Y Phôn Ksor - người “hát dưới mặt trời”

Thuở nhỏ, nhà Y Phôn Ksor có cả thảy bốn dàn chiêng, trong đó dàn quý nhất có thể đổi được hẳn một con voi. Mẹ anh là nghệ nhân thổi đing puốt (sáo lúa) rất hay trong buôn Sek (huyện Yea Haleo, tỉnh Đác Lắc), còn bố là tay tông k'nah (chơi chiêng) có tiếng trong vùng, ở cả hai huyện Krông púc và Yea Haleo, đặc biệt là khả năng thẩm âm cồng chiêng tài tình.

Lên bảy tuổi, Y Phôn đã chơi đàn goong (tre) sáu dây thuần thục. Lên tám tuổi được tiếp xúc cồng chiêng và năm 11 tuổi bắt đầu theo cha biểu diễn cùng dàn cồng chiêng của buôn, khắp trong vùng. Năm 1983, chàng trai Ê đê tài hoa theo học khoa Thanh nhạc, Trường Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh Đác Lắc, là học trò của nghệ sĩ Linh Nga Niêk đăm. Tốt nghiệp, anh về làm cán bộ Phòng Văn hóa-thông tin huyện nhà, sống một thời gian trầm lặng cùng nương rẫy, ruộng vườn. Năm 1992, tham dự trại sáng tác âm nhạc khu vực Tây Nguyên, Y Phôn sáng tác ca khúc Chim phí bay về cội nguồn, tác phẩm đầu tay được đông đảo giới yêu nhạc chú ý có ca từ mộc mạc và âm hưởng vừa phóng khoáng, vừa thiết tha: Chim phí bay ngang qua, ngang qua bầu trời/ Chim jông bay về cội nguồn/ Bay từ vầng trăng soi/ Vẫn bay về cội nguồn... Thể hiện ca khúc này, ca sĩ Y Jak Arun đã đoạt huy chương bạc Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 1993. Năm 1997, tác phẩm được Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao tặng giải khuyến khích.

Năm 1993, Y Phôn về Đoàn Ca múa dân tộc Đác Lắc, vừa tham gia biểu diễn vừa sáng tác. Tác phẩm Đi tìm lời ru mặt trời được anh viết vào thời gian này, ca sĩ Y Moan biểu diễn đoạt huy chương vàng tại Liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc 1995. Năm 1999, tác phẩm được tặng thưởng giải B (không có giải A) của Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học-nghệ thuật Việt Nam.

Sáng tác cả ca khúc và khí nhạc, thế mạnh của Y Phôn vẫn là ở ca khúc. Anh chưa từng phổ thơ mà thường tự viết lời cho tác phẩm của mình, bởi một quan niệm chất phác: “Tôi sợ không hiểu hết, không diễn đạt được những ý tưởng các nhà thơ gửi gắm”.

Với Y Phôn, âm nhạc Tây Nguyên không hẳn luôn bốc lửa, khi biểu diễn phải gào thét lên như quan niệm của nhiều người, mà là sự bốc lửa từ nội tâm. Lời bài hát của anh bao giờ cũng giản dị, được chuyển tải bằng chất liệu thanh âm vừa trữ tình sâu lắng, vừa bay bổng khoáng đạt lại cồn dữ  khát vọng.

Đi tìm lời ru mặt trời là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách đó, với những ca từ đẹp giản dị và sự thay đổi tiết tấu khi nhẹ nhàng êm ái, lúc vút cao sôi nổi đem lại cho tác phẩm chất lãng du nồng lửa mê say: Tôi như con chim lạc bầy trên trời cao/ Tôi như con thú đi lang thang giữa rừng sâu/ Tôi như dòng sông khao khát lời... Hát giữa mọi người không ngại ngần/ Bài hát Nữ thần Mặt trời, Nữ thần Mặt trời của tôi...

Một số ca khúc lâu nay từng quen thuộc với khán giả yêu nhạc như Đôi chân trần, Hoang sơ kể khan, Lời của mẹ ru, Giọt mưa trắng... cùng trong dòng âm hưởng đó. Với nhạc không lời sáng tác cho dàn nhạc dân tộc, nguồn xúc cảm anh có được là từ những lắng đọng sâu xa của bao thanh âm tinh tế trong thiên nhiên, trời đất như giọt mưa rơi trên lá cỏ, tiếng chim hót thánh thót giữa rừng xanh vào buổi sớm mai trong lành... Tính tiết tấu, nhiều giai điệu của nền nhạc cồng chiêng cũng được anh chú ý khai thác để đưa vào các tác phẩm khí nhạc của mình.

Năm 2004, Y Phôn về Hà Nội học Trường Văn hóa-nghệ thuật quân đội, khoa sáng tác, với mong muốn được đào tạo một cách cơ bản, chuyên nghiệp về lĩnh vực này. “Đi một ngày đàng”, anh lại thấy vỡ ra những điều mới mẻ, khi thành thật thú nhận rằng có học mới thấy mình vẫn còn bị "nhầm", bị ảnh hưởng nhiều mầu sắc âm nhạc hiện đại. Để rồi từ đó mong muốn thiết tha được trở về với vốn âm nhạc truyền thống của dân tộc mình, dòng âm nhạc của núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ dựa trên hai chất liệu cơ bản là ayrei (giai điệu âm nhạc cộng đồng, vui nhộn) và kưt (âm điệu, tiết tấu của trường ca, kể khan).

Ba năm theo học tại thủ đô, đi về vất vả, ngoài đồng lương ít ỏi để lại cho vợ con, anh thường xuyên tham gia biểu diễn, sáng tác để có thêm tiền chi phí sinh hoạt. Vượt lên tất cả những khó khăn đời thường, trái tim người nhạc sĩ Ê đê đã bước sang tuổi 45 vẫn luôn tràn đầy niềm say mê âm nhạc với những cố gắng tìm tòi, học hỏi không ngừng. Và nữa, anh ấp ủ một dự định đẹp đẽ, rằng khi trở về sẽ tham gia giảng dạy con em đồng bào dân tộc thiểu số để góp phần tiếp tục đào tạo, phát triển đội ngũ âm nhạc còn đang rất thiếu vắng nơi mảnh đất quê hương thân yêu của mình.