Tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng Anh Boris Johnson nhấn mạnh: “Các nhà lãnh đạo cho biết họ sẽ hành động để tạo điều kiện cho người tị nạn trở về an toàn, tự nguyện và lâu dài và cuộc chiến chống khủng bố phải được tiếp tục dưới mọi hình thức”.
Thủ tướng Anh Johnson, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cũng bày tỏ ủng hộ Đặc phái viên Liên hợp quốc (LHQ) về Libya Ghassan Salame trong những nỗ lực thúc đẩy tiến trình chính trị do người dân Libya làm chủ nhằm chấm dứt xung đột tại nước này.
Trước đó cùng ngày, hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin từ London, Tổng thống Erdogan thông báo, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức, Pháp và Anh sẽ thảo luận về những diễn biến mới nhất tại Syria. “Các diễn biến liên quan Chiến dịch Mùa xuân hòa bình cũng sẽ được đưa ra đánh giá”, ông Erdogan nói với các phóng viên. Giữa tháng 10-2019, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu mở cuộc tấn công nhằm vào các lực lượng người Kurd ở khu vực đông bắc Syria trong chiến dịch mang tên “Mùa xuân hòa bình”.
Trong diễn biến khác, cuối tháng 11 vừa qua, Đặc phái viên LHQ về Syria Geir Pedersen cho biết, vòng đàm phán thứ hai do Liên hợp quốc (LHQ) bảo trợ về vấn đề Syria kéo dài một tuần tại Geneva (Thụy Sĩ) đã kết thúc mà các bên không đạt đồng thuận về chương trình nghị sự. Đại diện của Chính phủ Syria và phe đối lập đồng chủ tọa vòng đàm phán đã không thể nhất trí về lịch trình các cuộc đàm phán soạn thảo hiến pháp. Do đó, 45 thành viên của cơ quan soạn thảo hiến pháp (gồm các đại diện của chính phủ, phe đối lập và tổ chức xã hội ở Syria) đã không nhóm họp. LHQ đánh giá các cuộc đàm phán của Ủy ban Hiến pháp Syria là bước tiến trên con đường dài tìm kiếm giải pháp chính trị cho Syria.