Nghiêm trị tội phạm tham nhũng, chống tâm lý "hữu tội bất phạt" của người có chức vụ, quyền hạn (Tiếp theo và hết)

Bài 2: Nhận diện, chỉ rõ "gốc" của tham nhũng, tiêu cực

Tư tưởng và các nội dung qua cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận diện và chỉ rõ "suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống" - cái gốc của tham nhũng, tiêu cực và rộng hơn chính là của tội phạm tham nhũng.
0:00 / 0:00
0:00
Cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh" VTV)
Cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh" VTV)

Dẫn lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tham nhũng là hành vi "ăn cắp của công làm của tư"(1), là "giặc ở trong lòng" hay "giặc nội xâm"(2)... Tổng Bí thư đã chỉ rõ, nếu chỉ phòng, chống tham nhũng về tiền bạc, tài sản rõ ràng chưa đủ, mà nguy hiểm hơn là sự "suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên" - đây mới là bản chất, là thuộc tính bên trong của vấn đề, là cái gốc của tham nhũng, tội phạm tham nhũng và yêu cầu trọng tâm phải tập trung giải quyết triệt để vấn đề này(3).

Các biện pháp quyết liệt phòng, chống từ sớm, từ xa

Biện pháp quan trọng nhất là phải chấn chỉnh, uốn nắn từ suy nghĩ, nhận thức thì mới có thể phòng, chống từ sớm, từ xa, cả "gốc" lẫn "ngọn" tình trạng này. Bài học rút ra là, mỗi cán bộ, đảng viên hãy nêu cao tinh thần trách nhiệm và dũng khí trước Đảng, trước nhân dân; gương mẫu, đi đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện và chấp hành thật tốt các quy định về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực(4), cũng như phải đánh giá, lựa chọn, bố trí đúng cán bộ, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý(5).

Cuốn sách đã góp phần chống tâm lý "hữu tội bất phạt" của người có chức vụ, quyền hạn. Chúng ta có thể thấy rõ, nhận thức mới về tư tưởng, phương châm chỉ đạo với yêu cầu phòng là chính, cơ bản, lâu dài, chống là quan trọng, cấp bách, thực hiện đủ "không thể", "không dám", "không muốn", "không cần" tham nhũng với các giải pháp cụ thể, cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập và chính sách, hệ thống pháp luật đầy đủ để xử lý; đồng thời "không có vùng cấm, vùng trống, vùng tối; không có ngoại lệ, không có đặc quyền bất kể người đó là ai; không ngừng; không nghỉ; không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào"(6).

Đây chính là "bộ quy tắc" trong đấu tranh, xử lý tội phạm tham nhũng và góp phần cảnh báo nghiêm khắc và chống tâm lý - "hữu tội bất phạt" (còn gọi là "không sợ bị xử lý/trừng phạt - "the impunity"(7) - tâm lý miễn trừ, miễn nhiễm, miễn dịch) của người có chức vụ, quyền hạn khi phạm tội tham nhũng. Tâm lý "hữu tội bất phạt" thể hiện ở việc một số người có chức vụ, quyền hạn nào đó, do có địa vị, tiền bạc và được bao bọc, bảo vệ bởi người có quyền lực cao hơn, có mối quan hệ "thân hữu", đồng thời, do thấy nhiều tấm gương như mình mà vẫn chưa bị xử lý, pháp luật còn có "lỗ hổng", nên có biểu hiện "nhờn luật", coi thường và cứ làm tiếp, làm tới và không sợ bị trừng phạt.

Cuốn sách đã xây dựng bài học về phòng, chống tội phạm tham nhũng, về liêm chính, trọng liêm sỉ, bảo đảm sự "thượng tôn của Hiến pháp và pháp luật".

Cuốn sách đã xây dựng bài học về phòng, chống tội phạm tham nhũng, về liêm chính, trọng liêm sỉ, bảo đảm sự "thượng tôn của Hiến pháp và pháp luật". Tổng Bí thư yêu cầu phải biến quyết tâm chính trị thành hành động thực tế của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân. Trước hết đó là sự gương mẫu, đi đầu, nói đi đôi với làm, làm nghiêm túc, quyết liệt của Đảng, Nhà nước, của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, trong đó, bao gồm cả hệ thống cơ quan chuyên trách có chức năng, nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng - các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử tội phạm tham nhũng - bảo đảm sự thượng tôn của Hiến pháp và pháp luật.

