Bác Hồ xây dựng Đảng

Xây dựng Đảng, gắn bó Đảng với nhân dân, Đảng lãnh đạo nhân dân đấu tranh đánh đổ chủ nghĩa thực dân, giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc, chiến đấu chống quân xâm lược, xây dựng và phát triển đất nước vì hòa bình, hợp tác quốc tế là vấn đề hàng đầu, quan trọng, thường trực, xuyên suốt cuộc đời của Bác Hồ từ ngày Người tham gia hoạt động chính trị cho đến lúc thanh thản ra đi “gặp cụ Các Mác, cụ Lê-nin và các vị cách mạng đàn anh khác”.

Bác Hồ với các cháu thiếu nhi dũng sĩ miền nam tại Phủ Chủ tịch, năm 1968. Ảnh tư liệu
Bác Hồ với các cháu thiếu nhi dũng sĩ miền nam tại Phủ Chủ tịch, năm 1968. Ảnh tư liệu

Từ Đại hội thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp họp tại thành phố Tua (Tours) tháng 12-1920, Nguyễn Ái Quốc với tư cách đại biểu thuộc địa Đông Dương đã phát biểu lên án chủ nghĩa thực dân, kêu gọi giai cấp vô sản Pháp ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân các nước Đông Dương. Bài phát biểu ngắn gọn và hùng hồn của Người được Đại hội nhiệt liệt hoan nghênh. Chủ tịch phiên họp kết luận: “Qua những loạt vỗ tay tán thành, đại biểu Đông Dương có thể thấy rằng toàn thể Đảng Xã hội đều đứng về phía đồng chí”.

Cùng với tuyệt đại đa số các đại biểu, Nguyễn Ái Quốc bỏ phiếu tán thành Đảng gia nhập Quốc tế thứ ba, và trở thành một trong những người tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp.

Bốn năm sau, tại Đại hội V Quốc tế Cộng sản họp tại Liên Xô (trước đây) mùa hè năm 1924, qua ba lần phát biểu, Người phê bình Đảng Pháp và Đảng Anh là hai nước có nhiều thuộc địa nhất hồi bấy giờ “chưa thi hành một chính sách thật tích cực trong vấn đề thuộc địa”. Tại một phiên họp khác của Đại hội này, Nguyễn Ái Quốc nhấn mạnh: “Trong tất cả các thuộc địa của Pháp, nạn nghèo đói đều tăng, sự phẫn uất ngày càng lên cao. Sự nổi dậy của nông dân bản xứ đã chín muồi... Quốc tế Cộng sản cần phải giúp đỡ họ tổ chức lại...”.

Hơn 40 năm sau, nhà báo Pháp Giăng La-cu-tuya (Jean Lacouture) đọc lại biên bản ghi tốc ký của Đại hội nêu trên nhằm sưu tầm tư liệu viết cuốn tiểu sử “Hồ Chí Minh” (Nxb Le Seuil, Paris, 1967) xúc động: “Phát biểu của Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội V Quốc tế Cộng sản thật độc đáo và có ý nghĩa”. Lúc này Nguyễn Ái Quốc đã là một nhà hoạt động cách mạng nổi tiếng, có ảnh hưởng tại châu Âu nhưng Người lại mong muốn được trở về châu Á (Sđd, tr 38).

Tại sao? Theo cảm nghĩ của chúng tôi, phải chăng tại Bác Hồ là nhà cách mạng luôn coi việc xây dựng Đảng là nhiệm vụ hàng đầu. Nói đến Đảng là nói đến nhân dân, đất nước, đến trách nhiệm Đảng lãnh đạo nhân dân đấu tranh vì mục tiêu “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Hoàn cảnh lúc này chưa cho phép Nguyễn Ái Quốc sống tại đất nước mình, trong vòng tay của nhân dân, nhưng làm việc càng gần Tổ quốc bao nhiêu càng thuận lợi bấy nhiêu. “Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước” (Chế Lan Viên). Đó phải chăng là nguyên nhân, là căn cốt nỗi nôn nóng thường trực của Người muốn sớm được sang châu Á, thể hiện cụ thể qua mấy bức thư Người gửi lãnh đạo Quốc tế Cộng sản năm 1924.

Thư của Nguyễn Ái Quốc gửi Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản, ngày 11-4-1924 viết: “Từ lúc tôi tới Mát-xcơ-va đã có quyết định rằng sau ba tháng lưu lại ở đây, tôi sẽ đi Trung Quốc để tìm cách liên lạc với đất nước tôi” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 1, tr 273). Ngày 25-9-1924, Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản đã quyết định về chuyến đi Trung Quốc theo đề nghị của Người. Quyết định ghi rõ: “Đồng chí Nguyễn Ái Quốc cần đi Quảng Châu. Chi phí do Ban Phương Đông chịu” (Hồ Chí Minh Biên niên Tiểu sử - Nxb Chính trị Quốc gia, H. 2006. tập 1, tr 290).

Tại thành phố Quảng Châu ở miền nam Trung Quốc, Bác Hồ sáng lập và trực tiếp điều hành báo Thanh niên, số đầu ra ngày 21-6-1925. Tờ báo đã đặt cơ sở chính trị, lý luận, tư tưởng, tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, thể hiện qua tập sách Đường Kách mệnh tuyển chọn một số bài in trên báo: “Mục đích sách này là để nói cho đồng bào ta biết rõ:... ta muốn sống thì phải cách mệnh... cách mệnh là việc chung cả dân chúng chứ không phải việc một hai người”.

