(Tiếp theo và hết) (*)
Các chuyên gia cho rằng, cần tiếp sức, trợ lực để khoa học-công nghệ trở thành khâu đột phá, tạo ra động lực tăng trưởng mới đưa Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh, bắt kịp xu hướng công nghệ 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu.
Nhiều rào cản cần tháo gỡ
Nhiều hạn chế được các cơ quan chức năng, các chuyên gia đưa ra sau 10 năm Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Trong đó, vai trò nhận thức của một số cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội của địa phương, đơn vị chưa quán triệt đầy đủ tầm quan trọng của Nghị quyết số 20-NQ/TW được nhấn mạnh. Vì vậy, nhận thức trong hệ thống chính trị, xã hội về vai trò của khoa học-công nghệ chưa đầy đủ, sâu sắc, dẫn đến sự chuyển biến từ nhận thức thành hành động còn chậm.
Ngoài ra, đầu tư của Nhà nước và xã hội cho khoa học-công nghệ vẫn chưa tương xứng, chưa huy động được nhiều nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước đầu tư cho khoa học-công nghệ. Cơ chế quản lý tuy có đổi mới nhưng chưa theo kịp các đòi hỏi của cơ chế thị trường; chế độ chính sách để thúc đẩy khoa học-công nghệ phát triển còn bất cập, hạn chế, việc đầu tư cho hoạt động sáng tạo còn ít. Cơ sở vật chất phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học-công nghệ và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao còn thiếu. Sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành trong thúc đẩy hoạt động khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa đồng bộ và chặt chẽ. Hiệu quả của các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học chưa đạt kết quả cao, mối kiên kết trong hoạt động khoa học-công nghệ giữa trường-viện và doanh nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực nhưng thiếu chặt chẽ và bền vững. Thị trường khoa học-công nghệ đã hình thành nhưng chậm phát triển, hoạt động mua, bán công nghệ và lưu thông kết quả nghiên cứu khoa học chưa đồng bộ do thiếu tổ chức trung gian, môi giới các quy định pháp lý cần thiết, nhất là hệ thống bảo hộ hữu hiệu quyền sở hữu trí tuệ.
Theo Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hồ Hải, hoạt động khoa học-công nghệ của thành phố giai đoạn 2012-2021 đã đạt được những thành tựu quan trọng và khá toàn diện, góp phần tạo chuyển biến tích cực phát triển kinh tế-xã hội thành phố. "Lực lượng cán bộ khoa học-công nghệ tăng về số lượng nhưng còn thiếu những chuyên gia đầu ngành, nhất là trong các lĩnh vực trọng điểm như công nghệ sinh học, công nghệ vi mạch, trí tuệ nhân tạo", đồng chí Nguyễn Hồ Hải đánh giá và cho biết thêm, phần lớn các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố là vừa và nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ, năng lực về tài chính, công nghệ và nguồn nhân lực khoa học-công nghệ của doanh nghiệp còn yếu...
Để khoa học-công nghệ là đòn bẩy
Thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh tập trung các nguồn lực phát triển khoa học-công nghệ. Ðến năm 2030, thành phố phấn đấu đưa kinh tế số đóng góp khoảng 40% trong GRDP; tỷ trọng đóng góp TFP (chỉ số năng suất yếu tố tổng hợp) vào GRDP của thành phố đạt từ 50% trở lên; chi đầu tư cho khoa học-công nghệ đạt bình quân hơn 1% GRDP trở lên, trong đó chi cho nghiên cứu và phát triển chiếm từ 65% trở lên; tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt 40% tổng số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố...
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Hoa Xô, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Thành phố đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng thành phố thông minh đã đặt ra yêu cầu mới đối với đội ngũ trí thức ở lĩnh vực khoa học-công nghệ. Ðể khoa học-công nghệ tiếp tục phát huy hiệu quả, thành phố cần xây dựng đội ngũ tri thức khoa học-công nghệ trẻ, thu hút nhân tài, chuyên gia khoa học hàng đầu. Muốn làm được điều này, thành phố cần mạnh dạn đề xuất, tháo gỡ những vướng mắc về tài chính cho việc triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học. Ðây là những khó khăn trường kỳ, kéo dài nhiều năm mà các nhà khoa học khi tham gia nghiên cứu đều than phiền. Nghị quyết số 20-NQ/TW đã đề cập rất rõ cần tháo gỡ, nhưng cho đến nay những vướng mắc này vẫn tồn tại. Ðồng thời, thành phố cần xây dựng cơ chế thoáng, khuyến khích chuyển giao công nghệ từ kết quả nghiên cứu các đề tài khoa học-công nghệ có nguồn gốc kinh phí từ ngân sách.
Ðồng chí Nguyễn Hồ Hải đề nghị, thành phố cần sớm nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách về quản lý, tổ chức, hoạt động khoa học-công nghệ. Trong đó, tập trung đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý, phương thức đầu tư và cơ chế tài chính, đổi mới hệ thống tổ chức khoa học-công nghệ, thu hút nguồn nhân lực khoa học-công nghệ. Ðồng thời, thành phố cần đề xuất các giải pháp phát triển các doanh nghiệp về khoa học-công nghệ, nghiên cứu áp dụng các mô hình quản lý và khai thác có hiệu quả theo mô hình tiên tiến thế giới; tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và phát triển, ứng dụng, chuyển giao các sản phẩm khoa học-công nghệ phục vụ phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng của thành phố...
---------------------
(*) Xem Trang Thành phố Hồ Chí Minh, Báo Nhân Dân, từ số ra ngày 21/2/2023.