Bắc Ninh hoàn thành thực hiện Đề án 06 trước thời hạn

Mục tiêu Đề án 06 của Chính phủ là ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử trong chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân Bắc Ninh làm thủ tục cấp Căn cước công dân gắn chíp điện tử.
Người dân Bắc Ninh làm thủ tục cấp Căn cước công dân gắn chíp điện tử.

Trong đó, Bắc Ninh là một trong 10 tỉnh, thành phố được Bộ Công an lựa chọn làm điểm trong chiến dịch cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử. Nhờ triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, phù hợp, địa phương đã sớm hoàn thành kế hoạch.

Quán triệt chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an, tỉnh Bắc Ninh đã thành lập Tổ công tác triển khai Đề án 06 các cấp và ban hành quy chế hoạt động, kế hoạch thực hiện gắn với nhiệm vụ của từng đơn vị. Đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia gắn với năm nhóm tiện ích, bảo đảm tiến độ các nhiệm vụ.

Triển khai đồng bộ, quyết liệt

Sau khi kiện toàn Tổ công tác các cấp, tháng 4/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh tổ chức tập huấn triển khai Đề án cho gần 1.000 đại biểu là thành viên Tổ công tác và Tổ giúp việc cấp tỉnh, huyện, xã; lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Tại buổi tập huấn, Thượng tá Vũ Văn Tấn, Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) đã hướng dẫn việc triển khai các nội dung của Đề án 06; công tác chuẩn bị, thực hiện việc kiểm tra bảo đảm bảo mật, an ninh, an toàn thông tin của hệ thống công nghệ thông tin của tỉnh, phục vụ sẵn sàng kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; việc tiếp nhận các thủ tục thuộc danh mục 25 dịch vụ công thiết yếu về các quy trình thực hiện trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và tiếp nhận trên các cơ sở dữ liệu chuyên ngành,…

Qua đó, giúp thành viên Tổ công tác và Tổ giúp việc nhận thức đầy đủ hơn, xác định rõ trách nhiệm và triển khai hiệu quả các nội dung của Đề án 06 tại địa phương, đơn vị.

Về công tác thực hiện cụ thể, Tổ công tác các cấp, Công an tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều biện pháp, vận dụng sáng tạo, phù hợp với tình hình địa bàn, gắn với phát động ba “chiến dịch” cao điểm thực hiện Đề án 06, gồm: Chiến dịch 57 ngày, đêm, huy động tổng thể, tăng cường các lực lượng thực hiện “chiến dịch” cấp căn cước công dân; Cao điểm “90 ngày đêm” triển khai các giải pháp bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu và tăng cường đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án 06, cấp căn cước công dân; Cao điểm “về đích” cấp căn cước công dân.

Đại úy Phạm Thị Tuấn Linh, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh Bắc Ninh) cho biết: Để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án 06, trong đợt cao điểm, trên cơ sở nhiệm vụ được phân công, chúng tôi đã sắp xếp lịch cho từng đơn vị theo ngày, bảo đảm khoa học, hợp lý. Làm việc theo phương châm “hết việc, không hết giờ”, để hoàn thành đúng lộ trình đề ra.

Với những biện pháp đồng bộ, hiệu quả, cho nên đến ngày 21/5/2023, tỉnh Bắc Ninh đã hoàn thành việc thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân gắn chíp cho hơn một triệu công dân, đạt tỷ lệ 100%; trước 10 ngày theo tiến độ đăng ký với Bộ Công an và trước thời hạn Bộ Công an giao cho tỉnh là 70 ngày.

Tiện ích của căn cước công dân gắn chíp điện tử

Việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử hướng tới năm nhóm tiện ích, đó là: Giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phát triển kinh tế, xã hội; công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.

Tại tỉnh Bắc Ninh, với việc sớm về đích cấp căn cước công dân gắn chíp đã đem lại nhiều tiện ích trong cuộc sống. Mới đây, chị Nguyễn Thị Huyền (ở phường Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh) đã đến Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (Công an tỉnh Bắc Ninh) nhận hộ chiếu gắn chíp điện tử. Chị Huyền cho biết, qua tuyên truyền, chị hiểu được những tiện ích, ưu điểm của hộ chiếu gắn chíp điện tử đối với công dân trong quá trình di chuyển, nên chị đã lựa chọn làm hộ chiếu này. Thủ tục đăng ký và nhận hộ chiếu rất nhanh chóng, thuận lợi và chị rất hài lòng.

Theo Thượng tá Nguyễn Đức Trọng, Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh (Công an tỉnh Bắc Ninh): Với hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã sử dụng hộ chiếu điện tử, việc phát hành hộ chiếu điện tử không những tạo điều kiện cho người dân trong hoạt động xuất nhập cảnh, mà còn phù hợp với lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội.

Các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã đẩy mạnh triển khai Đề án 06, giúp người dân được hưởng nhiều tiện ích hơn khi đi khám, chữa bệnh. Bệnh nhân Nguyễn Văn Sửa, quê ở tỉnh Hưng Yên, điều trị ngoại trú tại Trung tâm Y tế thị xã Thuận Thành (Bắc Ninh) hơn một năm nay. Nếu như trước đây, mỗi lần đi khám phải chuẩn bị rất nhiều loại giấy tờ, thì nay nhờ thông tuyến khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế và có tài khoản định danh điện tử, ông có thể đăng ký khám tại Trung tâm Y tế Thuận Thành thuận tiện, mà vẫn được hưởng chế độ bảo hiểm.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án 06, ngày 28/7/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh đã ban hành Chỉ thị số 28-CT/TU; ngày 29/8/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh ban hành Kế hoạch số 279/KH-UBND chỉ đạo quyết liệt với phương châm “rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ kết quả và rõ trách nhiệm”. Tiếp tục phối hợp thực hiện 25 nhóm dịch vụ công thiết yếu tại Đề án 06 và các dịch vụ công thuộc danh mục dịch vụ công trực tuyến tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Đẩy nhanh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; nghiên cứu giải pháp về phần mềm để thực hiện việc kết nối, chia sẻ dữ liệu chuyên ngành với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Đẩy mạnh việc thu học phí và thực hiện các khoản thu-chi khác không dùng tiền mặt bảo đảm theo đúng mục tiêu và lộ trình, từ năm học 2023-2024; tổ chức khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp; triển khai phần mềm lưu trú ASM tại các bệnh viện, các cơ sở y tế có người lưu trú; triển khai tạo lập, cấp phát chữ ký số cho 100% người dân bảo đảm điều kiện. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền hướng dẫn người dân và doanh nghiệp về các tiện ích sử dụng căn cước công dân gắn chíp và tài khoản định danh điện tử mức 2 và sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4...