An ninh T4, những tháng ngày không quên

Nói về An ninh T4 là nói về những chiến công "chói lọi hào quang". Nói về An ninh T4, là nói về những gì mà thế hệ hôm nay không nên, hay không thể lãng quên!

Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh thăm hỏi cựu chiến sĩ An ninh vũ trang T4, đảng viên Lê Cơ.
Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh thăm hỏi cựu chiến sĩ An ninh vũ trang T4, đảng viên Lê Cơ.

Chìa cánh tay có xăm dòng chữ "sát cộng" mà giới thuỷ quân lục chiến nguỵ ưa thích, ông Nguyễn Văn Nớp (Chín Nớp - chiến sĩ điệp báo An ninh T4) xúc động: "Tôi phải thâm nhập vào tổ chức của chúng. Phải xăm mình, phải tập hút thuốc, nhảy đầm, uống rượu... để moi tin. Rất nhiều tin anh em chúng tôi thu thập được đã giúp đồng đội bên trinh sát vũ trang đánh những trận làm kinh hoàng, bạt vía kẻ thù".

Ông Lê Việt Bình, Trưởng Ban Liên lạc Trinh sát vũ trang thuộc Ban An ninh khu Sài Gòn - Gia Định (An ninh T4) kể: Trước đây, An ninh T4 đã có các tiểu ban như: Bảo vệ chính trị, điệp báo, hậu cần, an ninh vũ trang, giao liên... Đến tháng 4-1965, An ninh T4 lập thêm một tiểu ban mới: Trinh sát võ trang. Khác với an ninh võ trang chuyên hoạt động ở vùng nông thôn và vùng ven với nhiệm vụ chống các trận càn quét, bảo vệ căn cứ, bảo vệ các lãnh đạo..., địa bàn chiến đấu của trinh sát võ trang là vùng nội đô Sài Gòn - Gia Định. Nhiệm vụ không chỉ là điều tra nghiên cứu, thu thập tình hình phục vụ tác chiến, mà chủ yếu là tiêu diệt Việt gian ác ôn của ngụy quân, ngụy quyền nhằm làm thất bại các ý đồ chiến lược của Mỹ - Thiệu, đập tan ách kìm kẹp của địch, điều kiện phát triển các phong trào đấu tranh của đồng bào đô thị (công nhân, thanh niên sinh viên, học sinh...). Trừ một bộ phận nhỏ (lãnh đạo, hậu cần...) đứng chân ở vùng giải phóng, hầu hết cán bộ, chiến sĩ trinh sát vũ trang đều vào sống và chiến đấu trong vùng địch. "Chúng tôi phải tự tạo thế hợp pháp về giấy tờ, nhà ở, thân thế và đóng nhiều vai như giáo viên, sinh viên, học sinh... đến người đạp xe xích-lô, thợ cắt tóc, bán hàng rong để hoạt động. Có người còn phải giả làm công chức, cảnh sát hay lính ngụy để có thể di chuyển trên mọi nẻo đường trong thành phố, tiếp cận các mục tiêu", ông Bình nhớ lại.

Theo ông Lê Việt Bình, tháng 11-1963, Mỹ chủ trương quân sự hóa Chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Mỹ lần lượt đưa một số tướng như Dương Văn Minh (1963-1964), Nguyễn Khánh (1964-1965), rồi Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ (từ 1965 trở đi) lên cầm quyền ở Sài Gòn. Phe dân sự và quân sự thường đấu đá khá quyết liệt vì xung đột về quyền lợi, địa vị. Nhận thấy mâu thuẫn nội bộ này có hại cho việc tiến hành chiến tranh, Mỹ cho lập Hội đồng Quân Dân nhằm hòa giải hai phe và cử Trần Văn Văn làm chủ tịch. Văn là một Việt gian khét tiếng. Dưới thời Pháp thuộc, ông ta từng làm Bộ trưởng trong Chính phủ Bảo Đại. Qua thời Mỹ, ông ta hoạt động tích cực trong khối Tự do và Tiến bộ, nhóm Phục hưng miền nam, Hội Liên trường và luôn chống lại cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc nên được Mỹ tin cậy. Thiệu - Kỳ không chấp nhận một chính khách dân sự như Trần Văn Văn ngồi bên trên phe quân sự. Đặc biệt sau khi Văn trở thành đại biểu Quốc hội lập hiến và có tin Mỹ sắp đưa Văn ra tranh cử Tổng thống, Thiệu - Kỳ càng lo sợ cho địa vị của họ.

