Anh: Hai bộ trưởng từ chức, Thủ tướng Sunak cải tổ Nội các

Bộ trưởng Giáo dục Anh Robert Halfon và Bộ trưởng Lực lượng vũ trang James Heappey đã thông báo từ chức, buộc Thủ tướng nước này Rishi Sunak phải cải tổ đội ngũ của mình.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Anh Rishi Sunak. (Ảnh: Reuters)
Thủ tướng Anh Rishi Sunak. (Ảnh: Reuters)

Ngày 26/3, Bộ trưởng Giáo dục Anh Robert Halfon và Bộ trưởng Lực lượng vũ trang James Heappey đã thông báo từ chức, buộc Thủ tướng nước này Rishi Sunak phải cải tổ đội ngũ của mình. Cả hai bộ trưởng cũng sẽ từ chức nghị sĩ tại cuộc tổng tuyển cử tiếp theo, dự kiến diễn ra trước tháng 1/2025.

Thông báo của Chính phủ Anh cho biết, nước này đã bổ nhiệm nhân sự thay thế gồm nghị sĩ Leo Docherty làm Bộ trưởng Lực lượng vũ trang và nghị sĩ Luke Hall làm Bộ trưởng giáo dục.

Ông Heappey, nghị sĩ đại diện cho xứ Wells ở Somerset từ năm 2015, đã tuyên bố ý định từ chức nghị sĩ và từ chức bộ trưởng vào đầu tháng này. Ông Heappey cũng bảo đảm với ông Sunak về "cam kết đầy đủ" của ông cho đến khi Quốc hội khóa này kết thúc.

Dư luận cho rằng, lý do từ chức của cựu quân nhân là ông không hài lòng với mức chi tiêu quân sự của Chính phủ trong gói ngân sách mùa xuân và đã đưa ra lời kêu gọi khẩn cấp để Anh đạt mục tiêu chi tiêu quốc phòng chiếm 2,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Bên cạnh đó, ông cũng được cho là không hài lòng vì đã bị tuột mất chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng vào tay Grant Shapps trong cuộc cải tổ Nội các vào năm ngoái.

Trong khi đó, ông Halfon, với tư cách là Bộ trưởng Giáo dục, chịu trách nhiệm về việc học nghề và kỹ năng, là nghị sĩ Đảng Bảo thủ của khu vực Harlow kể từ năm 2010. Ông từng giữ Phó Chủ tịch đảng Bảo thủ khi ông David Cameron còn là Thủ tướng và là cựu Chủ tịch Ủy ban giáo dục Hạ viện.

Việc hai bộ trưởng từ chức là diễn biến mới nhất trong xu hướng rút lui của các chính trị gia đảng Bảo thủ cầm quyền khi đảng này có nguy cơ thất bại lớn trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới.

Trong số 98 nghị sĩ tuyên bố sẽ không tham gia cuộc bầu cử tiếp theo, hầu hết nghị sĩ là thành viên đảng Bảo thủ. Một số người, như Theresa May và Dominic Raab, là những chính khách kỳ cựu trong khi những người khác, như Dehenna Davison và Nicola Richards, còn khá trẻ và mới gia nhập Hạ viện.