Ách tắc dự án xử lý nước thải quy mô lớn ở Thái Nguyên

Người dân thành phố Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên), các tỉnh hạ du sông Cầu như Bắc Ninh, Bắc Giang mong đợi dự án hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu trung tâm phía nam thành phố Thái Nguyên sớm được đưa vào sử dụng để góp phần khắc phục tình trạng ô nhiễm nước thải ngày càng trầm trọng. Nhưng đến nay, thời gian thực hiện đã hết mà dự án vẫn đang trong tình trạng “đắp chiếu”.
Hàng nghìn mét đường ống của dự án chưa được lắp đặt.
Hàng nghìn mét đường ống của dự án chưa được lắp đặt.

Để tránh tình trạng lãng phí kéo dài, các cơ quan có thẩm quyền cần tháo gỡ vướng mắc, khôi phục thi công, đưa dự án vào vận hành.

Dự án dang dở

Dự án hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu trung tâm phía nam thành phố Thái Nguyên được phê duyệt năm 2015, tiến độ triển khai bị chậm nên tháng 5/2021 được điều chỉnh kéo dài thời hạn hoàn thành đến hết năm 2023; tổng vốn đầu tư của dự án hơn 438,5 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA và vốn trong nước, công suất thu gom, xử lý 8.000 m3 nước thải sinh hoạt/ngày. Chủ đầu tư là Công ty Thoát nước và Phát triển hạ tầng đô thị Thái Nguyên đã thanh toán cho các nhà thầu 238,6 tỷ đồng, nhưng nhiều gói thầu, hạng mục chưa hoàn thành, thậm chí chưa được thi công và từ tháng 7/2023, các gói thầu, hạng mục dừng triển khai vì đã hết thời hạn thực hiện hợp đồng xây lắp.

Chủ tịch Công ty Thoát nước và Phát triển hạ tầng đô thị Thái Nguyên Dương Thái Sơn lý giải: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng dự án dang dở là do năng lực quản lý, thực hiện dự án của chủ đầu tư không đáp ứng yêu cầu; sự hợp tác, phối hợp giải quyết vướng mắc giữa chủ đầu tư và nhà thầu cung cấp thiết bị không tốt, nhà thầu cung cấp thiết bị không thực hiện đúng hợp đồng.

Dự án đang trong quá trình triển khai thì lãnh đạo chủ chốt của chủ đầu tư vi phạm pháp luật, vướng vòng lao lý, chuyển công tác nên thiếu người chỉ đạo, điều hành dự án. Văn bản số 341/CTCT-QLDA, ngày 16/5/2024 của Công ty Thoát nước và Phát triển hạ tầng đô thị Thái Nguyên báo cáo cấp thẩm quyền, nêu rõ: Sự điều hành, chỉ đạo của lãnh đạo chủ đầu tư tại một số công việc chưa tuân thủ pháp luật, như nghiệm thu sản phẩm, giải ngân để thanh toán chi phí khảo sát, thiết kế khi chưa bảo đảm điều kiện, chưa bảo đảm về chất lượng hồ sơ. Nghiệm thu sản phẩm hàng hóa, thiết bị, giải ngân để thanh toán chi phí cung ứng vật tư thiết bị chưa bảo đảm điều kiện giao-nhận đúng quy định (giao nhận nguyên container, không kiểm đến chi tiết).

Mặt khác, nhà thầu thiết kế và cung cấp thiết bị không hợp tác tốt với chủ đầu tư, hồ sơ thiết kế không tuân thủ thiết kế cơ sở, một số nội dung không tuân thủ hợp đồng đã ký, như đề nghị thay đổi giá gói thầu; tự ý thay đổi và cung cấp thiết bị không đúng chủng loại, xuất xứ hàng hóa; cắt bớt khối lượng nhưng vẫn yêu cầu thanh toán. Từ việc nhà thầu cung cấp vật tư, thiết bị không đúng thời gian, không đúng chủng loại (đến nay vẫn chưa đủ) dẫn đến nhiều gói thầu khác bị chậm tiến độ.

