Các đồng chí chủ trì hội thảo: Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Phạm Minh Tuấn, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật; Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Chỉ với 208 câu thơ lục bát của tác phẩm Lịch sử nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tóm tắt một cách cô đọng lịch sử dân tộc từ ngày tổ tiên dựng nước đến trước ngày khởi nghĩa Tháng Tám (khoảng hàng nghìn năm trước Công nguyên đến năm 1941).
Mở đầu tác phẩm bằng những câu thơ: “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam/Kể năm hơn bốn ngàn năm/Tổ tiên rực rỡ, anh em thuận hòa”, Người đã chọn lọc, giới thiệu những nhân vật, những sự kiện chân thực, khách quan để khôi phục chính xác bức tranh hàng nghìn năm lịch sử của dân tộc với những nét cơ bản về truyền thống yêu nước, đấu tranh giành độc lập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta.
Trân trọng lịch sử, tự hào về truyền thống giữ nước của dân tộc, bằng việc điểm lại những cuộc đấu tranh, khởi nghĩa chống quân xâm lược, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã sử dụng những từ ngữ phổ thông, dân dã, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ vào lòng người, có sức lan tỏa để ca ngợi, tri ân, vinh danh các triều đại, các vị anh hùng có tài trị quốc an dân, mở mang bờ cõi. Từ đó thôi thúc toàn dân, không kể già, trẻ, gái, trai đồng tâm đứng lên chiến đấu, sẵn sàng hy sinh vì nền độc lập, tự do của đất nước.
Đại diện lãnh đạo Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật trao sách Lịch sử nước ta tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh tại hội thảo. |
Từ những bài học quý báu của lịch sử, Người căn dặn, toàn dân ta phải coi việc xây dựng đoàn kết là trung tâm của cuộc vận động cách mạng, là điều kiện cơ bản để Đảng và nhân dân ta khôi phục lại độc lập, tự do: Dân ta xin nhớ chữ đồng/Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh!
Phần cuối tác phẩm là mục “Những năm quan trọng”, thống kê những sự kiện lớn trong lịch sử dân tộc từ năm 1879 trước công nguyên đến năm 1941. Cuối cùng là một mốc lịch sử thể hiện nhãn quan chính trị, tầm dự báo thiên tài của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc: 1945 Việt Nam độc lập.
Gần 50 bài tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, các thầy giáo, cô giáo đến từ nhiều cơ quan, đơn vị, cơ sở đào tạo và trường học trong cả nước gửi đến, trình bày tại hội thảo đã tập trung thảo luận và làm sâu sắc thêm những giá trị lý luận và thực tiễn của Tác phẩm trong kho tàng lý luận của cách mạng Việt Nam; tiếp tục khẳng định những cống hiến và đóng góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Đảng và cách mạng Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Các tham luận phân tích sâu về hoàn cảnh ra đời, nội dung và những quan điểm của Nguyễn Ái Quốc, giá trị và ý nghĩa của tác phẩm; từ Lịch sử nước ta bàn về công tác dạy và học bộ môn Lịch sử hiện nay.