Ý kiến cử tri về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội

Mong muốn Thủ đô to đẹp, đàng hoàng hơn

Bà con các dân tộc ở Tây Nguyên luôn hướng về Hà Nội với một tình cảm thiêng liêng. Nhiều người chưa một lần được đặt chân đến Hà Nội nhưng cảm thấy rất gần gũi. Ai cũng muốn được ra thăm Hà Nội, vào Lăng viếng Bác Hồ, đi thăm các phố phường, cảnh quan nổi tiếng ở Hà Nội như Hồ Gươm, Hồ Tây... Vừa qua, nghe đài, báo đưa tin Hà Nội sẽ  được mở rộng bà con ở đây rất mừng. Ðược biết Hà Nội sẽ rộng gấp ba lần bây giờ, đường phố sẽ rộng rãi, thông thoáng hơn, nhiều công trình lớn cũng được xây dựng. Với một diện tích rộng lớn như thế, Hà Nội sẽ được khoác "một tấm áo mới", vươn vai đi những bước dài, vững chãi để phát triển kinh tế, văn hóa. Chúng tôi chỉ mong rằng, khi đã mở rộng, cần có những công trình xứng tầm với một

Thủ đô mới, làm sao sớm chấm dứt cảnh xây dựng không có trật tự, nhà to, nhà nhỏ lộn xộn, nhiều nhà siêu mỏng, siêu méo mọc lên. Giao thông, đi lại cũng không còn cảnh ùn tắc.

Hà Nội phát triển, mở rộng là điều cần thiết không chỉ vì Thủ đô giờ đã như một người mặc "một tấm áo chật" mà còn tạo điều kiện cho các tỉnh lân cận phát triển hơn. Người dân  các tỉnh được sáp nhập sẽ được hưởng nhiều lợi ích. Nhưng cũng cần chú ý đến việc bảo tồn văn hóa, lối sống. Cũng giống như Tây Nguyên, Hà Tây là địa phương nhiều cảnh đẹp, lễ hội, phong tục phong phú cần được bảo vệ và phát triển. Không nên để xảy ra tình trạng khi về Hà Nội, kinh tế, đời sống tăng lên mà mất đi bản sắc văn hóa. Cuộc sống, công ăn việc làm của người nông dân cũng cần được quan tâm. Làm được điều này cũng là góp phần thiết thực để "xây dựng Thủ đô ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn" như lời Bác Hồ dạy.

Niê An (41 Buôn Ky, TP Buôn Ma Thuột, Ðác Lắc)

Quan tâm yếu tố truyền thống lịch sử và văn hóa

Việc mở rộng địa giới hành chính của Thủ đô là phù hợp xu thế phát triển hiện nay. Trên thực tế, Hà Nội đang quá tải về nhiều vấn đề: Giao thông, hạ tầng đô thị, thiếu điểm vui chơi giải trí, công viên cây xanh... Môi trường sống của người dân không được bảo đảm. Mặt khác, nhiều dự án xây dựng các khu công nghiệp, khu đô thị ở các tỉnh Hà Tây, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, đang có xu thế "bó" Hà Nội lại. Không thể kéo dài mãi tình trạng này. Vì vậy, tôi tán thành chủ trương mở rộng Thủ đô Hà Nội.

Việc xác định địa giới hành chính của một địa phương, ngoài yếu tố kinh tế - xã hội, còn có yếu tố truyền thống lịch sử và văn hóa đặc trưng của địa phương đó. Chúng tôi thấy các cơ quan chức năng đã chú ý nhiều đến yêu cầu bảo đảm nhu cầu phát triển về không gian, diện tích, những lợi thế để Thủ đô phát triển, cần quan tâm hơn yếu tố lịch sử, văn hóa. Chúng ta đang hướng tới Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Truyền thống của Thủ đô ngàn năm văn hiến, những nét đẹp về văn hóa Tràng An, trong điều kiện một Thủ đô mở rộng cần được đề cao.

Cử tri chúng tôi mong rằng việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội cần được tính toán kỹ nhằm xây dựng Thủ đô là hình ảnh tiêu biểu của đất nước.

