Chuyện “giải cứu” quýt và nghịch lý ở Quỳ Hợp

Bài 2: Cam sạch, mất sạch!

NDO -

“Nhà tôi vốn có hơn 10 sào cam, vì mình là cán bộ nên làm gì cũng phải gương mẫu, tôi tập trung đầu tư chăm bẵm vườn cam lắm. Tôi làm cổng chào, mua bộ đèn nháy chữ trang hoàng cho đẹp. Nhưng giờ cổng chào vườn cam nhà tôi ghi thế này: “Nhà vườn Bình Minh kính chào quý khách!... Cam sạch, cam sạch – Mất sạch, mất sạch!”.

Nhiều vườn cam bị thoái hoá, người dân chặt bỏ dần chuyển sang trồng mía.
Nhiều vườn cam bị thoái hoá, người dân chặt bỏ dần chuyển sang trồng mía.
Người đàn ông nhỏ nhắn nhanh nhẹn vừa bước vào trụ sở UBND xã Minh Hợp, vừa nghe chúng tôi hỏi về cây cam đã tếu táo đùa vui ấy là Bí thư Đảng ủy xã- anh Phạm Xuân Minh. Tự nhận mình vốn bản tính hài hước, luôn lạc quan tếu đùa vui trước mọi hoàn cảnh, nhưng câu chuyện của anh ngày hôm nay đúng “vừa hài vừa bi”, nghe cười mà ra nước mắt.

Vựa cam chặt bỏ cam

Nếu nói “thủ phủ của thương hiệu cam Vinh” là Quỳ Hợp, thì trung tâm vựa cam chính là ở Minh Hợp. Ở đây là vùng đất trù phú thích hợp cho cây cam Xã Đoài lòng vàng. Thời kỳ “hoàng kim” của cây cam vào khoảng từ năm 2015-2018, toàn huyện Quỳ Hợp có gần 3.000 ha cây có múi, thì riêng Minh Hợp đã có lúc đỉnh điểm người dân trồng lên đến 1.700 ha cam và hơn 300 ha quýt PQ.

Bà con ở Minh Hợp cho biết, nếu đến đây vào khoảng 5 năm trước, sẽ thấy những vườn, những đồi bạt ngàn cam, sum suê xanh tốt. Nhiều địa phương cử đoàn về tham quan học hỏi kinh nghiệm. Giống cam Xã Đoài trồng ở đây vốn đã nức tiếng thời bao cấp, được xuất khẩu cả sang Liên Xô với hai đơn vị trồng cam nổi tiếng là Công ty Cổ phần NCN 3-2 và Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành. Sau thời bao cấp, các đơn vị giao đất khoán cho nông dân trồng cây, trông đó có cam, quýt. Cây cam Quỳ Hợp được chứng nhận chỉ dẫn địa lý với thương hiệu cam Vinh, trồng ở vùng đất phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu, cho năng suất chất lượng rất tốt, mang lại lợi ích kinh tế cho bà con rất lớn. Đã từng có những hộ dân thu về cả tỷ đồng mỗi năm nhờ cam, làng trên xóm dưới mua sắm ô tô, xây cất nhà cửa, đường sá…

Bài 2: Cam sạch, mất sạch! -0
Vườn cam bỏ hoang ở xã Văn Lợi. 

“Tôi bị vợ con, bạn bè thúc giục: Anh ở Quỳ Hợp sao không trồng cam? Rồi đi ra đường, nhà nào bảo có mấy “hát” (héc-ta) cam, là ừ thì có nghĩa nhà ấy giàu rồi, "oách" rồi. Thế là nhà nhà đua nhau trồng cam, người người đua nhau trồng cam. Tôi là cán bộ xã, lẽ nào lại không trồng cam”, anh Phạm Xuân Minh vừa cười vừa kể câu chuyện cay đắng của mình.

“Người Minh Hợp sống trên vùng đất đai trù phú, vốn chăm chỉ cần cù và khát vọng làm giàu. Mình là cán bộ xã, phải đi đầu đứng trước, cổ vũ phong trào làm kinh tế cho bà con, không thể nào không trồng cam”…

ong_Minh-1618897513680.jpg
 Bí thư Đảng ủy xã Minh Hợp Phạm Xuân Minh.

