Hỗ trợ hiệu quả phong trào khởi nghiệp

Ða dạng các dự án khởi nghiệp

Thành phố Hồ Chí Minh hiện chiếm khoảng 50% lực lượng thanh niên khởi nghiệp của cả nước. Nguồn lực này đã và đang phát huy các năng lực, trách nhiệm của mình để đóng góp cho thành phố. Hệ sinh thái, cộng đồng khởi nghiệp đã hình thành thông qua các mô hình, trung tâm hỗ trợ giúp cho các thanh niên tự tin khởi nghiệp. Tuy nhiên, hành trình từ manh nha ý tưởng cho đến khi "chạm tay vào thành công" với nhiều khó khăn chỉ có người trong cuộc mới hiểu.
0:00 / 0:00
0:00
CEO Trần Viết Quân (áo xanh) cùng các cộng sự kiểm tra hoạt động của ứng dụng tanca.io.
CEO Trần Viết Quân (áo xanh) cùng các cộng sự kiểm tra hoạt động của ứng dụng tanca.io.

Thành phố Hồ Chí Minh hiện có hơn ba triệu thanh niên và có gần 650 nghìn đoàn viên. Với vai trò là lực lượng xung kích trên nhiều lĩnh vực, trong đó có khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, thời gian qua, lực lượng này đã có nhiều đóng góp trực tiếp, quan trọng đối với quá trình xây dựng và phát triển thành phố thông qua các dự án, chương trình khởi nghiệp.

Ngày càng có các hoạt động, cuộc thi khởi nghiệp trong giới trẻ. Ðiều đó cho thấy, đây là lĩnh vực thu hút sự quan tâm của giới trẻ. Tuy nhiên, chất lượng và số lượng của các dự án khởi nghiệp cũng là vấn đề được nhiều người quan tâm.

Khởi nghiệp thu hút giới trẻ

Học chuyên ngành về xã hội nhân văn, hai lần khởi nghiệp thất bại nhưng Trần Viết Quân không đầu hàng. Và điều không ít người ngạc nhiên ở chàng trai này chính là việc vẫn chọn lĩnh vực công nghệ để khởi nghiệp, dù đã nếm đủ những thất bại trước đó.

Theo Quân, công nghệ là "niềm đam mê từ nhỏ". Và ứng dụng tanca.io là một startup công nghệ do Trần Viết Quân cùng các cộng sự phát triển ra đời vào năm 2018, với dịch vụ cốt lõi giúp chủ doanh nghiệp theo dõi, quản lý và chấm công nhân viên ngay trên màn hình điện thoại; thực hiện các hoạt động truyền thông nội bộ đơn giản, dễ dàng; sắp xếp, phân chia các ca trực linh động; thống kê, báo cáo toàn bộ hoạt động theo thời gian thực tế.

Ứng dụng từng lọt top những sản phẩm công nghệ xuất sắc lọt vào vòng chung khảo Giải thưởng Nhân tài Ðất Việt 2019. Hiện tại, Tanca có hơn 50 nghìn nhân sự tại hàng trăm doanh nghiệp sử dụng để quản lý.

Sau hơn 3 năm "tự lực cánh sinh", đến nay bộ khung năng lực Anh ngữ ứng dụng Riolish của CEO Huỳnh Tấn Cảnh đã hoàn thiện 52 chủ đề, với 280 cấu trúc, 4.500 cụm từ phổ biến, một phần mềm chuyên cung cấp và xử lý dữ liệu của người học và một nền tảng web để tạo nội dung giáo trình và dạy học trực tuyến... sau hơn 250 nghìn dòng code.

Với việc tích hợp ứng dụng trên điện thoại, Riolish đã tiếp cận hơn 20 nghìn người dùng, trong đó có nhiều học sinh, sinh viên ở các vùng sâu, vùng xa. Ðây cũng là điều mà CEO Huỳnh Tấn Cảnh tâm đắc nhất khi chính bản thân anh từng phải đạp xe hơn 60km từ Cần Giờ vào trung tâm thành phố để học tiếng Anh. Anh Cảnh cho biết, Riolish hiện đã tích hợp nhiều chức năng quan trọng để nâng cao hiệu quả đối với người học qua môi trường mạng.

Ðây là hai trong số những người trẻ có ý tưởng mới, mạnh dạn với lối đi riêng của mình và đã từng bước tạo dựng được vị thế trong cộng đồng khởi nghiệp thành phố. Ðây cũng là địa phương có tỷ lệ thanh niên đông nhất cả nước để tạo ra lực lượng lao động trẻ với nhiều khát khao, hoài bão.

Trong lĩnh vực khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, thành phố có phong trào thi đua "Thanh niên Thành phố khởi nghiệp-lập nghiệp", được triển khai nhiều năm nay thu hút đông đảo giới trẻ tham gia. Sở Giáo dục và Ðào tạo Thành phố Hồ Chí Minh có cuộc thi "Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp"; khối đại học, nhiều trường đang "chuyển mình" theo mô hình đào tạo khởi nghiệp nhằm cung cấp nền tảng và khả năng "thực chiến" cho sinh viên". Toàn thành phố hiện có hơn 350 giảng viên, cán bộ các trường được trang bị kiến thức về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hơn 200 cố vấn khởi nghiệp…

Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh Ngô Minh Hải cho biết, giai đoạn 2017-2022, Quỹ Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp hỗ trợ cho hơn 1 nghìn dự án, mô hình thanh niên khởi nghiệp, với tổng số tiền giải ngân đạt hơn 215 tỷ đồng.