Còn nguyên nhân các hạng mục hệ thống thoát nước và các trạm bơm chưa được phê duyệt là do điều chỉnh hướng tuyến và vị trí, điều chỉnh kích thước đường ống dẫn đến thiết kế chi tiết khác với thiết kế cơ sở, có sự chênh lệch lớn về mức đầu tư so với thời điểm phê duyệt dự án dẫn đến tăng tổng mức đầu tư.

Ách tắc, lãng phí

Gói thầu số 1 về khảo sát, thiết kế, trợ giúp kỹ thuật, cung cấp và lắp đặt thiết bị của dự án do nhà thầu Sodraep (sau đổi tên là Argea) có trụ sở ở Bỉ thực hiện với giá trị hơn 252,4 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân 158,5 tỷ đồng, nhưng nhiều công việc của gói thầu chưa hoàn thành, như cung cấp thiết bị chưa đủ, sai chủng loại, xuất xứ. Gói thầu số 3 xây dựng trạm xử lý nước thải có giá trị hơn 57,3 tỷ đồng, thi công được 60% giá trị hợp đồng, giải ngân 42,6 tỷ đồng, nhưng không thể triển khai hoàn thiện vì nhà thầu gói thầu số 1 cung cấp vật tư, thiết bị không đúng chủng loại, xuất xứ và thời gian thực hiện hợp đồng đã hết.

Ông Đào Hữu Huệ, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây dựng và Thương mại Hữu Huệ, nhà thầu xây dựng trạm xử lý nước thải cho biết: “Các gói thầu của dự án đều liên quan đến nhau, như nhà thầu gói thầu số 1 cung cấp thiết bị, lắp đặt thiết bị trạm xử nước thải, nhưng nhà thầu này cung cấp thiết bị không đúng xuất xứ, cụ thể là gói thầu yêu cầu thiết bị nhập khẩu từ Bỉ hoặc châu Âu, nhưng nhà thầu lại cung cấp thiết bị sản xuất tại Việt Nam nên chủ đầu tư không nghiệm thu, không thể lắp đặt được, kéo theo chúng tôi không thể hoàn thành được gói thầu theo đúng thời gian quy định”.

Một số gói thầu, hạng mục của dự án cũng đang trong tình trạng dang dở, xây dựng xong nhưng chưa được đưa vào sử dụng, hoặc chưa triển khai dẫn đến cả dự án có quy mô lớn “đắp chiếu” từ tháng 7/2023. Ông Sơn thừa nhận: “Dự án dang dở, ngừng thi công từ nhiều tháng nay và thời gian thực hiện dự án đã kết thúc nên rất lãng phí”.

Được biết, nhà thầu Argea đề nghị thanh lý gói thầu số 1 dù nhiều nội dung chưa giải quyết xong và đề nghị ký gói thầu mới với những điều khoản không đúng với quy định của pháp luật. Qua rất nhiều lần họp bàn giải pháp, trao đổi giữa chủ đầu tư và nhà thầu gói thầu số 1, nhưng những khó khăn, vướng mắc không được giải quyết. Nhà thầu Argea đề nghị vụ việc được giải quyết bởi trọng tài của Phòng Thương mại quốc tế tại Paris (Pháp). Trong khi đó, chủ đầu tư thừa nhận không đủ năng lực pháp lý, kinh nghiệm và điều kiện tài chính để giải quyết tranh chấp.

Dư luận mong muốn, các cơ quan chức năng, các cấp có thẩm quyền cần tích cực vào cuộc xem xét thực trạng dự án, xử lý trách nhiệm của các bên, cán bộ liên quan; giải quyết những khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ ách tắc, tiếp tục triển khai các gói thầu, hạng mục dang dở, chưa thi công để sớm đưa dự án vào vận hành, tránh thất thoát, lãng phí, góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường từ nước thải tại khu trung tâm phía nam thành phố Thái Nguyên và sông Cầu.