Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, mùa xuân năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Người đã về sống và làm việc tại hang Pác Bó - Cao Bằng. Ý thức sâu sắc mục đích của việc học tập, nghiên cứu lịch sử để tuyên truyền, giác ngộ quần chúng, từng bước đưa họ vào cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, cuối năm 1941, Người đã viết cuốn Lịch sử nước ta. Ðây là tập diễn ca lịch sử gồm 208 câu lục bát, phần kết có 30 mốc lịch sử dân tộc quan trọng.
Tác phẩm Lịch sử nước ta do Việt Minh tuyên truyền Bộ ấn hành ra mắt lần đầu tiên giữa ngàn trùng Pác Bó tháng 2-1942, vào đúng dịp Tết Nguyên đán Nhâm Ngọ. Và Xuân Nhâm Thìn năm nay (2012), vừa tròn 70 năm ra đời tác phẩm.
Chỉ với 208 câu thơ lục bát, Nguyễn Ái Quốc đã chọn lọc, xác định giới thiệu những nhân vật, những sự kiện chân thực khách quan đủ để khôi phục chính xác bức tranh hàng nghìn năm lịch sử của dân tộc với những nét cơ bản về truyền thống yêu nước, đấu tranh giành độc lập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta. Mở đầu tác phẩm, Bác đánh giá cao vấn đề nghiên cứu lịch sử nguồn gốc dân tộc và tự hào về truyền thống tốt đẹp của tổ tiên:
"Dân ta phải biết sử ta
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam...".
Ðọc tác phẩm, chúng ta nhận thấy lịch sử dân tộc không còn là lịch sử của các triều đại với vai trò tuyệt đối của các vua chúa, mà là lịch sử của quần chúng nhân dân ở mọi lứa tuổi, mọi giới, mọi thành phần:
"Bất kỳ nam nữ, nghèo giàu
Bất kỳ già trẻ cùng nhau kết đoàn".
Quan trọng nhất là Lịch sử nước ta đã vận dụng sáng tạo quan điểm duy vật mác-xít khi bình luận, giải thích sự kiện, nhân vật, phá tan các quan điểm duy tâm, thần bí, các tư tưởng "thiên mệnh", "ngụy", "chính thống"... trong các sách sử thực dân, phong kiến...
Ôn lại lịch sử dân tộc, Lịch sử nước ta đã giúp người đọc nắm được bài học kinh nghiệm cốt tử, như Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định ở hai câu thơ kết thúc phần diễn ca của tác phẩm:
"Dân ta xin nhớ chữ đồng
Ðồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh".
Tin tưởng vào truyền thống của dân tộc và sức mạnh đoàn kết của toàn dân sẽ đưa cuộc đấu tranh đến bến bờ thắng lợi, nên kết thúc tác phẩm Nguyễn Ái Quốc đã tiên đoán một dấu mốc lịch sử quan trọng: "1945, Việt Nam độc lập".
Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh viết cuốn Lịch sử nước ta, trước hết, làm tài liệu học tập cho cán bộ trong các lớp huấn luyện ở chiến khu, đồng thời, với mục đích phổ biến rộng rãi trong nhân dân, để giáo dục và ôn lại truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm oanh liệt của dân tộc. Người khẳng định từ nam phụ lão ấu, người bình dân hay tầng lớp phú hào, quý tộc đều có lòng yêu nước nồng nàn, anh dũng chống ngoại xâm, để giành lấy độc lập cho nước nhà. Qua đó, Người động viên, khích lệ nhân dân ta phát huy truyền thống yêu nước, nâng cao lòng tự hào dân tộc và tinh thần đoàn kết đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược, giành độc lập tự do.
Cũng như chùm các bài ca viết cùng thời gian nhằm tuyên truyền, giác ngộ quần chúng, khi viết cuốn Lịch sử nước ta theo diễn ca lịch sử, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đặc biệt chú ý đến đặc điểm của một số tác phẩm diễn ca lịch sử dân tộc viết bằng chữ Nôm từ thế kỷ 17. Các tác giả của những tác phẩm đó dù mang quan điểm sử học phong kiến nhưng cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc truyền thống yêu nước của dân tộc. Quan trọng nhất là tác phẩm của họ đạt thành công lớn trong việc chuyển tải tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, có sức sống rộng rãi trong quần chúng bằng hình thức dân gian truyền miệng, lưu truyền từ đời này qua đời khác.
Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh chọn thơ ca làm phương tiện thể hiện và chuyển tải những kiến thức lịch sử cơ bản cho người dân vì thực tế đất nước ta khi đó, có hơn 90% dân số Việt Nam mù chữ và còn trong đói nghèo. Ðồng thời, Người cũng hiểu sâu sắc rằng, thơ ca rất gần gũi, quen thuộc với người dân nước Việt, nhờ đặc tính có vần, có điệu nên dễ thuộc, dễ nhớ, dễ đi sâu vào lòng người.
Nghiên cứu và hiểu rõ hoàn cảnh lịch sử Việt Nam lúc đó, càng nhận thức hết giá trị thực tiễn lớn lao của tác phẩm Lịch sử nước ta. Tác phẩm đã khéo kết hợp được hai yêu cầu khoa học và nghệ thuật dưới hình thức thơ lục bát rất quen thuộc với nhân dân ta. Lời thơ ngắn gọn, dung dị, dễ hiểu, nhưng rất súc tích, giúp người đọc ôn lại lịch sử vẻ vang của dân tộc và nhận thức đúng đắn lịch sử của đất nước. Về phương pháp viết sử, Nguyễn Ái Quốc đã chọn lọc sự kiện, tài liệu chứ không sa đà vào các chi tiết lịch sử. Quan trọng nhất là Nguyễn Ái Quốc đã chú trọng nhận định, đánh giá khái quát các sự kiện và nhân vật lịch sử tiêu biểu.
Ðể giới thiệu tác phẩm Lịch sử nước ta tới đồng bào, đồng chí, trong bài viết "Nên học sử ta", đăng trên báo Việt Nam độc lập (số 117, ngày 1-2-1942) lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nhấn mạnh mục đích nên học lịch sử dân tộc và khẳng định lịch sử nước ta dạy cho ta bài học: "lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do". Cuối bài này có ghi thêm "Vừa mới xuất bản quyển "Sử nước ta" bằng thơ. Hay lắm, giá mỗi quyển 1 hào ai muốn mua hỏi cán bộ địa phương".
Sau đó, tác phẩm trên được tái bản nhiều lần. Hiện nay, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam còn lưu được một số bản in cuốn Lịch sử nước ta xuất bản năm 1942, 1947 và 1949. Năm 1977, tác phẩm này đã được in trong cuốn Thơ ca cách mạng ở Việt Bắc của Vũ Châu Quán - Triều Ân - Hoàng Quyết (Nxb Văn hóa dân tộc). Ðến năm 1983, Lịch sử nước ta mới được chính thức in trong Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3, có nội dung đúng như văn bản do Việt Minh tuyên truyền Bộ xuất bản tháng 2-1942.
Sau tác phẩm Lịch sử nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục khai thác các đề tài lịch sử dân tộc phục vụ cho nhiệm vụ giáo dục, tuyên truyền các tầng lớp nhân dân thêm yêu mến các bậc tiền nhân, trân trọng các di sản và truyền thống dân tộc. Ðặc biệt hơn cả là vào các dịp đầu xuân, Người gửi tới đồng bào, chiến sĩ cả nước những bài thơ chúc Tết độc đáo. Nhưng Lịch sử nước ta mãi mãi là một tác phẩm giá trị cả ở góc độ sử học và văn học, có vị trí quan trọng trong kho tàng lịch sử và văn học mà Người đã để lại. Lịch sử nước ta đã in sâu vào tâm trí của nhiều đồng bào, đồng chí. 70 năm đã trôi qua kể từ lần đầu tiên tác phẩm Lịch sử nước ta được xuất bản, đến nay có những người thuộc thế hệ những năm tháng đó vẫn còn thuộc lòng toàn văn hoặc từng đoạn của tập diễn ca này. Ðây chính là bài học kinh nghiệm quý giá đối với những người làm công tác biên soạn sách giáo khoa lịch sử các cấp phổ thông hiện nay.
Xuân Nhâm Thìn này, trong bối cảnh toàn Ðảng, toàn quân và toàn dân ta đang tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", không gì thiết thực hơn đối với những người làm công tác giáo dục, giảng dạy, nhất là ở bộ môn Lịch sử, chính là học tập và làm theo phương pháp viết và dạy lịch sử của Bác Hồ. Ðó là điều hết sức quan trọng để nâng cao chất lượng dạy và học sử đối với thế hệ trẻ ngày nay.