* Bài 1: Nỗi lo từ sự "nở rộ" của ngành phẫu thuật thẩm mỹ
Bác sĩ “biết một” nhưng lại “mổ mười”
Hiện nay, việc cấp chứng chỉ hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ cho bác sĩ hành nghề được quy định khá chung chung. TS Phạm Trình Quốc Khanh, Trưởng khoa Bỏng, Tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Trưng Vương, Phó Chủ tịch Hội phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ TP Hồ Chí Minh cho biết, tại TP Hồ Chí Minh, vấn đề cấp chứng chỉ hành nghề cho bác sĩ qua đào tạo phẫu thuật thẩm mỹ vẫn chung chung. Khi đã được cấp chứng chỉ phẫu thuật thẩm mỹ, bác sĩ có thể được phẫu thuật thẩm mỹ “từ đầu đến chân”.
Cho đây là một bất cập lớn, bởi theo TS Quốc Khanh, nhiều bác sĩ chỉ chuyên sâu về một hoặc một vài bộ phận trên cơ thể chứ không thể làm được tất cả. “Chúng tôi đang kiến nghị, tiến tới, khi cấp chứng chỉ, ngành Y tế nên cấp chứng chỉ chuyên sâu cụ thể từng vùng trên cơ thể, tránh tình trạng có những người có chứng chỉ làm được mắt với mũi mà lại nhận cả những ca làm ngực hay bụng” - ông Khanh chia sẻ.
Một thực tế hiện nay cũng gây ra sự lo lắng cho chính những nhà quản lý đã được Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà chỉ ra, đó là việc theo quy định khám chữa bệnh, người hành nghề được cấp chứng chỉ toàn quốc. Thời gian qua, Sở Y tế Hà Nội cũng nhận được nhiều hồ sơ của các địa phương gửi về xin cấp giấy phép hành nghề và theo đúng luật phải công nhận và thực hiện đăng ký hành nghề cho họ. Tuy nhiên, tay nghề của các bác sĩ này cũng khiến các nhà quản lý nghi ngại và rất thận trọng khi cấp giấy phép hành nghề.
“Sở Y tế Hà Nội cũng nhận được nhiều hồ sơ của các địa phương gửi về xin cấp Giấy phép hành nghề và chúng tôi phải rất thận trọng thẩm định hồ sơ, đồng thời tiến hành hậu kiểm phát hiện hành vi vi phạm” - bà Hà khẳng định.
Bà Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) nhận định, hiện nay có bác sĩ chỉ được học chuyên khoa phẫu thuật chỉnh hình hoặc bác sĩ ngoại học định hướng Chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ 18 tháng đã được cấp chứng chỉ hành nghề.
Quá dễ để chỉ 18 tháng có Chứng chỉ hành nghề!
Việc cấp chứng chỉ hành nghề đối với ngành PTTHTM hiện nay đang gây ra rất nhiều tranh cãi. Một trong những nguyên nhân chính hiện nay dẫn đến “thị trường” phẫu thuật thẩm mỹ “vận hành” thiếu lành mạnh chính là việc được cấp phép một đằng, quảng cáo và làm một nẻo; trong khi trang thiết bị, đội ngũ y, bác sĩ thiếu thốn không đáp ứng được yêu cầu. Đặc biệt, là tình trạng làm vượt quá lĩnh vực được cấp phép.
Theo quy trình cấp phép hiện tại, học viên sau khi được học định hướng chuyên khoa tại các cơ sở đào tạo sẽ trải qua 18 tháng thực hành để được cấp phép hành nghề. TS Phạm Trình Quốc Khanh cho rằng, thời gian 18 tháng là quá ít để đáp ứng điều kiện được cấp phép. Thực tế cho thấy trong 18 tháng thực hành, chắc chắn các học viên không thể kinh qua để có kinh nghiệm xử lý phẫu thuật thẩm mỹ ở tất cả các vùng trên cơ thể con người. Vì thế, ngoài yêu cầu cần có về chứng chỉ cơ bản thì bác sĩ thực hiện PTTHTM phải có chứng chỉ vùng (mặt, chi thể, ngực…) thì mới được thực hiện PTTHTM.