Anh Minh vay mượn thêm ngân hàng, bỏ vốn tổng cộng 270 triệu đồng, trồng hơn 250 cây cam trên diện tích 10 sào đất. Cam thường trồng tầm ba, bốn năm đến mùa hái quả, vụ đầu cho quả bói, thu về được 20 triệu đồng. Vụ thứ hai cam đẹp mê man, quả sai ngọt, doanh thu đạt 80 triệu đồng. Thấy mọi người trồng trước bảo phải phun thuốc bổ cho cây tăng năng suất, anh đặt mục tiêu, vụ thứ ba tăng doanh thu lên 100 triệu đồng nên cũng ra sức phun. Ai dè quả ra cứ lụi dần, cả vườn cam còn vớt vát được 20 triệu. Rồi cây cam trơ ra, bị bệnh vàng lá… Còn 150 triệu đồng bỏ ra chưa thu được, anh Minh cũng tìm mọi cách để cứu vườn cam. Nhưng cho đến nay thì toàn bộ vườn cam đã phải chặt hết, không còn gốc nào.

Theo Chủ tịch UBND xã Minh Hợp Nguyễn Văn Dũng, hiện bà con ở xã đã chặt bỏ đến cả ngàn héc-ta cam đến mùa thu hoạch để chuyển sang trồng mía và các loại cây họ đậu.

Nguy cơ tái nghèo vì cam

Cũng như anh Phạm Xuân Minh, chị Nguyễn Thị Nhung vốn là cựu lãnh đạo xã Văn Lợi, đã mạnh dạn vay hàng trăm triệu đồng từ ngân hàng cùng với vốn của gia đình đầu tư hai héc-ta cam và một héc-ta quýt. Giờ đây do dịch bệnh, chị Nhung buộc phải chặt bỏ toàn bộ cam để chuyển sang trồng mía và cây ngắn ngày. Cam chặt, quýt chờ người mua chưa bán được, số nợ vay vốn ngân hàng gần 500 triệu đồng, đến kỳ trả lãi, chị Nhung buộc phải bán từng con gà để trả lần.

Phó Chủ tịch xã và Chủ tịch Hội Nông dân xã Văn Lợi cho chúng tôi biết, phần lớn người trồng cam, quýt ở đây đều là hộ mới thoát nghèo hoặc chưa thực sự khá giả gì, nên cơ bản đều vay mượn ngân hàng, bạn bè để đầu tư… Với khát vọng làm giàu, toàn xã có 585 hộ tham gia trồng cam quýt với 477 héc-ta. Tổng số dư nợ từ các ngân hàng cho vay ưu đãi của toàn xã là 60 tỷ đồng, các hộ dân vay để đầu tư phát triển kinh tế, xã hội, trong đó có không ít nguồn vốn vay trồng cam, quýt. Trong khi đó, Văn Lợi thuộc diện xã nghèo vùng xa, nơi chủ yếu là bà con dân tộc Thổ sinh sống, toàn xã hiện có 4.000 dân. Nhẩm tính, bình quân mỗi người dân Văn Lợi từ già đến trẻ mỗi người chịu con số dư nợ 15 triệu đồng.

cay_cam_0-1618905089413.jpg
 
Bài 2: Cam sạch, mất sạch! -0
 Cây cam bị loài ốc gây hại cắn phá, quả lụi dần không lớn được.

Những tưởng nhờ cam để nâng mức kinh tế gia đình, nay không ít người buộc phải chặt bỏ, xoay đủ cách trả lãi ngân hàng, còn món nợ gốc không biết khi nào mới trả hết.

