Công ty này có 100% vốn nước ngoài, trụ sở và nhà máy đóng tàu tại Khu công nghiệp Đông Xuyên, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Thông báo của Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hiện còn 212 hồ sơ yêu cầu đòi nợ đối với Sofel, với tổng số tiền lên đến hơn 2.051 tỷ đồng.
Tuy nhiên, khi kiểm kê tài sản còn lại hiện tại của Sofel chỉ có trị giá gần 73 tỷ đồng, trong đó có tài sản trị giá 42 tỷ đồng là tài sản mà Sofel đã thế chấp cho một ngân hàng, tài sản còn lại có trị giá gần 31 tỷ đồng.
Cũng theo tòa án, trong hơn 2.051 tỷ đồng mà Sofel còn nợ các doanh nghiệp trong nước thì có đến hơn 1.768 tỷ đồng nợ không có tài sản bảo đảm và chỉ có hơn 283 tỷ đồng là có tài sản bảo đảm.
Thẩm phán Nguyễn Minh Châu, người thụ lý vụ án phá sản của Sofel cho biết, lý do đến nay Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu mới tổ chức được hội nghị chủ nợ là bởi tất cả những người có trách nhiệm của Sofel đều vắng mặt, không tham gia, không phối hợp tòa án và các cơ quan chức năng để giải quyết.
Công ty Sofel không còn người quản lý điều hành hoạt động kể từ năm 2018 và cũng không nộp báo cáo tài chính năm 2017, 2018.
Sau khi nghe thông báo về tình hình tài chính, quá trình kiểm kê của quản tài viên, 100% chủ nợ có mặt đã đồng ý để tòa án tuyên bố Công ty Sofel chính thức phá sản.
Giải thích một số câu hỏi của các chủ nợ tại hội nghị, thẩm phán Nguyễn Minh Châu cho biết, số tiền còn lại của Sofel sẽ chia theo Điều 54, Luật Phá sản.
Theo đó, ưu tiên trả các khoản chi phí để làm thủ tục phá sản, trả lương và bảo hiểm xã hội cho công nhân Sofel, rồi sẽ chia theo tỷ lệ nợ cho các chủ nợ.