Ngoài ra, phải xây dựng cho được cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để "không thể" tham nhũng, một cơ chế răn đe, cảnh tỉnh và trừng trị nghiêm khắc để "không dám" tham nhũng; xây dựng, lan tỏa văn hóa liêm chính từ cán bộ đến tổ chức, toàn xã hội, tích cực đề cao trọng liêm sỉ, danh dự của cán bộ, đảng viên là người có chức vụ, quyền hạn để "không muốn" tham nhũng và một cơ chế bảo đảm đãi ngộ cán bộ tương xứng, phù hợp và giải pháp khả thi để cán bộ "không cần" tham nhũng(8).

Đảng ta đã xác định phòng, chống tham nhũng, trong đó có phòng, chống tội phạm tham nhũng là một trong các vấn đề cốt lõi của công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng(9). Vì thế, bảo đảm sự thượng tôn Hiến pháp và pháp luật không chỉ thể hiện qua việc nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm đã được khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử, thi hành án nghiêm minh, công bằng, đúng pháp luật, mà còn đúng với quan điểm chỉ đạo nhất quán, toàn diện của người đứng đầu Đảng ta - phải chống tham nhũng, tiêu cực ngay chính trong các cơ quan làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực(10).

Bởi lẽ, một xã hội có kỷ cương, trật tự, ổn định và pháp quyền, thì tất cả mọi hành vi trong xã hội đều phải được thực hiện trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật, phải tuân thủ pháp luật; mọi người phải được đối xử bình đẳng, công bằng trước pháp luật, bất kể đó là ai, đã hoặc đang giữ chức vụ gì.

Những giải pháp thu hồi triệt để tài sản bị tham nhũng

Tư tưởng lớn và xuyên suốt trong cuốn sách cũng đã khẳng định mạnh mẽ việc xử lý toàn diện, triệt để tội phạm tham nhũng phải còn quan tâm, chú trọng đến xử lý tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng mà có; khuyến khích, động viên người phạm tội tự nguyện, chủ động khắc phục hậu quả.

Việc xử lý tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng để thấy rằng, chúng ta xử lý tệ tham nhũng phải triệt để, từ gốc và xử lý đồng bộ, cả gốc lẫn ngọn. Qua nghiên cứu, nội dung cuốn sách của Tổng Bí thư đã chỉ ra một trong các yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới là nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng; chú trọng truy tìm, kịp thời áp dụng các biện pháp đồng bộ để thu hồi triệt để tài sản bị tham nhũng ngay từ giai đoạn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và trong giai đoạn thi hành án(11), thí dụ, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng tăng lên rõ rệt (năm 2013, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong giai đoạn thi hành án chỉ đạt dưới 10%, thì tính đến nay đã thu hồi đạt tỷ lệ 34,7%).

Riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo đã thu hồi được tài sản đạt 41,3%, nhiều vụ đã kê biên, thu giữ tài sản hàng nghìn tỷ đồng, như vụ Hứa Thị Phấn hơn 10.000 tỷ đồng; vụ Phan Văn Anh Vũ hơn 22.000 tỷ đồng...(12), điều này không chỉ "cảnh tỉnh" rất nghiêm khắc, mà còn làm triệt tiêu ý định hay "mục đích" phạm tội của các đối tượng muốn phạm tội tham nhũng vì có chiếm đoạt được vẫn bị thu hồi và còn bị xử lý hình sự.

Thiết nghĩ, chúng ta cần nghiên cứu, xây dựng Luật Thu hồi tài sản không qua kết tội, không giải trình, chứng minh nguồn gốc nếu có căn cứ rõ… như kinh nghiệm một số quốc gia (thí dụ như Australia) và tăng cường hợp tác quốc tế để ngăn chặn tẩu tán tài sản và kịp thời thu hồi tài sản, phòng ngừa rửa tiền, cũng như tham gia các điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp, dẫn độ, chuyển giao người phạm tội và thu hồi tài sản từ tội phạm tham nhũng và tài sản đã tẩu tán ra nước ngoài.

Đồng thời, chúng ta cần khuyến khích, động viên và mở cơ hội cho người phạm tội tự nguyện bồi thường, chủ động khắc phục hậu quả trong các vụ án tham nhũng, kinh tế; tạo điều kiện cho họ hối cải, ăn năn và có cơ hội làm lại cuộc đời, thí dụ như quy định ở khoản 3 Điều 40 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã đề cập.

Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về "Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020" với chủ trương mạnh mẽ: "Quy định trách nhiệm hình sự nghiêm khắc hơn đối với những tội phạm là người có thẩm quyền trong thực thi pháp luật, những người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội. Người có chức vụ càng cao mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn phạm tội thì càng phải xử lý nghiêm khắc để làm gương cho người khác..." (tiểu mục 2.1, mục 1, phần II - Phương hướng và nhiệm vụ cải cách tư pháp), vì chức vụ càng cao mà xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước và của nhân dân thì hậu quả càng nguy hiểm.