"Trong bối cảnh đó, An ninh T4 chỉ thị cho trinh sát võ trang diệt Trần Văn Văn để loại bỏ một con bài đang được Mỹ nuôi dưỡng, đồng thời khoét sâu mâu thuẫn trong nội bộ tay sai của Mỹ. Sáng hôm đó, hai trinh sát Trần Hoàng Sinh (Sáu Sinh) và Võ Văn Em (Tám Hùng) diệt gọn Trần Văn Văn tại một ngã ba đường. Dư luận Sài Gòn bàn tán xôn xao, cho đấy là một cuộc thanh toán nội bộ", ông Bình kể tiếp: "Trước đó, hai trinh sát Lại Văn Chắc (Hai Bê) và Thái Văn Lâu đã bắn chết tên Nguyễn Chữ, một trong những người cầm đầu Bộ Tâm lý chiến của nội các Nguyễn Cao Kỳ. Y bị tiêu diệt khi vừa ra khỏi nhà riêng. Đó là hai chiến công đầu của trinh sát vũ trang, làm quần chúng càng thêm tin tưởng vào lực lượng cách mạng đang hoạt động trong nội đô".

Để mở rộng chiến đấu trong thành phố, lực lượng hậu cần và đội ngũ giao liên của An ninh T4 phải chuyển các loại vũ khí từ căn cứ vào nội thành. Sau đó, vũ khí sẽ được chia ra cất giữ ở nhiều kho bí mật. Thiếu tướng, TS Đỗ Văn Thuyết (Ban Chỉ đạo Tổng kết lịch sử - Bộ Công an) nhận định: "Lực lượng giao liên được bố trí bao gồm một mạng lưới được thiết lập hoàn chỉnh từ nội thành ra vùng căn cứ. Có khi họ dùng xe lam chở súng, đạn vào nội thành, bên trên chất đầy rau cải. Chất nổ C4, TNT được gói trong những đòn bánh tét, súng đạn được gói kỹ và nhấn chìm trong thùng đựng hèm rượu. Ta còn sử dụng xe jeep mang biển số quân đội, cơ sở ta đóng vai đại úy ngụy, lợi dụng lúc nhá nhem để vượt qua các trạm gác. Bằng nhiều nẻo đường, nhiều loại phương tiện, anh chị em giao liên đã linh hoạt sáng tạo, nghi trang bằng nhiều kiểu, nhiều cách, đưa vũ khí vào nội thành tập kết, bảo đảm che giấu an toàn".

Bà Chín Hà (Phan Thị Ngọc Đoàn), nữ giao liên lừng danh của An ninh T4 kể: "Ban đầu, tôi giấu súng trong yên xe, đạn trong ruột xe máy rồi chạy vào nội thành. Có khi tôi gói súng K59 trong đòn bánh tét hoặc tháo rời, nhét vào giỏ bánh mì. Mỗi khi đi qua đồn giặc, tôi còn cho chúng ăn vài ổ bánh mì ngụy trang bên trên giỏ. Hơn 20 năm làm giao liên, tôi đã vào nhiều "vai diễn" song chưa bao giờ bị lộ". Từ nguồn vũ khí quý giá ấy, trinh sát vũ trang đã đánh nhiều trận để đời như: tiêu diệt thiếu tá Lan (Tổng nha Cảnh sát quốc gia), đại úy Hòa (Trưởng Chi khu Cảnh sát quận 8)... "Có trận chúng tôi diệt cùng lúc nhiều tên địch như trận đánh quán Thanh Hải, quán Nghệ Sĩ là nơi địch tụ tập ăn chơi. Hai trận này tôi cùng út Cạn (trinh sát Nguyễn Văn Cạn) dùng súng và lựu đạn" - ông Nguyễn Văn Nớp bồi hồi như chuyện vừa diễn ra.