“Tôi cho rằng, học định hướng chuyên khoa 18 tháng thì người học mới chỉ biết về ngành. Dùng định hướng chuyên khoa để cấp hành nghề là chưa đầy đủ. Do vậy, chúng tôi đã ngồi lại với nhau và cho rằng ít nhất chương trình đào tạo phải là ba năm và trong chương trình đào tạo phải có phần phẫu thuật thẩm mỹ” - PGS, TS Lê Hành bày tỏ quan điểm trong một buổi tọa đàm gần đây nhất về phẫu thuật thẩm mỹ tại Hà Nội.
Đồng quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Tài Sơn cho biết, nước ngoài đào tạo phẫu thuật viên mất khá nhiều thời gian, từ 10-14 năm, trong khi ở Việt Nam, khi ra trường, chỉ cần qua chuyên khoa định hướng là đã có thể hành nghề.
Vì thế, trong quá trình cấp Chứng chỉ hành nghề, nhiều ý kiến cho rằng nên tăng cường mở các khóa đào tạo ngắn hạn chuyên sâu về mắt, mũi, bụng… trong thời gian 1-3 tháng. Các bác sĩ đã có chứng chỉ khi cảm thấy chưa đạt yêu cầu vẫn tiếp tục có thể đào tạo lại, đào tạo tiếp. Sau 3 năm hoặc 5 năm có thể xét lại Chứng chỉ hành nghề.
Siết chặt việc cấp Chứng chỉ hành nghề
PGS.TS Nguyễn Tài Sơn bày tỏ, với sự phát triển phẫu thuật thẩm mỹ tại Việt Nam, hy vọng Bộ Y tế sớm có quy chế về phạm vi hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ để có công cụ cho các cơ quan có trách nhiệm kiểm tra giám sát việc hành nghề và cũng là quy định để phẫu thuật viên biết hành nghề ra sao. Có như vậy mới nâng cao chất lượng phục vụ cho những người có nhu cầu phẫu thuật thẩm mỹ.
Một bất cập hiện nay trong việc quản lý, đó là những lĩnh vực liên quan tới TPTHTM do Bộ Y tế quản lý, nhưng các thẩm mỹ viện, spa thực hiện các hoạt động kinh doanh đơn thuần về làm đẹp lại thuộc Bộ Công thương quản. Nhiều thẩm mỹ viện quảng bá trá hình, ngầm thực hiện các dịch vụ làm đẹp có can thiệp xâm lấn trong khi chưa được cấp phép, gây nhiều hậu quả nhưng cơ quan quản lý không thể kiểm soát chặt.
Đại diện Bộ Y tế, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - bà Trần Thị Trang cũng cho biết, tới đây Bộ Y tế sẽ ban hành bổ sung các văn bản quy định rõ về các văn bằng chứng chỉ, cơ sở đào tạo, chương trình đào tạo,… để bảo đảm học đi đôi với hành và xuyên suốt quá trình từ học đến hành như thế nào.
“Về phạm vi chuyên môn thì học chuyên ngành gì và đi thực hành phạm vi nào, học ngành gì thì được thực hành phẫu thuật gì. Về tổ chức thực hiện sẽ có những giao thoa, nên cần có sự phối hợp Sở Y tế và Sở Công thương để phát hiện vấn đề, hướng dẫn và xử lý vấn đề một cách nhanh và chặt chẽ nhất” - bà Trang ý kiến.
Nhấn mạnh vai trò của truyền thông trong việc tuyên truyền, giám sát và quản lý của các cơ quan truyền thông, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội bày tỏ, tới đây rất mong sự phối hợp giữa các cơ quan truyền thông với cơ quan quản lý nhà nước trong việc phát hiện sai phạm trong lĩnh vực PTTHTM.
“Khi phát hiện hành vi vi phạm thì gọi ngay tới Sở Y tế, chúng tôi sẽ thanh kiểm tra giám sát. Nếu thực sự cơ sở có sai phạm thì sẽ đăng tải trên các phương tiện truyền thông để tuyên truyền cho người dân. Chúng tôi tiến tới cũng sẽ công khai những cơ sở sai phạm trên website của Sở để người dân biết” - bà Trần Thị Nhị Hà cho biết.