Các đơn vị đã tổ chức 267 chương trình tập huấn cho 32.650 thanh niên, với các chuyên đề về khởi sự kinh doanh. Tại các địa phương, hoạt động lập thân, lập nghiệp cũng được các cơ sở Ðoàn, Hội quan tâm, tập trung thực hiện. Bí thư Quận đoàn Quận 12 Nguyễn Hoài Bảo cho biết, từ năm 2017 đến nay, đã có năm chương trình "Cà phê khởi nghiệp", bốn chương trình tham quan các mô hình kinh doanh hiệu quả, vườm ươm doanh nghiệp thu hút hơn một nghìn thanh niên tham gia, từ đó tạo động lực khởi nghiệp cho các thanh niên.

Quận đoàn cũng giới thiệu 15 dự án được vay vốn với số tiền 3,6 tỷ đồng. Còn tại thành phố Thủ Ðức, Thành đoàn thông qua hoạt động truyền thông, tuyên truyền đã triển khai các chương trình hướng nghiệp, khởi nghiệp cho thanh niên tiếp cận hơn 178 nghìn lượt hội viên, thanh niên tham gia, đồng thời hỗ trợ các dự án thanh niên khởi nghiệp.

Bài toán chất và lượng

Thông qua các phong trào, hoạt động khuyến khích khởi nghiệp của thành phố và các đơn vị, các cụm từ "startup", "khởi nghiệp", "lập thân, lập nghiệp"… đang dần trở nên phổ biến đối với người trẻ thành phố.

Tuy chưa có thống kê cụ thể về các dự án khởi nghiệp của giới trẻ, song với sự "ra quân" của nhiều thành phần, đối tượng ở các cơ quan, đơn vị, địa phương, hàng nghìn ý tưởng về khởi nghiệp đã xuất hiện. Ðánh giá về sự tham gia, hưởng ứng nhiệt tình đối với hoạt động khởi nghiệp trong giới trẻ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho rằng, phong trào khởi nghiệp là cơ hội để khai thác tốt nhất các nguồn lực trí tuệ, sáng tạo, lửa nhiệt tình của thanh niên nhằm đáp ứng ngày càng đa dạng, phong phú hơn về đời sống xã hội.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, sự gia tăng nhanh về số lượng, hoạt động hướng về khởi nghiệp không tỷ lệ thuận với chất lượng của nó. Ông Nguyễn Ðức Bình, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh phía nam cho biết, ở bình diện rộng, sự phát triển của khởi nghiệp quá nhanh như một phong trào dễ dẫn đến sự thiếu căn bản, tạo ra những lỗ hổng có thể khiến nhiều startup rơi vào tình huống thất bại, dù rằng "phong trào khởi nghiệp" tạo ra những hiệu ứng tích cực trong giới trẻ về chí hướng khởi nghiệp.

Các quan sát, thống kê cho thấy, trong cộng đồng khởi nghiệp chỉ có 10% tồn tại và phát triển, 90% là thất bại. Thực tế đó đặt ra bài toán về hiệu quả thực chất, tính khả thi cao trong hệ sinh thái khởi nghiệp trở thành mối quan tâm của giới trẻ nói riêng và cộng đồng khởi nghiệp nói chung.

Cùng chung nhận định, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Thành phố Hồ Chí Minh Phạm Phú Trường cũng cho rằng: Hoạt động khởi nghiệp được nhiều thanh niên tìm hiểu, hưởng ứng là tín hiệu tích cực song nếu hoạt động khởi nghiệp "nở rộ" theo dạng phong trào thì không tạo ra những giá trị lớn đối với cộng đồng, bởi mục tiêu của khởi nghiệp là tạo ra những ý tưởng tốt và biến nó thành hiện thực trong cuộc sống.

Một dự án khởi nghiệp đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức cho nên các cơ quan, đơn vị hỗ trợ cần triển khai hoạt động hỗ trợ theo hướng trọng tâm, tập trung vào các dự án có tính khả thi thay vì chỉ dừng lại cung cấp cho người trẻ những hoạt động mang tính bề nổi, không tạo ra giá trị, nuôi dưỡng ý tưởng khởi nghiệp. Tất cả những kiến thức mang tính bổ trợ, căn bản về khởi nghiệp, người trẻ hoàn toàn có thể tham khảo trên môi trường internet.

Thực tế chứng minh, nhiều nhà sáng lập để thành công với một dự án khởi nghiệp thường "đánh đổi" nhiều thứ. CEO Riolish Huỳnh Tấn Cảnh từng phải bán nhà, tự mình phát tờ rơi ngoài đường do không đủ nguồn lực để quảng bá, phát triển ứng dụng. Anh Huỳnh Tấn Cảnh chia sẻ: "Khởi nghiệp luôn là điều không dễ dàng nếu bản thân chưa hội đủ các yếu tố về tri thức, tài chính, quyết tâm, am hiểu về lĩnh vực mình dự định khởi nghiệp, nhân sự…

Quá trình thực hiện dự án, có thời điểm các nguồn lực đã "cạn pin" cho nên nếu không có quyết tâm, ý chí theo đuổi tới cùng thì chắc chắn sẽ không có Riolish hôm nay. Hay CEO Trần Viết Quân có giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, dù doanh số bán hàng tăng 20% nhưng doanh thu lại giảm do doanh nghiệp gặp khó khăn, không đủ tiền trang trải chi phí vận hành ứng dụng.

(Còn nữa)