Ai Cập nằm trong số nhiều thị trường mới nổi đang phải đối mặt những thách thức làm gia tăng áp lực đối với các tài khoản tài chính và ngoại thương. Những trở ngại toàn cầu này đã dẫn đến việc giá cả ở Ai Cập tăng cao hơn và gây áp lực lên ngân sách. Cuộc xung đột tại Ukraine cũng khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài rút khỏi Ai Cập một cách đột ngột, với hơn 20 tỷ USD chảy ra khỏi thị trường. Cuộc xung đột cũng khiến giá lúa mì leo thang, tác động tiêu cực đến Ai Cập, một trong những nước nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, đồng thời gây áp lực lên nguồn dự trữ ngoại hối của quốc gia Bắc Phi này.
Trước những diễn biến bất lợi từ bên ngoài, sau khi phục hồi mạnh mẽ 6,6% trong tài khóa 2021-2022, tốc độ tăng trưởng của Ai Cập được dự báo sẽ giảm xuống 4,5% trong tài khóa 2022-2023, trước khi bắt đầu nhích lên sau đó. WB nhấn mạnh, các cải cách kinh tế vĩ mô và cơ cấu mà Ai Cập thực hiện nhằm giải quyết các vấn đề kinh tế và xã hội đang hỗ trợ đất nước Bắc Phi vượt qua những khó khăn hiện nay.
Những cải cách kể từ năm 2014 nhằm giảm bớt sự mất cân bằng kinh tế vĩ mô, nâng cao hiệu suất của ngành năng lượng và huy động các nguồn vốn đầu tư đã cho phép Ai Cập cải thiện tương đối tình hình tài chính và nâng cao dự trữ ngoại hối để đối phó các cuộc khủng hoảng liên tiếp. Những cải cách thể chế quan trọng này đã được thực hiện để cải thiện môi trường kinh doanh, bao gồm cả việc tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại và kinh doanh, cũng như cấu trúc lại doanh nghiệp.
Chính phủ Ai Cập đã công bố kế hoạch bắt đầu cải cách thành phần kinh tế nhà nước trong khuôn khổ các nỗ lực thúc đẩy hoạt động của khu vực tư nhân và tạo việc làm. Bên cạnh đó, quốc gia Bắc Phi cũng đang nhân rộng các sáng kiến bảo trợ xã hội và phát triển con người nhằm cung cấp hỗ trợ có mục tiêu và bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương nhất trước những tác động của lạm phát, như chương trình hỗ trợ tiền mặt đối với 5 triệu hộ gia đình khó khăn.
Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, thỏa thuận tín dụng trị giá 3 tỷ USD mà định chế tài chính này đạt được với Ai Cập sẽ giúp kích thích tăng trưởng kinh tế do khu vực tư nhân dẫn dắt, ổn định thị trường ngoại hối và duy trì ổn định giá cả để hấp thụ các cú sốc từ bên ngoài.
Mặc dù gặp nhiều thách thức, song Ai Cập đã thu được những thành công nhất định trong nỗ lực phục hồi. Theo Trung tâm hỗ trợ quyết định và thông tin của Chính phủ Ai Cập (IDSC), nước này đã gặt hái được nhiều thành tựu phát triển trong năm 2022 khi nằm trong tốp 10 nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, theo đánh giá của IMF.
Ðất nước “Kim tự tháp” thu hút sự chú ý của thế giới trong năm 2022 với khả năng đương đầu với khủng hoảng và tăng cường thu hút đầu tư. Ai Cập là quốc gia đầu tiên ở khu vực Trung Ðông và Bắc Phi phát hành trái phiếu Samurai và tự sản xuất được máy thở với tỷ lệ nội địa hóa 100%. Ai Cập còn nằm trong số 8 quốc gia hàng đầu châu Phi về triển khai các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) trong năm 2022.
Ngoài ra, Ai Cập đứng đầu châu Phi trong năm 2022 về số dự án xây dựng khách sạn và xếp thứ 5 trên toàn cầu về tiêu chí sử dụng năng lượng dựa theo chỉ số hiệu suất biến đổi khí hậu. Quốc gia Bắc Phi này cũng đã tăng 42 bậc về chỉ số chuyển đổi số trong khu vực công (GTMI) năm 2022 của WB.
Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi (A.Xi-xi) đã kêu gọi người dân tin tưởng các giải pháp của chính phủ trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng, với gói biện pháp “thắt lưng buộc bụng”. Nhà lãnh đạo Ai Cập cũng khẳng định chính phủ rất quan tâm thúc đẩy sản xuất trong nước các sản phẩm và hàng hóa chiến lược nhằm giảm nhập khẩu từ nước ngoài và giảm bớt nhu cầu đối với đồng USD. Thu hút đầu tư nước ngoài cũng là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Ai Cập để thúc đẩy các cơ hội đầu tư, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế.