An Giang 190 năm hình thành và phát triển:

Bài 2: Xây dựng thương hiệu gạo khẳng định vị thế gạo An Giang

An Giang ngày nay là vựa lúa của cả nước và là một trong các tỉnh có thế mạnh xuất khẩu lúa gạo. An Giang đang tận dụng thế mạnh xây dựng thương hiệu gạo An Giang từng bước khẳng định vị thế trên thị trường lúa gạo quốc tế.
0:00 / 0:00
0:00
Lúa gạo An Giang đã xuất khẩu nhiều quốc gia.
Lúa gạo An Giang đã xuất khẩu nhiều quốc gia.

Vượt khó thành vựa lúa cả nước

Để ngành nông nghiệp được như hôm nay, Đảng bộ tỉnh An Giang qua các thời kỳ đã đưa ra các quyết sách, chủ trương đúng.

Theo các tài liệu hội thảo khoa học An Giang 190 năm hình thành và phát triển cho thấy, sau niềm vui giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, Đảng bộ và nhân dân tỉnh An Giang đứng trước nhiều khó khăn: Chiến tranh để lại những tàn phá, tình hình an ninh chính trị khá phức tạp, thái độ thù địch và gây hại của Khmer đỏ ngày càng lộ liễu, sản xuất nông nghiệp-công nghiệp thiếu hụt nguyên liệu, thiên tai lụt lớn xảy ra, viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa bị cắt giảm đột ngột…

Tất cả khiến kinh tế-xã hội của tỉnh rơi vào khó khăn, đến mức một vựa lúa như An Giang phải rơi vào thiếu đói như tình hình chung của cả nước.

Đứng trước các khó khăn chung, Đảng bộ tỉnh An Giang và nhân dân không chùn lòng, cùng đồng tâm tìm cách đột phá vượt lên bằng nhiều quyết sách. Cụ thể, Đại hội IV của Đảng bộ tỉnh, ngay kỳ họp đầu tiên đã đề ra Nghị quyết về củng cố tập đoàn sản xuất; áp dụng cơ chế thị trường trong thu, mua lương thực.

Trong giai đoạn từ 1986-1995, Đảng bộ tỉnh An Giang có những chủ trương trương đột phá, triển khai sớm nhất trong cả nước một loạt các chính sách như: Giao đất cho hộ nông dân và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; chủ trương hỗ trợ vốn tín dụng ngắn hạn cho nông dân; hình thành định chế khuyến nông và tự do hóa thương mại; thành lập chương trình phát triển nông thôn…

Từ đó, An Giang nổi lên như một điển hình của việc phá rào cản cũ, đề ra những chính sách, chủ trương đột phá bắt đầu từ kinh tế nông nghiệp.

Từ định hướng đúng, An Giang đã tháo gỡ được mọi trở lực, giải phóng lực lượng sản xuất, giúp nông nghiệp, nông thôn của tỉnh phát triển nhanh.

Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân toàn tỉnh giai đoạn 1991-1995 đạt 9,9%, cao hơn bình quân cả nước. 10 năm sau đổi mới, sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển vượt bậc, sản lượng lương thực tăng 1,37 triệu tấn, tốc độ tăng trưởng 16%/năm. Từ một tỉnh thiếu gạo bước sang một tỉnh dư thừa lương thực, xuất khẩu và góp phần bảo đảm an ninh lương của Quốc gia.

TS Nguyễn Văn Giàu, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội nhận xét: “Trải qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, theo tinh thần nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, An Giang đã đạt được những thành tựu được xem là một kỳ tích trong sản xuất nông nghiệp, thể hiện qua 2 trụ cột: Đạt sản lượng 1 triệu tấn lúa vào năm 1988, đạt sản lượng 2 triệu tấn lúa năm 1994, đạt sản lượng 2,5 triệu tấn lúa năm 2000 và đạt 4 triệu tấn lúa trong những năm gần đây. Đạt sản lượng lương thực đã góp phần vào an ninh lương thực và tạo nguồn thu ngoại tệ…”.

Xây dựng thương hiệu gạo An Giang

Đến nay, ngành lúa gạo là ngành hàng chủ lực của tỉnh, hằng năm, sản lượng gạo chế biến của An Giang đạt gần 2 triệu tấn, trong đó xuất khẩu hơn 500.000 tấn tương đương kim ngạch 280 triệu USD.

Hiện, gạo của An Giang đã xuất khẩu sang 68 quốc gia ở tất cả 5 châu lục. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, xuất khẩu gạo mang thương hiệu An Giang đạt 45.000-50.000 tấn, chiếm khoảng 10% trong tổng lượng gạo xuất khẩu của tỉnh và phấn đấu đến năm 2030, xuất khẩu gạo mang thương hiệu An Giang đạt khoảng 100.000 tấn.

Theo ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, để đạt được kết quả đó, ngày 11/8/2022, UBND tỉnh An Giang đã ký quyết định số 1994/QĐ-UBND ban hành chương trình giống lúa phục vụ đề án “Xây dựng và phát triển thương hiệu gạo tỉnh An Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

Dự án hướng tới nghiên cứu chọn tạo bộ giống đặc thù của tỉnh An Giang để hoàn thiện các quy trình sản xuất giống đến cấp xác nhận phù hợp với điều kiện địa bàn tỉnh, tạo mạng lưới sản xuất giống từ nguyên chủng đến giống xác nhận gắn với doanh nghiệp sản xuất, đảm bảo cung cấp đủ giống xác nhận cho đề án xây dựng và phát triển thương hiệu gạo tỉnh An Giang.

Chương trình này nhằm đạt các mục tiêu cụ thể như phát triển thương mại hóa sản phẩm gạo dựa trên các giống lúa chất lượng cao phù hợp với thổ nhưỡng, canh tác của địa phương đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường trong và ngoài nước như: Jasmine 85, Lộc Trời 28, AG1, Đài Thơm 8, OM 5451, Nàng Hoa 9, OM 18…

Qua đó hình thành mạng lưới sản xuất giống xác nhận các giống lúa đã được chọn từ bộ giống lúa của tỉnh nhằm bảo đảm đáp ứng nhu cầu giống cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong chương trình.

Chương trình được chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn từ nay đến năm 2025 sẽ phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp tuyển chọn, khảo nghiệm, duy trì và tổ chức sản xuất cung cấp giống cấp xác nhận cho 4 giống lúa đã chọn từ bộ giống của tỉnh; xúc tiến hình thành mạng lưới sản xuất giống xác nhận cho các giống lúa đã chọn; xây dựng Bộ tiêu chí chất lượng gạo sàn cần đạt để xét chọn các giống lúa tham gia vào đề án xây dựng và phát triển thương hiệu gạo tỉnh.

Bài 2: Xây dựng thương hiệu gạo khẳng định vị thế gạo An Giang ảnh 1

Xây dựng thương hiệu gạo An Giang giúp nông dân tăng thêm thu nhập.

Giai đoạn từ năm 2026-2030 sẽ củng cố và tăng cường mạng lưới sản xuất giống đến cấp xác nhận phù hợp với điều kiện thực tiễn, bảo đảm đáp ứng nhu cầu giống cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong phạm vi đề án.

Định kỳ 2 năm/lần, tổ chức rà soát, nghiên cứu cải tiến, tổ chức đánh giá, nâng cấp phiên bản về chất lượng để bổ sung từ 1-2 giống mới vào bộ giống lúa của tỉnh; nghiên cứu chọn lọc, chọn tạo giống lúa chất lượng cao, đặc biệt ứng dụng công nghệ cao trong việc chọn, sản xuất giống để nhân nhanh các giống mới có đặc tính tốt, chất lượng cao; phục tráng một số giống đặc sản địa phương; xúc tiến sản xuất, thương mại các giống lúa đã được tuyển chọn, lai tạo, du nhập phục vụ nhu cầu giống cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo.

Tỉnh đang tập trung xây dựng thương hiệu gạo An Giang, vì đây là rất cần thiết nhằm gia tăng giá trị xuất khẩu và tiêu dùng nội địa nhằm tiến tới xây dựng một quy trình chế biến gạo bảo đảm các tiêu chuẩn chất lượng trong nước lẫn quốc tế.

Hiện, An Giang có 23 doanh nghiệp kinh doanh gạo đã được Bộ Công thương cấp phép chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu.

Tổng năng lực của 23 doanh nghiệp trong tỉnh có sức chứa đạt: 522.800 tấn lúa và 551.594 tấn gạo; công suất xay xát đạt 628 tấn lúa/giờ và công suất xát trắng đạt 776 tấn gạo/giờ và có tổng cộng 42 nhà máy, kho chứa trên địa bàn tỉnh. Tổng năng lực của 16 doanh nghiệp ngoài tỉnh có kho tại tỉnh An Giang có sức chứa đạt: 138.125 tấn lúa và 198.024 tấn gạo; công suất xay xát đạt 261 tấn lúa/giờ và công suất xát trắng đạt 342 tấn gạo/giờ và có tổng cộng 20 nhà máy, kho chứa trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang thông tin, tổng diện tích sản xuất lúa gạo của tỉnh hằng năm khoảng 640 nghìn ha, trong đó, năng suất lúa bình quân cả năm đạt trên 6 tấn/ha, sản lượng lúa cả năm đạt gần 4 triệu tấn.

Đến nay, liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa ở An Giang ngày càng phát huy những lợi ích rõ nét. Trong năm 2022, tổng diện tích doanh nghiệp đã thực hiện liên kết là 144.698ha trên cây lúa.

Ông Nguyễn Sĩ Lâm thông tin thêm, trong năm 2022 tỉnh có các tín hiệu vui cho xuất khẩu gạo như việc Tập đoàn Tân Long khánh thành Nhà máy gạo Hạnh Phúc có quy mô lớn nhất châu Á với công suất sấy đạt 4.800 tấn lúa tươi/ngày, hệ thống 80 silo chứa lúa 240.000 tấn, công suất xay xát chế biến 1.600 tấn lúa khô/ngày, công suất gạo thành phẩm đạt 1.000 tấn/ngày.

Trong quý I/2022, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) ký kết biên bản ghi nhớ hợp đồng xuất khẩu gạo 3 năm sang quốc gia Tây Phi với giá trị lên đến 3 triệu tấn gạo trong 3 năm; quý II-III/2022, Tập đoàn Lộc Trời xuất khẩu 1.000 tấn gạo mang thương hiệu riêng Cơm Vietnam Rice sang Pháp, được bày bán trên kệ 2 hệ thống siêu thị lớn hàng đầu châu Âu là E. Leclerc và Carrefour.

Tập đoàn Lộc Trời đã ký kết tổ chức sản xuất 2 triệu tấn lúa với Liên hiệp Hợp tác xã Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Trong bối cảnh hiện nay, nông dân trồng lúa không chỉ cần được bao tiêu, mà việc bao tiêu đó phải gắn liền với khâu tổ chức sản xuất đúng theo tiêu chuẩn chất lượng của thị trường.

Việc tổ chức sản xuất chỉ có thể đạt hiệu quả cao và đem lại lợi ích kinh tế bền vững cho bà con nông dân khi được triển khai trên quy mô lớn. Để đạt đến quy mô cánh đồng lớn, nông dân cần hợp tác liên kết chặt chẽ trong hợp tác xã tại địa phương.

Thông qua các hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã, Lộc Trời có thể đồng hành cùng bà con nông dân xây dựng vùng trồng cụ thể tại các hợp tác xã cho từng thị trường mà Lộc Trời đã ký kết hợp đồng cung ứng lúa gạo. Theo đó, triển khai kế hoạch sản xuất cho hợp tác xã, quản lý chặt chẽ bằng bản đồ số hóa, nhật ký đồng ruộng điện tử, cơ sở dữ liệu nông nghiệp; tập huấn, hướng dẫn nông dân sản xuất theo quy trình chặt chẽ, an toàn cho sức khỏe con người và môi trường sinh thái, hướng đến sản xuất lúa gạo bền vững.

Tiến hành xây dựng mã số vùng trồng để chứng minh nguồn gốc cho sản phẩm gạo khi xuất khẩu vào các thị trường khó tính, từng bước nâng cao chất lượng sống của các vùng nông thôn qua việc bảo đảm thu nhập ổn định cho nông dân và hỗ trợ các chương trình an sinh xã hội; từng bước nâng cao vị thế và giá trị thương hiệu của lúa gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.