Anh Sáu Dân trong những năm tháng không thể nào quên

NDO - Cách đây 28 năm, giữa mùa xuân năm 1980, việc tiến hành thí điểm cải tiến cơ chế quản lý về kinh tế trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã làm "bung ra" các phong trào “tháo gỡ” cho sản xuất phát triển.
0:00 / 0:00
0:00

Vào thời điểm đó, trong một chuyến đi công tác ra Hà Nội, anh Sáu Dân đã xin tôi về thành phố để cùng anh Thép Mới trợ giúp anh quản lý một lĩnh vực hoạt động đầy nhạy cảm - lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, báo chí, xuất bản, in ấn và phát hành.

Trước khi đến cơ quan Thành ủy ở đường Trương Định để nhận nhiệm vụ mới, tôi tranh thủ thời gian ghé thăm anh Mai Văn Bảy, một người bạn đang công tác tại Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Thư ký Liên hiệp Công đoàn thành phố. Mai Văn Bảy thân tình bộc bạch với tôi: "Anh về cộng sự với ông Sáu Dân là hay lắm đó. Ông được cán bộ và nhân dân mến mộ, đã trở thành một hiện tượng của thành phố này”.

Biết tôi xuất thân từ một nghiên cứu sinh triết học ở Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, nên Mai Văn Bảy dặn đi dặn lại: "Khi có bài cho ông Sáu, chớ có sa đà vào việc tầm chương trích cú và đừng ham trích dẫn nhiều trước các lý luận kinh điển".

Chỉ qua đôi lần làm việc, anh Sáu Dân đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng đẹp, tạo nên sức lôi cuốn bởi phong cách và đức tính truyền thống của con người thuần chất quê hương Nam Bộ. Một trong những điều làm cho tôi có ấn tượng sâu đậm nhất ở anh Sáu là tấm lòng nhân ái, vị tha và tư tưởng nhân đạo chủ nghĩa cao đẹp. Gần ba thập niên trôi qua, giờ đây nhắc lại một số việc về cách đối nhân xử thế tinh tế trong cuộc sống đời thường của anh, tôi vẫn không nén được xúc động, bồi hồi.

Chỉ qua đôi lần làm việc, anh Sáu Dân đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng đẹp, tạo nên sức lôi cuốn bởi phong cách và đức tính truyền thống của con người thuần chất quê hương Nam Bộ. Một trong những điều làm cho tôi có ấn tượng sâu đậm nhất ở anh Sáu là tấm lòng nhân ái, vị tha và tư tưởng nhân đạo chủ nghĩa cao đẹp.

Tôi không thể ngờ rằng, là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, lãnh đạo một thành phố lớn của đất nước, ngày ngày phải đối mặt với những công việc ngổn ngang bề bộn trong giai đoạn quá độ của thời kỳ chuyển đổi cơ chế vận hành nền kinh tế, vậy mà anh Sáu vẫn quan tâm, căn dặn đồng chí thư ký chuyên trách về công tác hành chính may cho tôi từ bộ quần áo, cho đến việc thay đôi dép cao su mà tôi mang từ Hà Nội vào. Và hằng tháng, tôi đều được bố trí xe cộ để có dịp về quê ở Tiền Giang thăm mẹ già, sau 20 năm đi tập kết ra miền Bắc.

Trong những tháng năm giúp việc anh Sáu Dân tại Thành phố Hồ Chí Minh, tôi vẫn thường hay suy ngẫm về một hiện tượng hiếm thấy. Dường như việc quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của cấp dưới, của đồng chí, đồng bào đã trở thành bản năng, thành đức tính quý báu của anh. Tôi đã từng được nhiều lần chứng kiến những cử chỉ rất chu đáo của anh đối với chúng tôi. Trong các cuộc họp do Ban Thường vụ Thành ủy triệu tập, giữa lúc đang chủ trì hội nghị phải căng thẳng lắng nghe và chăm chú ghi chép những ý kiến phát biểu từ nhiều góc độ và khía cạnh khác nhau, thế mà anh vẫn để tâm nhắc nhở tiếp thêm cho chúng tôi thuốc lá khi đã hút hết và thêm trà vào bình khi đã vơi.