Tình trạng nợ nần do vay ngân hàng để trồng cam cũng diễn ra ở Minh Hợp. Cũng theo con số báo cáo của UBND xã, toàn xã có con số dư nợ ở các ngân hàng khoảng 120 tỷ đồng, trong đó, số tiền vay để trồng cam cũng khá lớn. Theo chân anh Nguyễn Trọng Hiếu, trưởng thôn Minh Long (xã Minh Hợp) và chị Nguyễn Thị Hồng (chị gái anh Hiếu) vào khu đất đồi mênh mông của họ, chúng tôi được nghe câu chuyện về nợ thật nhiều day dứt. Cả một vùng đồi của chị Hồng vốn năm trước là bạt ngàn cam, nay đã bị chặt bỏ hết và thay vào đó là những vạt mía đang lóc ngóc ngoi lên. Chặt cả ngàn gốc cam đã bỏ tiền của, công sức đầu tư chăm bón hơn ba năm trời, có nghĩa là phá tan một “sự nghiệp”, để lại một đống nợ nần, nhiều gia đình lâm vào cảnh khó khăn, phá sản, khát vọng trồng cam để làm giàu thì lại rơi vào nguy cơ tái nghèo.

Bài 2: Cam sạch, mất sạch! -0
 Anh Nguyễn Trọng Hiếu, trưởng thôn Minh Long (xã Minh Hợp) cho biết, hiện gia đình cũng đang nợ vài trăm triệu đồng vay vốn trồng cam.

Anh Hiếu kể, trong thôn Minh Long nói riêng và xã Minh Hợp nói chung hiện có nhiều gia đình, sau khi vay tiền đầu tư trồng cam giờ cam chết, đã phải phiêu dạt đi nơi khác làm ăn để kiếm tiền trả nợ. Có nhà gửi con nhỏ cho ông bà trông nom chăm sóc, vợ chồng mỗi người một nơi đi các khu công nghiệp làm thuê. Còn như chị Hồng, tuổi cao không đi đâu được nữa thì ở nhà cũng xoay đủ việc, ai thuê gì làm nấy để có tiền trả lãi nợ hàng tháng.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳ Hợp, có khoảng hơn 500 hộ dân ở trên địa bàn vay với số tiền 88 tỷ đồng để trồng cam. Hiện nay người dân vẫn đang trả nợ lãi suất đúng kỳ hạn. Nay chưa có con số thống kê cụ thể nhưng nhiều hộ khó có khả năng trả nợ Ngân hàng đúng như cam kết vì liên quan số tiền đầu tư trồng diện tích lớn vừa đến kỳ thu hoạch thì bị dịch bệnh phải phá bỏ…

Từ những đồi cam bị chặt trụi gốc hoặc để hoang hóa khiến sâu bọ bu bám đầy thân, rụng lá và tàn lụi dần, sang những vườn quýt trĩu trịt sai mọng quả vào vụ thu hoạch để rụng đầy đất càng không khỏi xót xa. Một nghịch lý thật buồn, thật nhiều cay đắng không kể hết của người nông dân cũng như của chính quyền, những người lãnh đạo tại vùng đất cam quýt nổi tiếng này. Bởi trong khi cây quýt loay hoay khẳng định mình để tìm kiếm đầu ra thì cây cam đã có được chứng nhận thương hiệu, chỉ dẫn địa lý… lại không bảo vệ được.

Chặt bỏ mía để trồng cam, rồi chặt cam trồng mía, và “giải pháp” cùng đường là rời bỏ quê hương đất đai trù phú, phiêu dạt làm thuê, ra nước ngoài để kiếm tiền trả nợ… là một vòng luẩn quẩn của người nông dân bao năm rồi như một dấu hỏi không có lời giải.

Bài 2: Cam sạch, mất sạch! -0
Bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, trồng cam vất vả như chăm con mọn. Trước đây khoảng đồi mênh mông phía trước trồng cam nên vợ chồng bà phải làm căn lều này để thức theo dõi cam. Nay cam bị chặt hết chuyển sang trồng mía, căn lều bỏ hoang. 

Vì đâu nên nỗi?

Vì sao quýt ngon mà không bán được? Vì sao mà cây cam thương hiệu cam Vinh đang xanh tốt đến kỳ thu hoạch bỗng dưng rụng lá, rụng quả, sâu bệnh và chết dần? Chúng tôi mang những câu hỏi ấy thôi thúc đi tìm giải đáp. Thì lại chồng chất thêm nhiều câu hỏi khác, không phải không có câu trả lời, nhưng để trả lời bằng sự thay đổi trong cách nghĩ, tư duy, và cần thiết hơn, bằng hành động… thì còn nhiều khó khăn bất cập.

