Ý tưởng quyên góp từ các đơn hàng mua sắm online dành giải Nhất cuộc thi Sinh viên khởi nghiệp S&IP

NDO -

Ngày 27/12, vòng chung kết cuộc thi “Sinh viên với quyền sở hữu trí tuệ - S&IP” năm 2021 được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Vượt qua hơn 60 ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên đến từ 18 trường đại học ở khu vực phía nam, dự án “WeShare - Nền tảng quyên góp từ các đơn hàng mua sắm online” đã giành giải Nhất cuộc thi.

Giải Nhất cuộc thi S&IP 2021 được trao cho Dự án WeShare (Ảnh: Ban tổ chức).
Giải Nhất cuộc thi S&IP 2021 được trao cho Dự án WeShare (Ảnh: Ban tổ chức).

Với chủ đề “Từ ý tưởng đến cơ hội kinh doanh”, S&IP 2021 nhằm tìm kiếm những ý tưởng, dự án kinh doanh sáng tạo của sinh viên có khả năng đáp ứng các điều kiện bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và ươm tạo thành những doanh nghiệp phát triển bền vững.

Phát biểu khai mạc vòng chung kết, PGS.TS Nguyễn Minh Tâm, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Với vai trò là trung tâm đào tạo nghiên cứu khoa học và công nghệ hàng đầu khu vực phía nam, trong kế hoạch chiến lược phát triển của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã xác định nhiệm vụ tiếp tục hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia. Đặc biệt các hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo này phải phát triển bền vững dựa trên nền tảng tài sản trí tuệ và quyền sở hữu trí tuệ”.

Với sự hợp tác của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh và Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), từ năm 2020, cuộc thi “Sinh viên với quyền sở hữu trí tuệ - S&IP” đã được tổ chức.

Theo PGS.TS Nguyễn Minh Tâm, đây là sân chơi thường niên dành cho các nhóm, dự án khởi nghiệp, trong đó chú trọng đến vấn đề bảo vệ các tài sản trí tuệ của các dự án, tạo điều kiện, tạo tiền đề để ươm tạo thành những doanh nghiệp khởi nghiệp tiềm năng.

Ý tưởng quyên góp từ các đơn hàng mua sắm online dành giải Nhất cuộc thi Sinh viên khởi nghiệp S&IP -0
Sản phẩm từ cây lục lạc lá ổi dài trong dự án “Trà giải lo âu Assamica”. (Ảnh: Ban tổ chức). 

Tại vòng chung kết, 5 nhóm dự án xuất sắc nhất tranh tài bao gồm: Dự án “Nông sản OCOP”, dự án “WeShare - Nền tảng quyên góp từ các đơn hàng mua sắm online”, dự án “Thiết bị thu hồi điện từ bước chân”, dự án “Gcollectors” và dự án “Trà giải lo âu Assamica”.

Kết quả chung cuộc, dự án “WeShare - Nền tảng quyên góp từ các đơn hàng mua sắm online” của nhóm sinh viên đến từ Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh gồm Trương Quốc Đạt (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên), Nguyễn Lê Phương Uyên (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn), Phạm Minh Thảo (Trường Đại học Quốc tế) và Trần Lê Diệp Anh (Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh) đã giành giải Nhất.

Điểm khác biệt mà WeShare triển khai so với những hình thức quyên góp thông thường chính là ở hình thức quyên góp. Nếu như bình thường, mọi người thường phải quyên góp bằng tiền mặt, chuyển khoản qua ngân hàng, và tiện lợi hơn là quyên góp qua các phương tiện ví điện tử. Còn với WeShare, đại diện của dự án cho biết, với những người mua hàng trực tuyến tại các trang mua sắm như Shopee, Tiki, Lazada, người dùng sẽ được hoàn một số tiền dựa trên mỗi đơn hàng và có thể dùng chính số tiền này để quyên góp. Nhờ đó, ai cũng có thể quyên góp một cách dễ dàng, thường xuyên từ các đơn hàng hằng ngày của mình chứ không phải bỏ tiền túi của mình.

Thông qua mô hình Affiliate Marketing (tiếp thị liên kết), tiền quyên góp sẽ ủng hộ cho các hoạt động vì cộng đồng với các tổ chức thiện nguyện mà WeShare là đối tác. Chính nhờ ý tưởng sáng tạo, nhân văn và khả thi khi đã bước đầu triển khai trong thực tế, dự án đã chinh phục được hội đồng giám khảo của S&IP 2021.

Ban tổ chức S&IP 2021 còn trao giải Nhì cho đội thi với dự án “Trà giải lo âu Assamica”, giải Ba cho dự án “Gcollectors” và 2 giải Khuyến khích cho dự án “Nông sản OCOP” và “Thiết bị thu hồi điện từ bước chân”.

Ngoài giải thưởng được trao trong vòng chung kết, các dự án đoạt giải sau cuộc thi còn được nhận các gói hỗ trợ như Gói hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của Trung tâm Sở hữu trí tuệ và Chuyển giao công nghệ (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) trị giá 20 triệu đồng/dự án; Gói hỗ trợ ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp của Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh trị giá 100 triệu đồng/dự án/năm; Gói hỗ trợ Amazon Web Services (AWS) trị giá 2.000USD/dự án/năm và Gói tư vấn khởi nghiệp tại thị trường Nhật Bản.

Phát biểu tại chương trình chung kết, ông Trần Lê Hồng (Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ) nhấn mạnh, trong bối cảnh hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, các tài sản trí tuệ đã và đang trở thành bệ phóng cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, việc nâng cao hiệu quả bảo hộ và khai thác quyền sở hữu trí tuệ ngày càng trở nên quan trọng hơn với các doanh nghiệp nói riêng và với việc phát triển kinh tế nói chung.

“Cục Sở hữu trí tuệ luôn đồng hành cùng các tổ chức, cá nhân thúc đẩy việc triển khai sở hữu trí tuệ trên tất cả các nội dung, từ tạo lập, bảo hộ, khai thác đến bảo vệ tài sản trí tuệ. Trong đó các hoạt động tuyên truyền, phổ biến và đào tạo về sở hữu trí tuệ có vai trò rất quan trọng”, ông Hồng cho biết.

Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ cũng khẳng định, đơn vị này sẽ hỗ trợ các bạn sinh viên cũng như Trung tâm Sở hữu trí tuệ và Chuyển giao công nghệ để các thí sinh dự thi có được quyền sở hữu trí tuệ của mình nếu đáp ứng được các điều kiện bảo hộ theo quy định để triển khai thành công dự án. Đồng thời, ông cũng bày tỏ kỳ vọng cuộc thi S&IP sẽ trở thành một sân chơi lớn cho hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo của sinh viên ở phía nam.

S&IP là cuộc thi thường niên do Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh và Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chỉ đạo, giao cho Trung tâm Sở hữu Trí tuệ và Chuyển giao Công nghệ (IPTC) Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh phối hợp Khu công nghệ phần mềm (ITP) Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức.

Cuộc thi năm nay có hơn 60 dự án tham gia, chủ yếu từ các nhóm sinh viên đến từ 18 trường đại học ở khu vực phía nam (tính từ Đà Nẵng trở vào) và đồng bằng sông Cửu Long gửi tham dự.