AUKUS - Bước đi gây chấn động

Sự ra đời của thỏa thuận an ninh ba bên giữa Mỹ, Anh và Australia, còn gọi là AUKUS, gắn với chiến lược Ấn Ðộ Dương-Thái Bình Dương được đánh giá là bước khởi đầu cho những thay đổi sâu sắc về cục diện chính trị trong khu vực, thu hút sự chú ý của dư luận trong những tháng cuối năm 2021.

AUKUS - Bước đi gây chấn động

Sự ra đời đột ngột của thỏa thuận AUKUS giữa Mỹ, Anh và Australia tại khu vực Ấn Ðộ Dương-Thái Bình Dương rộng lớn được tờ The Guardian (Anh) nhận định là một "bước đi gây chấn động". Ðộng thái trên khiến các quốc gia ở châu Á-Thái Bình Dương và Liên minh châu Âu (EU) không khỏi bất ngờ. Theo đó, sau những cuộc đàm phán bí mật, vào một ngày giữa tháng 9/2021, Mỹ, Anh và Australia tuyên bố chính thức thành lập liên minh AUKUS ở khu vực Ấn Ðộ Dương-Thái Bình Dương. Theo thỏa thuận, ba nước nhất trí tăng cường phát triển các năng lực chung và chia sẻ công nghệ. Một trong những điểm đáng chú ý của thỏa thuận AUKUS, và cũng chính là "nguồn cơn" cho các tranh cãi sau này, là việc Canberra sẽ xây dựng một hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân với sự giúp đỡ của Washington và Luân Ðôn.

Lợi ích của ba bên

Thỏa thuận AUKUS có ý nghĩa lớn đối với cả ba nước Mỹ, Anh và Australia, cho thấy khu vực Ấn Ðộ Dương-Thái Bình Dương rộng lớn tiếp tục là trọng tâm chính sách đối ngoại của các quốc gia này. Cùng chia sẻ những lợi ích chiến lược ở không gian Ấn Ðộ Dương-Thái Bình Dương, việc Mỹ và các nước thắt chặt quan hệ đồng minh là điều dễ hiểu, nhất là khi cạnh tranh nước lớn ngày một gia tăng và thế giới đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi dịch bệnh, khủng hoảng khí hậu…

Ðối với Mỹ, AUKUS sẽ gia tăng sự hiện diện của nước này ở khu vực, siết chặt lòng tin trong quan hệ với các đồng minh, vốn đã ít nhiều lung lay sau quyết định rút quân khỏi Afghanistan gây nhiều tranh cãi của "xứ cờ hoa". Sau sự định hình của nhóm Bộ tứ kim cương (QUAD) gồm bốn thành viên là Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Ðộ, AUKUS là bước đi tiếp theo nhằm khẳng định những cam kết lâu dài của Mỹ về duy trì chiến lược "Ấn Ðộ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở" mà nước này lâu nay theo đuổi.

Còn đối với Anh, thỏa thuận trên là bước đi đáng chú ý của "xứ sở sương mù" để triển khai chiến lược "nước Anh toàn cầu", thể hiện vị thế, vai trò của nước Anh và quyết tâm xoay trục về Ấn Ðộ Dương-Thái Bình Dương khi không còn là một mảnh ghép của đại gia đình EU.

Và đặc biệt, với Australia, việc tham gia AUKUS giúp Canberra tăng cường đáng kể năng lực về hải quân, sẵn sàng đối phó với những thay đổi nhanh chóng của môi trường an ninh khu vực. Liên minh AUKUS giúp nâng cao vị thế và tiếng nói của Canberra tại Ấn Ðộ Dương-Thái Bình Dương, cũng như tạo một nền tảng vững chắc để Australia có thể đẩy mạnh hơn nữa hợp tác với các quốc gia trong khu vực như Nhật Bản, Ấn Ðộ…, vốn là những "mắt xích" quan trọng trong các chuỗi sáng kiến kết nối, để cùng nhau "chèo lái" khu vực.

Phép thử trong quan hệ đồng minh

Những sóng gió nổi lên từ thỏa thuận AUKUS đã xóa nhòa cảm giác hồ hởi, phấn khởi ban đầu của Mỹ, Anh và Australia. Thỏa thuận an ninh này vấp phải sự phản đối dữ dội của nhiều quốc gia, đặc biệt là Pháp. Việc Australia thông báo hủy "hợp đồng thế kỷ" mua 12 tàu ngầm lớp Attack của Pháp, chuyển sang mua tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ như một phần của AUKUS khiến Paris nổi giận. Lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại, Pháp cấp tốc triệu hồi đại sứ tại Mỹ và Australia về nước để tham vấn.