Những chuyến đi của anh Sáu Dân ra Hà Nội để họp Bộ Chính trị cũng để lại trong ký ức tôi những ấn tượng không thể phai mờ. Cũng như anh đã từng chăm lo cho mọi người ở Thành phố Hồ Chí Minh, lần nào cũng vậy, mỗi khi ra Thủ đô, anh đều mang theo thuốc men, vải vóc, quà bánh... để biếu các cán bộ cách mạng lão thành, tặng những văn nghệ sĩ, trí thức tiêu biểu đã có nhiều công lao cống hiến trong các lĩnh vực. Những anh chị em trực tiếp phục vụ anh Sáu và chúng tôi ở trong nhà khách Trung ương Đảng là những người hầu như được anh thường xuyên tặng quà, khi thì xấp vải, lúc thì bịch bột ngọt, gói tôm khô. Điều đặc biệt là trong các bữa cơm, anh Sáu thường mời các đồng chí này ngồi vào bàn cùng ăn chung với chúng tôi, rất thân mật.

Thiết tưởng, cần phải kể thêm một sự việc cho đến nay vẫn lưu lại trong tâm trí tôi những cảm xúc còn tươi mới. Đó là vào cuối mùa hè năm 1981, có một đoàn nghệ thuật khoảng 30 người của tỉnh Nghệ An vào Thành phố Hồ Chí Minh biểu diễn. Cảm kích trước nghĩa tình của những đồng chí sống trên quê hương Bác Hồ đối với đồng bào miền Nam ruột thịt, anh Sáu dặn tôi giao cho Sở Giao thông vận tải trách nhiệm tân trang và đại tu toàn bộ chiếc xe ô tô chở đoàn. Đồng thời giao cho Ban Tài chính-Quản trị Thành ủy may cho các diễn viên nam mỗi người một bộ quần áo tươm tất, còn các diễn viên nữ thì mỗi người được may một bộ quần áo dài. Trong giờ phút chia tay chúng tôi để trở về, anh chị em trong đoàn đã thể hiện tình cảm cực kỳ xúc động.

Những việc trên đây được rút ra trong hàng trăm sự việc, trải qua gần 30 năm, in đậm trong ký ức tôi và lớn lên dần theo năm tháng, tạo thành ấn tượng sâu đậm sống mãi với thời gian.

Đau đớn biết bao khi tôi đang viết những dòng cuối cùng để hoàn thành đề cương bản thảo cuốn sách về căn cứ địa của các cơ quan lãnh đạo đầu não cách mạng miền Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở chiến khu Bắc Tây Ninh, do anh Sáu Dân chỉ đạo biên soạn, thì được Văn phòng Thành ủy thông báo một tin sét đánh ngang tai: “Anh Sáu đã qua đời”.

Chỉ mới cách đây vài tuần, anh Sáu hẹn với tôi là sau khi ở Hà Nội về, sẽ có buổi làm việc với các đồng chí lãnh đạo tỉnh Tây Ninh để triển khai việc xuất bản cuốn sách về chiến khu Bắc Tây Ninh và duyệt lại lần cuối cùng bức phù điêu hoành tráng rộng 40m2, do các hoạ sĩ thể hiện về đề tài cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trên chiến trường B2. Bức phù điêu sẽ trưng bày ở Khu di tích lịch sử Trung ương Cục miền Nam tại xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Thế mà, giữa lúc anh em chúng tôi đang từng ngày mong anh về, anh lại đột ngột từ biệt cuộc đời này.

Anh Sáu ơi, "thương anh lấy nhớ làm thương". Tôi viết những dòng này để nghiêng mình vĩnh biệt anh.

___________

* Bài đăng trên báo Nhân Dân, ngày 14/6/2008, tr.3.