Ấm nồng nghĩa Đảng, tình dân

NDO - Ghi chép của phóng viên Báo Nhân Dân  Thăm và làm việc với Ðảng bộ tỉnh Yên Bái, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành nhiều thời gian tìm hiểu về cuộc sống của đồng bào vùng cao nơi còn nhiều khó khăn; về quản lý khai thác, chế biến khoáng sản; tình hình sắp xếp và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất nông, lâm nghiệp. Tổng Bí thư nhắc nhở các cấp ủy đảng trong tỉnh phải làm thật tốt công tác xây dựng Ðảng, nhất là thực hiện quyết liệt hơn Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI), để không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Ðảng.

Ðường lên huyện vùng cao Trạm Tấu quanh co, hun hút. Càng lên cao, cái rét như càng chích sâu hơn vào thịt da. Trước cổng trụ sở làm việc của xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu, đồng bào Mông trong các bộ trang phục truyền thống đẹp nhất đã xếp hàng, chào đón người lãnh đạo cao nhất của Ðảng.

 Vẫn cách làm việc quen thuộc, Tổng Bí thư nghe ngắn gọn các báo cáo của xã, huyện để dành thời gian trò chuyện với bà con. Ðồng chí rất vui được đến với đồng bào; rất mừng vì xã Trạm Tấu, nơi có 97,6% đồng bào người Mông cũng như huyện Trạm Tấu thuộc diện đặc biệt khó khăn, có 93,7% người Mông và Thái đã đoàn kết, nỗ lực vươn lên với nhiều cách nghĩ, cách làm mới, sáng tạo.

 Những câu chuyện đồng bào san sẻ, giúp nhau đất sản xuất đã trở thành chủ đề thu hút buổi làm việc của Tổng Bí thư. Tiếng là vùng cao đất rộng, người thưa, nhưng với xã cũng như huyện, đất sản xuất nông nghiệp chỉ có 8%, còn hơn 80% là đất rừng, nhiều hộ không có đất sản xuất. Ðể điều chỉnh lại đất đai, Huyện ủy chọn hai xã làm điểm trong đó có Trạm Tấu. Quả thật, đây là một cuộc cách mạng không hề đơn giản và phải hai năm sau mới triển khai ra cả huyện - Bí thư Huyện ủy Vũ Quỳnh Khánh báo cáo với Tổng Bí thư như vậy. Cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể đến từng gia đình có nhiều đất sản xuất tuyên truyền, vận động, thuyết phục, khơi dậy tình làng, nghĩa xóm, để các hộ tự nguyện giúp nhau có đất sản xuất. Kết quả là xã Trạm Tấu có 63 hộ giúp 84 hộ hơn 40 ha; huyện có 279 hộ giúp 338 hộ 155,7 ha đất sản xuất. Giờ đây hộ nào cũng có đất sản xuất là nhờ thế.

 Tổng Bí thư hỏi Giàng A Do, thôn Táu Dưới: Gia đình anh có bao nhiêu đất sản xuất? Thưa Tổng Bí thư, có hai nghìn m2, mỗi vụ làm được 15 bao thóc ạ; gia đình còn có sáu con bò, ba con trâu. Các cháu đi học trường bán trú có cơm ăn tại trường. Còn chị Giàng Thị Dua thôn km 17 thưa với Tổng Bí thư, nhà có ba nghìn m2 đất sản xuất, lại nuôi hai con bò, một con trâu, nên cũng đủ ăn. Hai cháu học trường bán trú đều có cơm nhà trường nuôi, nhờ phong trào "kho thóc khuyến học".