Cùng với việc làm báo, Người mở lớp đào tạo cán bộ nòng cốt của Đảng Cộng sản Việt Nam sau này. Người chọn và cử một số thanh niên theo học Trường Quân sự Hoàng Phố. Phần đông những người theo học hai trường ấy rồi sẽ trở thành những nhà hoạt động chính trị, quân sự hàng đầu của nước ta những năm gian khó và hào hùng nhất trong lịch sử dân tộc, từ trước Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 đến kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ thành công, rồi cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc, giữ gìn chủ quyền tại đất liền cũng như không phận, hải phận của Tổ quốc ta.

Ước mơ tha thiết nhất của Bác Hồ cuối cùng trở thành hiện thực. Ngày 28-1-1941, Người đặt chân lần đầu lên mốc biên giới 108 tại phía bắc. Nơi Người ở đầu tiên sau khi về nước là khu núi rừng Pắc Bó thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Trong những điều kiện hết sức gian khó, cùng với những việc lớn như xây dựng cơ sở cách mạng trong dân, kiến tạo những nhóm vũ trang sau này sẽ hợp nhất thành Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, xuất bản báo Việt Nam độc lập…, mối quan tâm thường trực của Bác Hồ vẫn là xây dựng Đảng.

Sáng ra bờ suối, tối vào hang,
Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng.
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng
Cuộc đời cách mạng thật là sang.

Mùa xuân năm 1961, khi tuổi đời đã vượt qua mốc “xưa nay hiếm”, Người từ Hà Nội lên Cao Bằng rồi đi bộ, cưỡi ngựa băng qua nhiều đoạn đường núi trắc trở để gặp lại hang Pắc Bó, nhìn lại suối Lê-nin tức Khuối Mịn, ngắm lại ngọn Phịa Tào mà Bác gọi là núi Mác.

Hai mươi năm trước ở nơi này,
Đảng vạch con đường đánh Nhật, Tây.
Lãnh đạo toàn dân ta chiến đấu,
Non sông gấm vóc có ngày nay.

*

Trong thời gian gần 30 năm đảm đương nhiều trọng trách quốc gia, hễ có dịp là Bác Hồ nói về Đảng, từ các Đại hội toàn quốc đến những lần gặp gỡ, thăm hỏi đồng bào, chiến sĩ, cán bộ ở cơ sở, tiếp xúc kiều bào: “Với tất cả tinh thần khiêm tốn của người cách mạng, chúng ta vẫn có quyền nói rằng: Đảng ta thật là vĩ đại!”, “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”, “Đoàn kết nhất trí”, “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân”, “Chống tham ô, lãng phí, quan liêu…”, không có cách nào dẫn hết lời của Người nói về Đảng trong một bài viết, thậm chí một bộ sách. Riêng một bài báo dung lượng chưa đến 700 chữ Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân viết vào năm cuối đời của Người (Báo Nhân Dân ngày 3-2-1969) đã hàm chứa nhiều luận điểm sâu sắc, mang tính cốt lõi của Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng.

Trước lúc đi xa, tại Di chúc của Người, sau những lời mở đầu, Bác Hồ hạ bút: “TRƯỚC HẾT NÓI VỀ ĐẢNG”. Người đề cập ba vấn đề lớn: đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta; tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng; Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân.

*

Nửa thế kỷ qua, tính từ ngày Bác Hồ đi xa đến nay, chúng ta đã thực hiện việc xây dựng Đảng như mong muốn của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, thể hiện qua các Nghị quyết, Điều lệ Đảng, Quy định do Trung ương và Bộ Chính trị ban hành, và đã đạt được thành tựu trên nhiều mặt, đặc biệt trong 35 năm đổi mới. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn tồn tại không ít bất cập, sai lầm, đặc biệt nạn tham nhũng, một số cán bộ cố tình làm sai chính sách vì lợi ích cá nhân và lợi ích nhóm, tệ quan liêu, hách dịch, xa quần chúng, không hiểu mình chỉ là người đày tớ của nhân dân… gây tác động tiêu cực nhiều mặt trong đời sống chính trị, văn hóa, xã hội, làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Đảng ta đã nhận diện các sai lầm, bất cập và đang quyết liệt khắc phục. “Lò lửa” chống tham nhũng đã nóng lên, củi tươi vào đây cũng phải cháy (lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng), dù rằng chưa phải tại tất cả các cấp, các nơi, mọi lò đều cùng nóng như nhau, dù rằng vẫn phải tiếp tục quyết liệt, nỗ lực công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhưng bước đầu đã giành lại niềm tin của nhân dân, tạo động lực mới trong xã hội. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 11 khóa XII vừa qua, đặc biệt Lời phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kết thúc Hội nghị, cho thấy rõ quyết tâm của Đảng hoàn toàn phù hợp với mong muốn của toàn dân ta lúc này.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng là chìa khóa vạn năng giúp chúng ta thực hiện thành công công việc trọng đại, nóng hổi, luôn đầy khó khăn, trở ngại và chắc chắn dài lâu về Xây dựng Đảng - mối quan tâm hàng đầu, nỗi trăn trở suốt đời của Bác Hồ kính yêu.