Trong trận Tết Mậu Thân, Biệt động Sài Gòn bị tổn thất nghiêm trọng. Địch thừa cơ huênh hoang tuyên bố: "Việt Cộng đã bị đánh bật ra khỏi thành phố, phải rút lui tới tận biên giới với Cam-pu-chia". Để đập tan luận điệu tuyên truyền đó, Ban An ninh T4 chỉ thị Trinh sát võ trang đẩy mạnh các hoạt động diệt địch trong nội đô. Theo tài liệu lưu trữ tại Công an TP Hồ Chí Minh, ngày 1-2-1969, tổ trinh sát gồm Lê Việt Bình (Hai Đường), Nguyễn Văn Cạn (út Cạn), Trần Hoàng Sinh (Sáu Sinh), Đặng Văn Thôn (Mười Thôn), Võ Anh Đồng do Phó Chỉ huy Trinh sát võ trang Nguyễn Văn Lệnh (Tư Hổ) trực tiếp chỉ đạo, đã dùng hai trái mìn tự chế (mỗi trái chứa khoảng 1,5 kg chất nổ C4) ném vào xe của tướng Nguyễn Văn Kiểm, Tham mưu trưởng Biệt bộ Phủ Tổng thống. Giọng hào sảng, tự hào, ông Hai Đường nói: "Khi đó Kiểm đang dừng lại trước đèn đỏ ở ngã tư Bà Huyện Thanh Quan - Phan Thanh Giản (nay là Điện Biên Phủ). Mìn làm hắn bị thương rất nặng, đám cận vệ của Kiểm trở tay không kịp, tổ chúng tôi rút lui an toàn".

Theo lời ông Hai Đường, hơn một tháng sau, cũng tổ trinh sát võ trang nói trên (có tăng cường nữ trinh sát Hà Thị Tợn) nhận nhiệm vụ diệt Trần Văn Hương, Thủ tướng ngụy quyền Sài Gòn. Hương là người chống phá cách mạng kịch liệt, từng làm Thủ tướng hai lần (1964-1965 và 1968-1969), sau đó làm Phó Tổng thống (1971-1975) rồi Tổng thống (tháng 4-1975). Chính Trung ương Cục miền Nam chỉ thị cho Ban An ninh T4 thực hiện nhiệm vụ này. Nhận lệnh, hai trinh sát Ba Hiệp (Nguyễn Công Tâm) và Tư Hổ (Nguyễn Văn Lệnh, là chỉ huy trưởng và chỉ huy phó trinh sát võ trang An ninh T4) đích thân lên phương án chiến đấu: khi xe chở Hương chạy đến ngã ba Nguyễn Du - Cường Để (nay là Đinh Tiên Hoàng), Hai Đường (đóng vai người chạy xích-lô) sẽ đẩy chiếc xích-lô ra đường, cho nổ trái mìn định hướng (chứa 25 kg chất nổ C4) đặt trong nệm tựa lưng của xe xích-lô. Trong khi đó Sáu Sinh và Chín Tợn cho nổ hai quả mìn trọng lượng 2 kg ở hai vị trí khác nhau nhằm đánh lạc hướng và phân tán địch, còn Út Cạn dùng súng Colt 45 bắn yểm trợ cho Hai Đường rút lui.