 Thêm một cách làm sáng tạo mới. Huyện còn tới hơn 70% số hộ nghèo, cho nên nhiều gia đình không cho con đi học. Thiếu cái gì cũng khổ, nhưng để con em mình thiếu chữ là nỗi khổ lớn nhất. Vì thế, chủ trương xây dựng "kho thóc khuyến học" của Huyện ủy nhanh chóng lan tỏa đến từng hộ gia đình. Cán bộ, công chức quyên góp mỗi người ít nhất 30 kg thóc; các hộ gia đình thì mười kg hay bao nhiêu là tùy tâm và hoàn cảnh. Khi tháp tùng Tổng Bí thư đến thăm, tặng quà các cháu tại Trường bán trú tiểu học và trung học cơ sở Trạm Tấu, thấy gương mặt các em rạng ngời, cơ ngơi khang trang, ai cũng tin rằng, ở huyện vùng cao còn nhiều khó khăn, nhiều cái thiếu, nhưng tinh thần vì tương lai con em bao giờ cũng đầy ắp.

 Vì điều kiện tự nhiên mà kinh tế chưa phát triển, thu nhập bình quân mới đạt hơn sáu triệu đồng/người/năm, nhưng có đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm, tâm huyết việc Ðảng, việc dân, cho nên Trạm Tấu có nhiều phong trào tốt, kinh nghiệm hay trong vận động đồng bào thực hiện nếp sống mới. Bí thư Ðảng ủy xã Trạm Tấu Giàng A Hành báo cáo với Tổng Bí thư, Tết Nguyên đán 2013 năm nay là Tết đầu tiên đồng bào Mông xã Trạm Tấu cũng như cả huyện sẽ ăn chung cái Tết với dân tộc. Trước đây, đồng bào thường ăn Tết từ cuối tháng 11 sang tháng 12 Âm lịch, như thế vừa tốn kém, vừa ảnh hưởng đến nhiều hoạt động của địa phương. Ðược chọn làm điểm, Ðảng ủy xã có kế hoạch rất sớm, các chi bộ, đoàn thể cùng vào cuộc kiên trì vận động đồng bào ăn Tết chung của cả dân tộc cho vui hơn, để con em không phải nghỉ học nhiều ngày, để mọi hoạt động từ thôn đến xã, huyện không bị ảnh hưởng; gia đình nào cũng có lợi. Ðây thật sự là một cuộc cách mạng tư tưởng đối với người Mông ở Trạm Tấu. Bí thư Ðảng ủy xã Giàng A Hành bộc bạch, người Mông, người Thái và đồng bào các dân tộc khác nơi vùng cao này luôn tin theo Ðảng; Ðảng nói dân tin; MTTQ vận động, thì dân ủng hộ; chính quyền tổ chức thực hiện thì dân tích cực vào cuộc. Dù cuộc sống có khó khăn đến mấy, nghĩa Ðảng, tình dân vẫn nồng ấm, trước sau như một.

 Mừng vì những đổi thay của đồng bào các dân tộc nơi vùng cao Trạm Tấu. Song vẫn còn đó nhiều khó khăn mà đồng chí Tổng Bí thư trăn trở, đặt câu hỏi mong cấp ủy, chính quyền địa phương cùng các cấp, các ngành quan tâm giúp đồng bào vượt qua. Vì sao tỷ lệ hộ nghèo còn cao ? Do đất sản xuất ít là một phần, nhưng cái chính là cách sản xuất còn lạc hậu, năng suất thấp, lại chi tiêu chưa có kế hoạch,... Việc đầu tư cho đồng bào vùng cao mới chú ý nhiều đến kết cấu hạ tầng, cần đầu tư mạnh cho phát triển sản xuất, đẩy mạnh công tác khuyến nông, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, làm thế nào để đem được tiền từ đất rừng về; phải đầu tư mạnh cho đào tạo nguồn nhân lực, dạy nghề, giải quyết việc làm, giúp đồng bào biết sản xuất, làm ra tiền, nhưng cũng phải biết chi tiêu tiền hợp lý.

 Tổng Bí thư hoan nghênh xã và huyện Trạm Tấu có nhiều mô hình hay, cần nhân rộng. Vốn nhà nước, các nguồn lực khác hỗ trợ, cơ bản là tự mình phải vươn lên bằng nghị lực, bằng cách tìm tòi sáng tạo, không cam chịu đói nghèo. Ðể khai thác thế mạnh đất rừng, trước hết phải biết chăm lo phát triển nguồn nhân lực. Tổng Bí thư day dứt vì tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhất là trong đồng bào Mông và mong địa phương phải làm thế nào để hạ được tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo một cách bền vững. Muốn thế phải tổ chức lại sản xuất, chịu khó sản xuất, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, ít uống rượu. Tổng Bí thư đề nghị cấp ủy, chính quyền trước mắt lo Tết Nguyên đán thật chu đáo cho đồng bào, nhất là với đồng bào Mông, lần đầu ăn chung Tết với cả dân tộc; chăm lo các gia đình chính sách. Trong khó khăn mọi người cùng thương yêu nhau.

