Bài 1: Nỗi lo từ sự "nở rộ" của ngành phẫu thuật thẩm mỹ

NDO -

NDĐT - Việt Nam hiện có hơn 300 phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ được cấp phép trong lĩnh vực phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ. Tuy nhiên thực tế, con số những đơn vị “tự tin” quảng cáo các dịch vụ làm đẹp liên quan đến phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ có thể còn lớn hơn thế, và ẩn mình dưới danh nghĩa các thẩm mỹ viện, spa…

Một phòng để phẫu thuật thẩm mỹ. (Ảnh: glorious.com.tr)
Một phòng để phẫu thuật thẩm mỹ. (Ảnh: glorious.com.tr)

“Cơn bão” làm đẹp tràn về Việt Nam

“Ngành phẫu thuật thẩm mỹ Việt Nam (PTTM) đã có sự phát triển bùng nổ, sánh ngang với khu vực” - đó là nhận định của PGS. TS Lê Hành, Trưởng ban Vận động thành lập Hội phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Việt Nam.

Nếu như những năm 1990 chỉ có các cơ sở y tế tư nhân mới có dịch vụ phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và số cơ sở có giấy phép hành nghề cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, thì hiện nay, số cơ sở y tế được cấp phép phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ lên tới con số hàng trăm và sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Tuy nhiên, trong sự “bung nở” có thật của ngành thẩm mỹ mới thấy sau đó là một bức tranh hỗn loạn về làm đẹp, mà những “tai nạn” có thật vẫn không đủ để cảnh báo với phái đẹp trước những khao khát được đẹp thêm và trẻ hơn.

Bà Phan Thị Hải - Trưởng Phòng Quản lý hành nghề khám chữa bệnh (Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế) cho biết, cả nước hiện có khoảng hơn 300 phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ. Con số này tăng đột biến trong những năm gần đây và ngày càng khó quản lý với nhiều hình thức kinh doanh, quảng cáo trá hình.

Tại Hà Nội, hiện có 65 phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ, bảy bệnh viện có chuyên ngành phẫu thuật thẩm mỹ, hai bệnh viện chuyên khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ. Ngoài ra, có không ít những spa, thẩm mỹ viện không có bác sĩ cũng tiến hành phẫu thuật thẩm mỹ và điều này là trái pháp luật. Con số này còn khá khiêm tốn so với TP Hồ Chí Minh khi có tới 150 phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ. Tuy nhiên, con số thẩm mỹ viện, spa, đặc biệt là spa trong khách sạn không thể quản lý xuể.

Những năm gần đây, nổi trội là những phương pháp làm đẹp đến từ các nước châu Á và châu Âu, đặc biệt là công nghệ làm đẹp Hàn Quốc như nâng mũi S line 4D, căng da 3D, cắt mí Plasma, nâng ngực Yline bằng túi Nano Chip… hay điêu khắc lông mày công nghệ châu Âu PhiBrows. Đây là kỹ thuật điêu khắc lông mày bằng tay, tính toán dựa trên tỷ lệ vàng (số Phi trong toán học) kết hợp đặc tính hình học của gương mặt mà tạo ra Form dáng của lông mày sao cho đẹp và chuẩn nhất.

Nỗi lo từ những cơ sở thẩm mỹ núp bóng

Bà Trần Thị Nhị Hà - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ thực tiễn tại địa bàn Hà Nội, có nhiều bất cập đáng lo ngại nhất đối với ngành PTTM như các cơ sở PTTM không được cấp phép nhưng vẫn hoạt động hoặc chỉ được cấp phép làm một số danh mục kỹ thuật nhất định nhưng khi thực hiện lại vượt quá phạm vi cho phép. Một số cơ sở khi quảng cáo thì nội dung khác với nội dung đã được duyệt.

Bên cạnh đó, theo bà Nhị Hà, tại các trung tâm dạy nghề dù chưa được cấp phép nhưng lại dạy những khóa học về PTTM như cắt mí, nâng mũi… Có những học viên sau khi học nghề không chỉ tự tiến hành các hoạt động làm đẹp cho chính những học viên khác mà còn truyền nghề dù không có giấy phép. Đây là hoạt động đào tạo không chính thống và đang diễn ra ngày càng nhiều.

Theo PGS.TS Lê Hành, tại TP Hồ Chí Minh khó nhất trong việc quản lý hoạt động dịch vụ này là quản lý những cơ sở không xin phép, các nhóm spa trong khách sạn.

“Có nhiều người mẫu, người nổi tiếng mời bác sĩ nước ngoài về Việt Nam rồi kêu gọi mọi người đến khám và làm phẫu thuật ngay tại khách sạn. Những hoạt động này không thể quản lý được. Và nhiều người có tâm lý cứ nghe quảng cáo, nhưng không biết gì về bác sĩ làm phẫu thuật cho mình. Liệu có chắc họ được cấp phép tại nước sở tại hay không” - PGS Lê Hành cho biết.

TS Phạm Trình Quốc Khanh, Trưởng khoa Bỏng - Tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Trưng Vương, Phó Chủ tịch Hội Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ TP Hồ Chí Minh dẫn chứng, tại TP Hồ Chí Minh, ngành y tế rất khó quản lý những trung tâm spa, viện thẩm mỹ. Rất nhiều cơ sở không có chức năng thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ nhưng lại kết hợp các hoạt động này trong hoạt động spa của mình. Ngoài ra, rất nhiều cơ sở spa thực hiện kỹ thuật xăm mình không bảo đảm an toàn vệ sinh, rất dễ xảy ra khả năng lây nhiễm một số bệnh. Tuy nhiên, có một thực tế là việc phạt hành chính những cơ sở sai phạm cũng không khiến các spa hay viện thẩm mỹ “lo ngại” bởi số tiền phạt không đáng bao nhiêu so với nguồn lợi nhuận có được. Trong trường hợp bị các cơ quan chức năng bắt quả tang, họ sẵn sàng nộp phạt, còn nếu bị rút giấy phép này, họ lại mở cơ sở khác.

Một thực tế nữa cũng được bà Phan Thị Hải chỉ ra, khi thẩm định, các cơ sở này đều đạt đủ tiêu chuẩn theo quy định, thế nhưng trong quá trình hoạt động, thường có nhiều biến động về nhân sự. Với lực lượng thanh kiểm tra quá mỏng trong khi số các cơ sở y tế quá lớn, mặc dù đã cố gắng, nhưng lực lượng thanh, kiểm tra vẫn chưa thực hiện thanh, kiểm tra và báo cáo thường xuyên, dẫn đến việc, một số cơ sở đã làm vượt quá chuyên môn cho phép, gây ra tai biến cho người bệnh.

“Trong quá trình hoạt động nhiều cơ sở đã có sự biến động về nhân sự. Nhiều cơ sở chỉ cấp chứng chỉ hành nghề cho một người nhưng khi thanh tra, kiểm tra thì lại có đến 4-5 người đang thực hiện hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ, thậm chí không phải bác sĩ cũng tiến hành mổ. Điều này rất không an toàn, thậm chí có thể để lại di chứng nặng nề do bác sĩ không được đào tạo chính thống, do không có kinh nghiệm để ứng phó trước những trường hợp bất ngờ” - bà Hải cho biết.

Hiện nay, tại các cơ sở thẩm mỹ, spa chỉ được thực hiện duy nhất phương pháp làm đẹp ít xâm lấn là xăm nhưng không được phép tiêm gây tê, mà chỉ được bôi gây tê bởi chỉ có bác sĩ được cấp phép đầy đủ mới có đủ điều kiện thực hiện các ca phẫu thuật mổ xẻ, tiêm trắng… (phương pháp ít xâm lấn, xâm lấn). Tuy nhiên, không ít những cơ sở này quảng cáo “trá hình” có thể giúp chị em làm đẹp bằng phương pháp phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ khi chưa đủ trình độ chuyên môn và chưa được cấp phép.