Bí thư Huyện ủy Sơn Dương Hoàng Việt Phương hồ hởi cho biết, đầu tháng 8, Đảng bộ huyện đã tổ chức thành công Đại hội lần thứ 20, Đại hội nghiêm túc đánh giá những việc làm được và chưa được của nhiệm kỳ 2010-2015, đề ra biện pháp khắc phục và những nhiệm vụ cụ thể cho nhiệm kỳ tới. Nhiệm kỳ qua, Sơn Dương đã thực hiện hiệu quả bốn lĩnh vực đột phá, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trong đó nổi bật là về giao thông. Theo đó, huyện đã làm mới, nâng cấp hơn 230 km đường huyện, đường liên xã; bê-tông hóa hơn 760 km đường giao thông nông thôn, với tổng nguồn lực huy động đạt hơn 400 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp hơn 200 tỷ đồng. Tất cả các thôn, xóm của huyện đều có đường ô-tô tới trung tâm. Đường giao thông thuận tiện là chìa khóa để huyện tiếp tục phát triển. Điều đáng mừng nhất là tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ 31,88% năm 2010 xuống còn 9,81% năm 2014 và dự kiến hết năm 2015, toàn huyện chỉ còn 5,74%.
Nói thì là vậy, nhưng để có được kết quả như hôm nay là cả một quá trình cố gắng của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện mà Tân Trào chính là một điểm sáng trong phong trào chung đó. Đây cũng là xã đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang được công nhận hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới (NTM).
Chúng tôi đến thăm thôn Vĩnh Tân, là thôn điển hình về xây dựng NTM ở Tân Trào. Điểm nổi bật trong xây dựng NTM ở đây là việc chuyển đổi nếp nghĩ, cách làm để sản xuất hàng hóa. Đó là việc quy tụ các hộ sản xuất chè riêng lẻ để thành lập Hợp tác xã (HTX) sản xuất và chế biến chè Vĩnh Tân, làng nghề đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang. Qua đó, thay đổi được tư duy sản xuất của người dân sang hướng sản xuất hàng hóa tập trung, đáp ứng nhu cầu của thị trường, nâng cao thu nhập. Chủ tịch UBND xã Tân Trào Nguyễn Đức Hạnh cho biết, trước đây, khi chưa củng cố HTX, các hộ tự chăm sóc, thu hái, chế biến và từng nhóm hộ liên kết để tiêu thụ sản phẩm. Thực hiện chương trình xây dựng NTM, HTX được củng cố, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm. Xã viên chăm sóc, thu hái nguyên liệu, HTX thu mua, chế biến và tổ chức tiêu thụ sản phẩm. Để xây dựng thương hiệu sản phẩm, HTX đã chú trọng nâng cao chất lượng ở từng khâu sản xuất và vừa qua, sản phẩm chè Vĩnh Tân đã đoạt cúp “Búp chè vàng” tại Liên hoan Festival Chè Thái Nguyên. Có thương hiệu, sản phẩm chè Vĩnh Tân, có giá bán ra tăng từ 100 nghìn đồng/kg (năm 2012) lên 250 nghìn đồng/kg hiện nay. Giá trị sản phẩm tăng, khuyến khích bà con xã viên chú trọng thâm canh, nâng cao năng suất chè nguyên liệu. Năm 2011, bình quân mỗi ha đạt 10 tấn, thì nay sản lượng búp tươi đã được nâng lên 13,5 tấn.
Để thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững, Tân Trào đã tiến hành đồng bộ các giải pháp giúp đỡ hộ nghèo. Xã tiến hành thu hồi đất 5% công ích, rồi bình xét giao khoán lại cho các hộ nghèo thiếu đất sản xuất. Từ nguồn vốn hỗ trợ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, xã đã xây dựng các mô hình chăn nuôi, trồng cây đặc sản đồng thời quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh như vùng sản xuất chè, mía, rau, lúa đặc sản. Các tổ chức đoàn thể đứng ra tín chấp để hội viên vay vốn và giúp xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh; hướng dẫn khoa học kỹ thuật để người dân có kiến thức sản xuất hàng hóa. Sự hỗ trợ bằng tiền của Nhà nước và những đóng góp của các tổ chức xã hội đã dần xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân. Ba năm qua, toàn xã đã có 260 hộ gia đình được hỗ trợ làm nhà mới. Qua đó, giúp người dân ổn định cuộc sống, tạo bước đệm để thực hiện các tiêu chí khó trong xây dựng NTM.
Cùng Tân Trào, các xã vùng ATK đang từng ngày đổi mới, từ nếp nghĩ, cách làm để khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế, xây dựng đời sống mới. Trong đó, Trung Yên là một thí dụ. Phó Chủ tịch UBND xã Phùng Văn Bình cho biết, những năm gần đây, cây chè đã trở thành cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế, tạo chuyển biến rõ nét trong đời sống của người dân. Chính quyền xã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ phát triển trồng chè, tạo điều kiện hỗ trợ người dân về vốn và tham gia các dự án, tổ hợp tác phát triển trồng chè; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây chè. Qua đó, giúp người dân mở rộng diện tích trồng mới, thực hiện thâm canh tăng vụ, nâng cao năng suất chè. Hiện nay, toàn xã hiện có 112,2 ha chè, đạt 124,4% mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ 16 đề ra. Qua đó, đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Đến nay, Trung Yên đã giúp được gần 160 hộ gia đình thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã từ 43,6% xuống còn 31%.
Khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân là giải pháp xuyên suốt được Sơn Dương tập trung thực hiện. Vì vậy, kinh tế nông, lâm nghiệp tiếp tục phát triển. Huyện đã triển khai thực hiện quy hoạch các vùng chuyên canh cây trồng, thực hiện đầy đủ các cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với công nghiệp chế biến như cây chè, mía, cây nguyên liệu giấy, cây rau; tập trung xây dựng NTM. Đến nay, Sơn Dương đã hình thành các vùng nguyên liệu: cây mía 4.317 ha; 1.550 ha chè; 31.924 ha nguyên liệu giấy; vùng sản xuất rau tại các xã Sơn Nam, Ninh Lai, Đại Phú, Vĩnh Lợi... Chăn nuôi ngày càng phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô trang trại, gia trại. Hằng năm, huyện đều hoàn thành và vượt kế hoạch trồng rừng. Giai đoạn 2011 - 2015, toàn huyện đã trồng hơn mười nghìn ha rừng tập trung, đạt 148,6% mục tiêu, duy trì độ che phủ rừng đạt 54% góp phần giải quyết được việc làm, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn huyện.