Những tác động ngày càng tồi tệ của biến đổi khí hậu và hoạt động của núi lửa - nguyên nhân gây ra động đất và các vụ phun trào - đã cướp đi nhiều sinh mạng trên phạm vi toàn cầu. Các nhiếp ảnh gia của Reuters đã ghi lại sự tàn phá đó trong một loạt ảnh những bức ảnh môi trường đầy ấn tượng. Dưới đây là một bộ sưu tập nhỏ về những gì họ đã chứng kiến trong năm vừa qua.
1. Núi lửa phun trào trên quần đảo Canary (Tây Ban Nha)
Ít ngày trước khi năm 2021 khép lại, đợt phun trào núi lửa trên đảo La Palma thuộc quần đảo Canary (Tây Ban Nha) cuối cùng cũng kết thúc sau 3 tháng hoạt động địa chấn mạnh mẽ. Trong đợt phun trào lần này, núi lửa Cumbre Vieja đã hoạt động hơn 85 ngày, phá hủy gần 3.000 ngôi nhà và buộc hàng nghìn người phải sơ tán khẩn cấp.
2. Lũ quét ở Nepal
Ít nhất 15 người đã thiệt mạng khi lũ quét ở Nepal nhấn chìm các ngôi nhà trong bùn và nước hồi tháng 6, thời điểm bức ảnh này được chụp. Quốc gia Nam Á đã phải hứng chịu lũ lụt liên tiếp từ tháng 5 đến tháng 10, với số người thiệt mạng lên đến 60 người chỉ trong vòng 1 tháng từ 7/8 đến 7/9.
3. Cháy rừng ở California
Từ tháng 1 đến đầu tháng 12/2021, nước Mỹ ghi nhận 54.350 vụ cháy rừng khiến hơn 2,8 ha rừng bị thiêu rụi. California là một trong những bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất với khoảng 8.600 đám cháy tính đến cuối tháng 11.
4. Nạn châu chấu ở Đông Phi
Theo Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), nạn châu chấu từ lâu đã trở thành một vấn đề nhức nhối tại Đông Phi, khi mà các đàn châu chấu di cư từ vùng Sừng châu Phi đến phía nam để sinh sản. Tình trạng biến đổi khí hậu đang khiến các đàn châu chấu ngày một lớn hơn, đe dọa tới an ninh lương thực ở khu vực. Tuy nhiên, năm nay, nông dân địa phương đã chống trả, bắt các con côn trùng này và biến chúng thành thức ăn gia súc.
5. Nhà hoạt động môi trường nhí
Bé gái 4 tuổi Nina Gomes đã trở thành “Đặc vụ Xanh” trẻ tuổi nhất của Công ty Vệ sinh đô thị tại thành phố Rio de Janeiro, Brazil vì những nỗ lực thu gom rác thải trên biển của mình.
6. Sông băng tan chảy
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature hồi tháng 7, tốc độ tan chảy của các sông băng trên thế giới đã tăng gấp đôi trong 20 năm qua. Một trong những tác động của quá trình “bốc hơi” nhanh chóng này là sự hình thành các hang động băng khổng lồ. Trong ảnh là một hang động băng như thế, nằm dưới sông băng Jamtalferner gần Galtuer, Áo.
7. Voi rừng di cư
Các nhà khoa học cho biết nhiệt độ Trái đất tăng, mô hình thời tiết biến đổi và những thay đổi thảm thực vật do tác động của biến đổi khí hậu đang buộc nhiều loài phải di cư đến môi trường sống mới. Bức ảnh trên được chụp vào tháng 6, cho thấy một bộ phận của đàn voi hoang dã châu Á gồm 15 con đang nghỉ ngơi sau khi chu du hàng trăm km từ khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Tây Song Bản Nạp đến ngoại ô thành phố Côn Minh thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
8. Lũ quét ở Thổ Nhĩ Kỳ
Mùa hè năm 2021, Thổ Nhĩ Kỳ đã trải qua một số sự kiện thời tiết khắc nghiệt. Ít nhất 70 người đã thiệt mạng khi mưa lớn gây ra lũ quét vào tháng 7 và tháng 8. Hầu hết các trường hợp tử vong xảy ra ở tỉnh Kastamonu bên bờ Biển Đen. Ở những nơi khác, một số tòa nhà chung cư ở thị trấn Bozkurt bị sập khi sông Ezine vỡ bờ. Ngoài ra, 8 người đã chết và 10 nghìn ha đất bị thiêu rụi do các vụ cháy rừng gần khu nghỉ mát Marmaris.
9. Núi lửa phun trào tại Iceland
Gần 80 vụ phun trào núi lửa đã được ghi nhận trên khắp thế giới trong năm 2021 bởi Chương trình Núi lửa Toàn cầu của Viện Smithsonian (Mỹ): từ Philippines và Papua New Guinea đến Bắc Mỹ, Nam Mỹ, vùng Caribe, Nga và Châu Âu. Hồi tháng 3, Iceland đã chứng kiến một vụ phun trào lớn từ miệng núi lửa Fagradalsfjall, phía tây nam thủ đô Reykjavik. Cho đến tháng 11, dung nham từ miệng núi lửa này vẫn đang chảy ra, khiến nó trở thành đợt phun trào dài nhất tại quốc gia này trong 50 năm qua.
10. Rừng bươm bướm ở Mexico
Hằng năm, mùa thu khiến cây cối ngả vàng ở khắp các khu rừng trên thế giới. Nhưng tại Khu bảo tồn El Rosario của Mexico, cây cối thay đổi sắc màu vì hàng triệu con bướm tụ lại trên cây, biến một diện tích lớn thành thảm màu cam. Bướm Monarch vượt chặng đường 4.500 km từ Canada và Mỹ để đi trú đông trong cuộc di cư dài nhất của bất kỳ loài côn trùng nào. Hành trình này kéo dài từ tháng 8 đến tháng 11. Khu bảo tồn El Rosario cách Mexico City 100 km về phía tây bắc đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 2008.