Không khó để hiểu những phản ứng gay gắt của Pháp. Về mặt ngoại giao, Pháp không thể tránh khỏi cảm giác bị "gạt ra ngoài lề" khi các đồng minh truyền thống quay lưng. Về mặt kinh tế, hợp đồng mà Australia thông báo hủy có giá trị lên đến hàng chục tỷ USD, vốn là niềm tự hào và cũng mang ý nghĩa kinh tế quan trọng đối với Tập đoàn đóng tàu Naval Group, một trụ cột của nền công nghiệp quốc phòng Pháp. Cùng với đó, lâu nay, "đất nước hình lục lăng" luôn nỗ lực theo đuổi chính sách Ấn Ðộ Dương-Thái Bình Dương, mà trong đó Australia là một mắt xích quan trọng. Hơn 1,6 triệu công dân Pháp đang sinh sống tại các hòn đảo ở khu vực này như Reunion, New Caledonia, Mayotte... Sự ra đời đột ngột của AUKUS đã ảnh hưởng đến chính sách Ấn Ðộ Dương-Thái Bình Dương của Paris.

Thỏa thuận AUKUS gây ra những rạn nứt lòng tin nghiêm trọng giữa hai đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) là Pháp và Mỹ. Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian (G.Ðri-ăng) ví hành động của Mỹ, Anh và Australia như "một cú đâm sau lưng" Pháp. Sự "trình làng" của AUKUS cũng gây tổn hại đến mối quan hệ đồng minh Mỹ-EU, vốn đã lục đục khi Mỹ từng cảnh báo rút khỏi NATO cùng các thỏa thuận quốc tế do các nước EU hậu thuẫn như Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu năm 2015, thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1… Phản ứng trước AUKUS, EU bày tỏ tinh thần đoàn kết với Pháp, cho rằng đây không chỉ là một vụ việc mang tính song phương mà còn ảnh hưởng đến toàn châu Âu. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel (S.Mi-sen) nhận định, AUKUS cho thấy Tổng thống Mỹ Joe Biden (G.Bai-đơn) thiếu tin tưởng vào EU.

Những mong "gương vỡ lại lành"

Ðể xoa dịu cơn giận của Paris, Washington đã có nhiều hành động cụ thể. Hồi tháng 10/2021, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken (A.Blin-ken) thực hiện chuyến công du Pháp với sứ mệnh xoa dịu đồng minh, nhằm đưa mối quan hệ giữa hai nước "gương vỡ lại lành". Bên lề Hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), Mỹ nhất trí bãi bỏ một phần thuế đánh vào mặt hàng thép và nhôm từ châu Âu do chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump (Ð.Trăm) áp đặt. Những bước đi của "xứ cờ hoa" nhằm hàn gắn rạn nứt trong quan hệ với Pháp và EU được truyền thông Pháp đánh giá tích cực. Trên thực tế, việc hai đồng minh lâu năm là Pháp và Mỹ nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng là điều cần thiết để cùng hợp tác đối phó những thách thức an ninh lớn khác.

Tuy nhiên, khôi phục niềm tin đã rạn nứt giữa các đồng minh ở hai bờ Ðại Tây Dương không phải việc dễ dàng và cần nhiều thời gian. Những quyết định mang tính đơn phương, không thể dự đoán được của Mỹ thời gian qua, nhất là liên quan đến AUKUS, ngày càng nới rộng thêm mối hoài nghi của Pháp và EU về khả năng bị Mỹ gạt ra bên lề những kế hoạch then chốt của nước này. Hiện một mặt, Mỹ bày tỏ nỗ lực và thiện chí hàn gắn quan hệ đồng minh; mặt khác, "xứ cờ hoa" và các nước tiếp tục triển khai những bước đi tiếp theo trong khuôn khổ thỏa thuận AUKUS. Ngày 22/11 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Peter Dutton (P.Ða-tơn) cùng đại diện ngoại giao của Mỹ và Anh đã ký kết thỏa thuận cho phép các bên trao đổi thông tin nhạy cảm về công nghệ động cơ hạt nhân dùng trong hải quân. Ðây là thỏa thuận đầu tiên liên quan đến công nghệ tàu ngầm hạt nhân được ký kết công khai kể từ khi ba nước tuyên bố thành lập AUKUS.

Sự ra đời của AUKUS là một chuyển động mang tính bước ngoặt, tác động tới cục diện chính trị của khu vực Ấn Ðộ Dương-Thái Bình Dương và các mối quan hệ đồng minh truyền thống. Câu hỏi về những diễn biến trong tương lai cùng mức độ ảnh hưởng của AUKUS với các nước vẫn đang bỏ ngỏ, thu hút sự quan tâm của dư luận trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn đang ngày càng gay gắt tại không gian Ấn Ðộ Dương-Thái Bình Dương, một trong những khu vực phát triển năng động bậc nhất thế giới.