Trước đây, sản xuất nông nghiệp của Bắc Kạn luẩn quẩn trong tư duy manh mún, nhỏ lẻ, nặng tính tự cung, tự cấp. Do vậy, dù có nhiều mặt hàng nông, lâm sản có tiềm năng nhưng ít trở thành hàng hóa, hiệu quả kinh tế thấp.
Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn đã có những chủ trương, cụ thể hóa thành nghị quyết chuyên đề, chỉ thị về phát triển hợp tác xã và sản xuất nông lâm nghiệp theo hướng hàng hóa nối dài từ nhiệm kỳ 2015-2020 đến nhiệm kỳ 2020-2025.
Tháng 4/2017, Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn thông qua Nghị quyết số 08/2017/NQ-HĐND về việc ban hành quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa tỉnh Bắc Kạn.
Nghị quyết này là nghị quyết lớn, toàn diện đầu tiên của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn ban hành, đặt nền móng cho sản xuất hàng hóa lĩnh vực nông nghiệp Bắc Kạn. Nghị quyết đã thật sự trở thành động lực thay đổi sản xuất nông, lâm nghiệp của Bắc Kạn.
Chính sách, cơ chế từ Nghị quyết đã hỗ trợ cho vay đối với 1 hợp tác xã và 1 trang trại; hỗ trợ trực tiếp cho 7 hợp tác xã và 1 trang trại. Sau một năm triển khai, từ đòi hỏi thực tiễn cho thấy những bất cập, Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã sửa đổi, bổ sung và ban hành Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND.
Thực hiện Nghị quyết này, Bắc Kạn đã hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho 31 dự án; hỗ trợ đầu tư nhà xưởng, thiết bị cho 1 hợp tác xã; xây dựng 2 điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm; hỗ trợ kinh phí cấp giấy chứng nhận cho 13 hợp tác xã và 1 tổ hợp tác.
Trong quá trình triển khai, khi phát hiện bất cập, khoảng “trống” của chính sách, tỉnh Bắc Kạn lại tiếp tục điều chỉnh để hoàn thiện. Năm 2022, tỉnh tiếp tục sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND và ban hành thành Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND.
Nghị quyết mới dành nguồn lực cho hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đối với 17 dự án; hỗ trợ chương trình OCOP huyện Chợ Mới; hỗ trợ trồng cây lâm nghiệp đa mục đích; hỗ trợ nguồn nhân lực chất lượng cao cho 44 hợp tác xã; hỗ trợ đầu tư hạ tầng cho 14 hợp tác xã.
Chính sách đúng đi vào thực tiễn lập tức tạo nên sự đổi thay tích cực. Các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn đã dần thay đổi cách nghĩ, cách làm và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới để tăng năng suất, nâng cao giá trị sản phẩm nông sản đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhiều hợp tác xã kiểu mới của tỉnh đã gây dấu ấn mới mẻ trong hoạt động sản xuất kinh doanh, gắn sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thông qua việc đăng ký nhãn hiệu và quảng bá thương hiệu sản phẩm hàng hóa, đưa ra thị trường tỉnh ngoài.
Sản xuất trà bí xanh thơm tại Hợp tác xã Yến Dương, huyện Ba Bể. (Ảnh: LƯU HUỆ) |
Bắc Kạn đã quy hoạch, hình thành được một số vùng sản xuất sản phẩm chủ lực tập trung, như: Vùng trồng lúa Bao thai ở huyện Chợ Đồn, lúa Khẩu Nua Lếch ở Ngân Sơn; trồng cây dong riềng phục vụ sản xuất chế biến miến dong ở các huyện Ba Bể, Na Rì; trồng cây ăn quả như cam, quýt, hồng không hạt ở các huyện Bạch Thông, Chợ Đồn, Ba Bể; trồng chè tại các huyện Chợ Mới, Chợ Đồn, Ba Bể; vùng trồng thuốc lá, hồi, bí xanh, nghệ... ở các huyện Ngân Sơn, Ba Bể, Chợ Mới, Pác Nặm.
Đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 218 sản phẩm được công nhận đạt OCOP 3 sao trở lên. Đặc biệt, tỉnh có 1 sản phẩm OCOP 5 sao trong số 42 sản phẩm đạt 5 sao của cả nước, 02 sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Châu Âu và Nhật Bản; 13 sản phẩm đã có vùng nguyên liệu đạt chuẩn hữu cơ, VietGap, GACP-WHO; 8 chủ thể duy trì hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến trong quá trình sản xuất.
Các sản phẩm đã được đăng bán trên sàn thương mại điện tử. Có 94,6% chủ thể có doanh thu tăng từ 1,1 lần trở lên; 86% chủ thể có nhà xưởng sản xuất; 95% giải quyết việc làm cho 5 lao động địa phương trở lên…
Bắc Kạn đã có 674 tổ hợp tác, 368 hợp tác xã, 2 liên hiệp hợp tác xã. Tổng số thành viên tổ hợp tác là 7.670 thành viên; thành viên hợp tác xã là 3.713 và số hợp tác xã thành viên của Liên hiệp hợp tác xã là 18 đơn vị.
Tỉnh Bắc Kạn có 2 hợp tác xã được trao giải “Ngôi sao Hợp tác xã” năm 2024 do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức là Hợp tác xã Tài Hoan và Hợp tác xã Nhung Lũy là minh chứng cho hiệu quả hỗ trợ phát triển hợp tác xã của Bắc Kạn.
Trong thời gian tới, Bắc Kạn tiếp tục kiên trì cách “vừa làm, vừa hoàn thiện” chính sách. Trong đó, tỉnh sẽ bổ sung vào Nghị quyết thêm chính sách về hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa, như: trồng rừng gỗ lớn, làm giàu rừng tự nhiên, hỗ trợ đánh giá và cấp chứng chỉ rừng bền vững, chi phí thuê đất nông nghiệp…
Bắc Kạn phấn đấu sẽ củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể; duy trì trên 200 sản phẩm OCOP trở lên đạt 3-4 sao; trong đó phấn đấu đến năm 2025 có từ 2 sản phẩm trở lên đạt 5 sao.