Sau khi hàng loạt vườn cam bị tàn lụi dần không rõ nguyên nhân, chính quyền huyện Quỳ Hợp và các doanh nghiệp trồng cam trên địa bàn đã mời chuyên gia ở Cục Trồng trọt và Viện Bảo vệ thực vật về tìm hiểu và tiến hành lấy mẫu xét nghiệm. Tuy chưa có kết luận cuối cùng, nhưng qua trao đổi với các vị lãnh đạo chủ chốt ở huyện Quỳ Hợp và các xã vùng trọng điểm cam đều đưa ra nhận định: do đất bị nhiễm độc, phát sinh nấm Phytophtora, Furasium…, do giống cây bị thoái hóa và do quá tải thuốc bảo vệ thực vật.

Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành Võ Văn Phong cho biết: “Thời kỳ hoàng kim (2010-2015), đơn vị trồng hơn 800 héc-ta cam nhưng nay chỉ còn 397.  Nguyên nhân diện tích cam ở đây sụt giảm mạnh chủ yếu do dịch bệnh hoành hành, nhất là bệnh vàng lá thối rễ, Greening, nấm, kế đến đất bị thoái hóa, một phần do người dân lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật. Mới đây, chuẩn bị cho vụ trồng mới năm 2021, đơn vị đã mời Viện Bảo vệ thực vật TƯ về lấy 68 mẫu đất ở các đội sản xuất số 2, 3 và 5 để phân tích, đã xác định, trong mẫu đất xét nghiệm đều xuất hiện nấm và tuyến trùng gây hại cho cam. Và đưa ra khuyến cáo, không nên trồng cam trong thời gian tới, đồng thời, cần luân canh cây trồng, cải tạo đất”.  Công ty Xuân Thành sau đó ngay lập tức đã ra thông báo tới toàn bộ hộ dân được giao khoán đất của công ty: Tạm dừng trồng cây ăn quả có múi từ năm 2022 để cải tạo đất.

Bài 2: Cam sạch, mất sạch! -0
Vườn cam bị phá để trồng mía, trồng ngô. 

Theo Chủ tịch UBND xã Minh Hợp Nguyễn Văn Dũng, sự “phát triển nóng” diện tích trồng cam, trồng cả ngoài vùng quy hoạch, là do tâm lý “thấy người ăn khoai cũng vác mai đi đào”. Người nông dân thấy lợi trước mắt, trồng ồ ạt, không tuân thủ quy trình lấy giống, làm đất, giữ đất. Quy trình chăm sóc cam cũng hoàn toàn theo “kinh nghiệm truyền miệng”, theo kiểu bóc lột cây, không có một sự kiểm soát quy chuẩn nào, dẫn đến “mạnh ai nấy làm”. Việc sử dụng bừa bãi phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đã vô tình đầu độc đất đai, dẫn đến sự thoái hóa đất trồng cam không chỉ ở Minh Hợp.

Chủ tịch UBND xã Minh Hợp đưa ra một con số giật mình: Năm 2010, Cục Sở hữu trí tuệ sau khi khảo sát, đã công bố diện tích đất đai đủ điều kiện trồng cam ở Minh Hợp là 640 héc-ta. Thế nhưng, lúc phong trào trồng cam quýt lên đỉnh điểm, diện tích cây cam, quýt lên tới hơn 2000 héc-ta, trong đó cam chiếm tới 1.700 héc-ta.

Đối với anh Phạm Xuân Minh, đây là bài học đắt giá cho việc sản xuất cây trồng ồ ạt không theo quy hoạch, không có sự hướng dẫn, tập huấn bài bản về quy trình chăm sóc, và đặc biệt là không có sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan chức năng về việc sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật.

Có lẽ, cái cười tếu táo của ông chủ nhà vườn Bình Minh khi tự trào về thương hiệu “Cam sạch, mất sạch”, cũng là thấu được sâu xa cái mất mát không phải chỉ một mùa cam. Quỳ Hợp thực sự không chỉ đang đối diện nguy cơ mất thương hiệu cam Vinh, mà còn mất mát cả về nguyên liệu sản xuất, môi trường, đất đai, tiền của người dân… nếu tìm được giải pháp khôi phục chắc cũng cần nhiều năm sau nữa…

(còn tiếp)

Bài 1: Nỗi buồn cây quýt