Thực hiện kế hoạch, trong ba ngày 2, 3 và 4-3-1969, ta triển khai lực lượng, sẵn sàng chiến đấu, nhưng xe của Hương không đi qua trận địa. Ngày 5-3, xe của Hương xuất hiện, ta đánh theo phương án đã định, nhưng rất tiếc cả ba quả mìn đều không nổ. Trận đánh không thành, nhiều trinh sát bị bắt. Tòa án địch đưa ra những bản án nặng nề: Võ Văn Em bị kết án tử hình, Lê Việt Bình và Nguyễn Văn Cạn bị kết án chung thân khổ sai, tất cả đều bị đày ra Côn Đảo. Trong tù, ông Nguyễn Văn Nớp tiếp tục đấu tranh với địch bất chấp sự đày đọa khủng bố tàn bạo nơi "địa ngục trần gian". "Chống chào cờ địch và hô khẩu hiệu phản động, chống đổi tù qua biệt giam..., chúng tôi bị chúng bắn đạn cay vào phòng giam. Khói đen mù mịt, không còn trông thấy rõ nhau nữa. Không gian một màu mờ đục, ai cũng bị ngạt, mắt thì cay xé vì khói và hơi cay nồng nặc khắp phòng. Rất nhiều người nôn mửa. Thấy đồng chí Trần Văn Hiếu nằm bất động, tôi nhai vi-ta-min C giấu sẵn trong lưng quần và mớm vào miệng thổi lỗ mũi cho nuốt, một chút xíu thì tỉnh lại. Sau khi được trao trả, chúng tôi tiếp tục về Sài Gòn chiến đấu và tôi tiếp tục làm công an cho đến tuổi hưu".

Nói về những ngày tháng không quên của An ninh T4, không chỉ có những chiến công "chói lọi hào quang". Trong những ngày tháng 7-2015, chúng tôi tìm gặp lão đồng chí Lê Cơ, người ba lần được kết nạp Đảng, hai lần bị đày ra Côn Đảo, cựu chiến sĩ An ninh T4 vẫn đang sinh sống nghèo nàn trong căn nhà thuê ở xã Hòa Phú, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh. Với đồng lương thương binh ít ỏi, ông Lê Cơ dành một phần để trả tiền thuê nhà, một phần mua thuốc trị bệnh cho người nghèo còn bản thân chỉ ăn cơm chay ở ngôi chùa gần chỗ trọ. Năm 1975, cùng với lực lượng An ninh T4 đánh vào nội đô Sài Gòn, chính ông là người nã phát B40 vào Đồn Cảnh sát quận Tân Phú, sau đó cùng đồng đội chiếm giữ và tiếp quản địa điểm này để bàn giao cho Ban Quân quản. Thế nhưng bi kịch thay, người vợ của ông đã không giữ được lòng trong những ngày ông cầm súng chiến đấu để rồi hôm nay, lão đồng chí 57 năm tuổi Đảng vẫn cô đơn, quạnh quẽ trong túp nhà thuê, lấy việc từ thiện làm niềm vui.

Bởi thế, nói về An ninh T4, còn là nói về những khoảng lặng, những con người, sự việc anh hùng còn khuất lấp, ít người biết đến; những gì mà thế hệ hôm nay không nên, và không được lãng quên!

"... Bước vào thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định quyết định đổi tên "Công an đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn" thành "An ninh T4"... Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, An ninh T4 đã phối hợp vận động nhân dân nổi dậy; phối hợp bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và du kích tiến công, chiếm lĩnh hàng trăm trụ sở cảnh sát ngụy, góp phần đập tan bộ máy kìm kẹp của Mỹ - ngụy, giải phóng thành phố. Lực lượng điệp báo của An ninh T4 đã tiếp cận Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh, tác động sĩ quan, binh lính ngụy "án binh bất động", bảo quản hồ sơ, tài liệu; kết hợp với các tổ quân báo tổ chức các đường dây giao liên dẫn đường năm mũi tiến công vào Sài Gòn... Sau ngày giải phóng, lực lượng An ninh T4 được đổi tên thành "Công an TP Hồ Chí Minh". Cán bộ, chiến sĩ công an thành phố vừa tiếp quản, vừa truy quét bọn tàn quân, ác ôn; phát hiện, vô hiệu hóa hàng nghìn đối tượng gián điệp, bắt hàng nghìn đối tượng của các "khung sư đoàn" tổ chức phản động... triệt phá hàng nghìn băng, nhóm tội phạm các loại, bắt giữ gần 20 nghìn đối tượng phạm pháp hình sự,... Những tấm gương "Vì nước quên thân, vì dân phục vụ" của cán bộ, chiến sĩ công an thành phố mãi mãi khắc sâu trong ký ức, tình cảm của cán bộ, nhân dân TP Hồ Chí Minh nói riêng, đồng bào cả nước nói chung...".

Đại tướng, GS, TS Trần Đại Quang

Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an