Để thực hiện quan điểm chỉ đạo toàn diện, xuyên suốt, nhất quán của Tổng Bí thư, đúng như tên gọi cuốn sách - Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh; chúng tôi kiến nghị sớm xây dựng một điều luật riêng về khái niệm tội phạm tham nhũng trong Bộ luật Hình sự năm 2015 để phân biệt với hành vi vi phạm pháp luật về tham nhũng trong Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018.

Các cơ quan có trách nhiệm cũng cần rà soát hành vi trong nhóm tội phạm tham nhũng để tương thích với quy định trong Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC) vì tính quốc tế của tội phạm này. Đặc biệt, nghiên cứu, mở rộng phạm vi thêm đối với một số tội phạm tham nhũng theo hướng không "giới hạn thời gian" xử lý vì nếu không, những hệ lụy - tác hại và hậu quả của tội phạm tham nhũng gây ra cho xã hội, cho đất nước là vô cùng to lớn, đặc biệt, tội phạm này đã làm xuất hiện một đội ngũ cán bộ, đảng viên có chức vụ, quyền hạn đi ngược với các lợi ích của quốc gia, dân tộc, đất nước, làm ảnh hưởng danh dự, uy tín của Đảng, bộ máy nhà nước, thậm chí dẫn đến "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", đúng như Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" của Đảng ta đã chỉ ra.

Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hai tội phạm tham nhũng - Tội tham ô tài sản và Tội nhận hối lộ (các khoản 3, khoản 4 Điều 353 và Điều 354 cùng với các tội xâm phạm an ninh quốc gia và các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh cũng không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự). Tuy nhiên, theo báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023 đã được báo chí nêu, tội phạm tham nhũng, chức vụ được phát hiện tăng 51,63% về số vụ, tăng 96,85% số đối tượng, đặc biệt, số vụ nhận hối lộ được phát hiện tăng 346,88%...(13).

Việc quy định mạnh mẽ và quyết liệt như vậy mới tạo ra sự cảnh báo, răn đe cao đối với những ai có địa vị, chức quyền "muốn tham nhũng", nghĩ "hạ cánh an toàn", "để lâu sẽ quên", "để lâu được xí xóa".

Do đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 nên tiếp tục mở rộng thêm hai tội danh không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự tại các khoản 3, khoản 4 - Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 355) và tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi (Điều 358). Lý do vì hai tội phạm này đều thuộc nhóm tội phạm tham nhũng, đều do người có chức vụ, quyền hạn lạm dụng, lợi dụng thực hiện với động cơ vụ lợi, đều xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, của nhân dân, cũng như đều thuộc trường hợp tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Việc quy định mạnh mẽ và quyết liệt như vậy mới tạo ra sự cảnh báo, răn đe cao đối với những ai có địa vị, chức quyền "muốn tham nhũng", nghĩ "hạ cánh an toàn", "để lâu sẽ quên", "để lâu được xí xóa". Bất kỳ thời điểm nào nếu phát hiện ra hành vi phạm tội tham nhũng thuộc các trường hợp trên đều bị xử lý nghiêm minh, không có ngoại lệ nào và theo đúng quy định của pháp luật, vì đây là "một Bộ luật Hình sự chung", bảo đảm thu hồi tài sản tham nhũng, xóa bỏ tâm lý miễn trừ - "hữu tội bất phạt" (cho dù họ là người đang hoặc đã có chức vụ, quyền hạn nhưng trót "nhúng chàm" và thậm chí là sự "cảnh tỉnh" cả người dự kiến sẽ đảm đương chức vụ trong thời gian tới).

Tập trung thực hiện nghiêm túc các yêu cầu toàn diện, nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp đồng bộ mà Tổng Bí thư đã nêu trong cuốn sách, theo chúng tôi là góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng(14), từng bước tổng kết, đánh giá và tiếp tục chuẩn bị những giải pháp căn cơ, lâu dài phục vụ xây dựng nội dung trong Văn kiện Đại hội XIV của Đảng sắp tới.

--------------------------------------------------

(1), (2), (3), (4), (5), (6), (8), (9), (10), (11), (12), (14) Nguyễn Phú Trọng, Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023, các tr.14-15, 17-19, 22, 25, 27-29, 34-39, 47-49, 51.

(7) Stuart S. Yeh, The End of Corruption and Impunity, Lexington Books Press, 2022, p.45-75.

(13) Trần Nghị, Tăng cường kiểm soát quyền lực và trách nhiệm của người đứng đầu nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, Tạp chí Tổ chức nhà nước online, truy cập ngày 5/2/2024.

--------------------------------------------------

>> Bài 1: Những giá trị rất quan trọng rút ra từ tác phẩm