 Ðến với đồng bào, Tổng Bí thư luôn lo lắng trăn trở vì cuộc sống của từng người dân. Vào thăm vườn cam của ông Nguyễn Văn Thống ở tổ 8, thị trấn Nông trường Trần Phú, huyện Văn Chấn, Tổng Bí thư xem từng gốc cam, hỏi chủ nhà tỉ mỉ về khó khăn, thuận lợi trong làm kinh tế trang trại; về giá cụ thể từng loại cam và thu nhập hằng năm của gia đình. Khi làm việc với đội ngũ cán bộ chủ chốt của tỉnh, đồng chí tập trung vào những vấn đề lớn, như việc tổ chức thực hiện Nghị quyết Ðại hội XI của Ðảng; việc quản lý, khai thác, chế biến khoáng sản; tình hình sắp xếp và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp sản xuất nông, lâm nghiệp.

 Theo Tổng Bí thư muốn lo được cho dân, mấu chốt là vấn đề cán bộ. Vì thế khi làm việc với xã, huyện và tỉnh, Tổng Bí thư luôn nhắc nhở phải làm thật tốt công tác xây dựng Ðảng, bởi đây thực chất là công tác về con người. Các tổ chức đảng cần thực hiện nghiêm tự phê bình và phê bình; đồng thời chú trọng nêu gương người tốt, việc tốt, nhân rộng các điển hình tiên tiến để lấy cái tốt đẩy lùi cái xấu. Tổng Bí thư nhấn mạnh các cấp ủy, cán bộ các cấp cần nắm chắc tư tưởng chỉ đạo của Trung ương, nhất là những điểm mới trong Nghị quyết Ðại hội XI của Ðảng, như cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; tập trung vào ba khâu đột phá chiến lược; tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước; giải quyết hài hòa giữa phát triển nhanh với phát triển bền vững; khắc phục tình trạng đầu tư tràn lan kém hiệu quả, chuyển từ phát triển chiểu rộng sang phát triển theo chiều sâu, bền vững,... Ghi nhận và đánh giá cao những kết quả Ðảng bộ tỉnh Yên Bái đạt được từ sau Nghị quyết Ðại hội XI của Ðảng đến nay, Tổng Bí thư cũng chỉ rõ những hạn chế, yếu kém, như chưa khai thác hết tiềm năng thế mạnh; nguồn nhân lực, trình độ khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý còn hạn chế. Tổng Bí thư mong muốn Ðảng bộ Yên Bái xác định đúng thế mạnh, sản phẩm chủ lực của tỉnh; phát triển nguồn nhân lực phải phù hợp điều kiện, đặc điểm của Yên Bái. Trong xác định cơ cấu kinh tế cần thấy hết thế mạnh là kinh tế rừng. Cần có chương trình cụ thể về xóa nghèo, nhất là đối với đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn, cần giúp đồng bào đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, gắn phát triển sản xuất với tiêu thụ hàng hóa. Việc khai thác khoáng sản phải có kế hoạch, quy hoạch chặt chẽ gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.

 Về công tác xây dựng Ðảng, Tổng Bí thư đề nghị Tỉnh ủy cần có chương trình, nghị quyết chỉ đạo thực hiện các việc mà qua kiểm điểm tự phê bình và phê bình đã chỉ ra, không được buông lơi, cải tiến nâng cao chất lượng nền nếp sinh hoạt Ðảng và thực hiện đồng bộ cả bốn nhóm giải pháp mà nghị quyết đã nêu, làm kiên trì, lâu dài và tạo chuyển biến thật sự.