“Bà đỡ” thoát nghèo cho người H’Mông Pà Khốm

NDO -

Được hỗ trợ từ nguồn vốn tín dụng chính sách, nhiều hộ đồng bào dân tộc H’Mông xã biên giới Tri Lễ thuộc huyện miền núi rẻo cao Quế Phong, tỉnh Nghệ An đã từng bước thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

Cán bộ NHCSXH huyện Quế Phong kiểm tra con giống cho bà con bản Pà Khốm.
Cán bộ NHCSXH huyện Quế Phong kiểm tra con giống cho bà con bản Pà Khốm.

Gia đình ông Lỳ Nọ Pó, dân tộc H’Mông, ở bản Pà Khốm, xã Tri Lễ trước đây nghèo khó làm lụng vất vả trên nương rãy, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà cơm vẫn không đủ no, áo không đủ mặc, con em không được học hành đến nơi đến chốn...

Năm 2004, được vay 5 triệu đồng của Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH), gia đình ông Lỳ Nọ Pó đã đầu tư mua một con trâu, hai con bò giống nuôi. Đến năm 2008, sau khi đến hạn, gia đình ông đã trả nợ số tiền vay trên, đồng thời mạnh dạn vay thêm 25 triệu đồng mua tiếp năm con bò giống. Cùng số tiền tích trữ của gia đình, ông mua bốn con ngựa và khai hoang phát triển vườn rừng, làm ruộng ... Ông Pó phấn khởi khoe: Hiện tại, gia đình tui đã có đàn trâu đông tới 23 con, 45 con bò, 18 con ngựa, phát triển được 1 ha lúa và 4 ha vườn rừng trồng cỏ chăn nuôi. Từ các sản phẩm trên, hằng năm, trừ các khoản chi phí, gia đình có thu nhập từ 70 - 150 triệu đồng. Nay gia đình đã có của ăn của để, con cái được đi học con chữ....

Bên cạnh gia đình ông Pó, anh Lỳ Bá Tểnh cùng bản Pà Khổm cũng là một trong những tấm gương điển hình trong việc sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay từ NHCSXH. Năm 2017, gia đình anh Lỳ Bá Tểnh được vay 40 triệu đồng đầu tư phát triển chăn nuôi trâu bò, đến nay trâu bò đã sinh sản tăng lên được bốn con trâu và năm con bò. Cùng với đó, gia đình anh mở rộng diện tích sản xuất ruộng nước và xây dựng vườn đào. Cũng tại bản Pà Khốm, từ một hộ nghèo, được vay 30 triệu đồng từ nguốn tín dụng chính sách, gia đình anh Lỳ Bá Lầu đầu tư mua giống chăn nuôi, đến nay cũng đã phát triển lên thành đàn ba con trâu và ba con bò… Đến cuối năm 2019, gia đình Lỳ Bá Tểnh đã thoát nghèo bền vững.

Ông Vi Văn Hời, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tri Lễ cho biết: Nếu như trước đây, số hộ nghèo ở vùng đồng bào người H’Mông xã Tri Lễ, huyện Quế Phong thường mang tâm lý trông chờ, ỷ lại vào các chính sách ưu đãi của Nhà nước, thì nay đã có sự thay đổi lớn về nhận thức, nhiều hộ đồng bào người H’Mông đã biết tính toán đầu tư để đồng vốn được vay từ NHCSXH “sinh sôi nảy nở”, góp phần thay đổi cuộc sống. Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách  ưu đãi, nhiều hộ người H’Mông ở bản Pà Khốm bây giờ đã thoát nghèo và thật sự đổi đời đang trở thành điểm sáng về mô hình phát triển kinh tế ở xã vùng cao biên giới của huyện Quế Phong.

“Bà đỡ” thoát nghèo cho người H’Mông Pà Khốm -0
Đàn trâu bò, ngựa... đông đúc của gia đình anh Lỳ Nọ Pó, bản Pà Khốm, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong. 

Giám đốc NHCSXH huyện Quế Phong Nguyễn Khoa Văn chia sẻ: Xác định đối tượng phục vụ của hoạt động tín dụng chính sách xã hội chủ yếu là bà con vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, trình độ dân trí thấp và nhận thức không đồng đều. Trong những năm qua NHCSXH luôn là chỗ dựa tin cậy cho các hộ nghèo gặp khó khăn có nhu cầu vay vốn để làm ăn, cải thiện đời sống. Đến nay, vốn tín dụng chính sách đã được triển khai tại 13/13 xã, thị trấn; 108/108 thôn, bản, với 277 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Tính đến hết tháng 3-2021, tổng nguồn vốn tín dụng trên địa bàn huyện đạt trên 377 tỷ đồng với hơn 10.500 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, thông qua các chương trình cho vay như: giải quyết việc làm; hộ sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn; hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo …

Khẳng định những kết quả quan trọng của nguồn lực tín dụng chính sách đem lại cho đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao, Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong Bùi Văn Hiền cho biết: Tín dụng chính sách góp phần cải thiện đời sống của người nghèo, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo trên địa bàn, hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu của người dân về đời sống sinh hoạt, ổn định xã hội và phát triển kinh tế. Góp phần ổn định trật tự xã hội, phát triển kinh tế và tham gia thực hiện các chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Bên cạnh đó, tín dụng chính sách cũng góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng nơi vùng cao biên giới...