng phong cách ứng xử văn minh, phù hợp với truyền thống văn hóa của người Hà Nội và với yêu cầu của nhịp sống hiện đại. Sau khi được chính thức ban hành, thành phố cần tuyên truyền mạnh mẽ, phổ biến sâu rộng bộ Quy tắc ứng xử tới cán bộ, nhân dân, tạo sự đồng thuận trong cộng đồng, để mọi người cùng tự giác thực hiện và cùng giám sát việc thực hiện ở các cấp, không để việc thực hiện hai Quy tắc ứng xử chỉ rầm rộ lúc đầu rồi nhanh chóng rơi vào quên lãng.
Ngày 9-2, cơ quan Văn phòng HĐND thành phố Hà Nội đã triển khai, quán triệt và ký cam kết thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội. Đây là đơn vị đầu tiên của thành phố triển khai thực hiện nội dung này. Thường trực HĐND thành phố Hà Nội yêu cầu các cán bộ, công chức, người lao động gương mẫu, chủ động thực hiện nghiêm túc các quy định trong Quy tắc ứng xử gắn với hiệu quả công việc. Các phòng, ban tiến hành rà soát toàn bộ nội dung công việc, giao nhiệm vụ, đôn đốc mỗi người hoàn thành nhiệm vụ với chất lượng cao nhất. Tiến hành tổ chức trao đổi, mạn đàm Quy tắc ứng xử gắn với các quy định, phấn đấu là người cán bộ “kỷ cương, trách nhiệm, tận tình và thân thiện”. Đồng thời thiết lập đường dây nóng để các tổ chức, cá nhân và nhân dân góp ý. |
----------------
(*) Xem Báo Nhân Dân số ra ngày 10-2-2017.