Nguyễn Thị Hồng Thắm
(Giáo viên Trường THCS Láng Hạ, Hà Nội)

Ðể xây dựng Thủ đô xứng tầm

Tôi tán thành việc đã đến lúc cần phải mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội. Hà Nội là trái tim của cả nước và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lòng mỗi người dân Việt Nam, không những thế còn là biểu trưng của quốc gia. Chính vì thế, việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô đòi hỏi phải cân nhắc, lựa chọn qua nhiều tiêu chí và phải thật sự khoa học. Qua tiếp cận thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôi thấy phương án đề xuất chọn (phương án 1) có những ưu điểm là có không gian đủ lớn để phát triển lâu dài. Tuy nhiên, cần phải có lộ trình cụ thể trong đó đề ra cho từng giai đoạn. Như mở rộng đến đâu, để làm gì, sử dụng, quản lý, xây dựng, phát triển như thế nào cho phù hợp nhu cầu phát triển của không chỉ riêng Hà Nội mà của cả nước. Ðã mở rộng thì phải tính toán thật kỹ để xây dựng một Thủ đô xứng tầm.

KTS Thái Thành Vân
(Phường Phan Thiết, thị xã Tuyên Quang)

Thủ đô Hà Nội cần phải được mở rộng

Qua các phương tiện thông tin đại chúng và nhiều lần có dịp đến Hà Nội, chúng tôi nhận thấy, Thủ đô Hà Nội cần phải được mở rộng. Do vậy, chúng tôi tán thành với chủ trương mở rộng Thủ đô Hà Nội theo như tờ trình của Chính phủ để trong tương lai Thủ đô có điều kiện phát triển trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước.

Chúng tôi nghĩ rằng, Chính phủ cũng như các bộ, ngành liên quan cần có sự chuẩn bị kỹ về lộ trình, bước đi không chỉ trong công tác quy hoạch mà còn lo nguồn kinh phí xây dựng, đội ngũ cán bộ quản lý... Bởi vì khi mở rộng Thủ đô thì cả diện tích và dân số đều tăng lên gấp từ hai đến ba lần hiện nay.

KS HOÀNG QUỐC VIỆT
(Quận Hải Châu, TP Ðà Nẵng)

Không đô thị hóa nông thôn một cách ồ ạt

Là cử tri ở Ðất Mũi, Cà Mau, qua theo dõi chương trình và các nội dung kỳ họp Quốc hội trong những ngày qua, tôi rất đồng tình với chủ trương của Chính phủ báo cáo về việc mở rộng địa giới hành chính của Thủ đô Hà Nội trước Quốc hội. Theo tôi được biết, Hà Nội hiện tại quá chật hẹp, dân số lại đông và vài năm gần đây qua báo, đài phản ảnh có rất nhiều công trình xây dựng lộn xộn, không phù hợp, buộc phải xử lý tháo dỡ; tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng... gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân.

Do đó, tôi tin rằng việc Quốc hội bàn bạc, thảo luận mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội là cần thiết và đông đảo nhân dân chúng tôi đồng tình. Khi điều chỉnh, sáp nhập một số địa phương lân cận vào Hà Nội, gắn với quy hoạch trong quá trình xây dựng, kiến thiết dài lâu sẽ làm cho Thủ đô ta phát triển hiện đại, xứng tầm hơn, không thua kém gì các thành phố hiện đại, văn minh ở các nước trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, điều mà tôi và nhiều bà con cử tri Cà Mau quan tâm là sau khi sáp nhập một số địa phương để mở rộng Thủ đô Hà Nội trong tương lai, cần phải có lộ trình, nhất là quan tâm các vùng nông thôn. Vấn đề cốt lõi là không lấy đất nông nghiệp tràn lan, đô thị hóa nông thôn một cách ồ ạt. Ðiều quan trọng là xây dựng kết cấu hạ tầng, các công trình phúc lợi, dân sinh thiết thực và vững chắc; tập trung cải thiện, nâng cao, rút ngắn dần khoảng cách, sự chênh lệch về đời sống giữa người dân thành thị và nông thôn sau khi sáp nhập. Tôi tin rằng, nếu có cách làm bài bản, chúng ta sẽ thành công. Nhân dân cả nước rất tự hào khi Hà Nội trở thành thủ đô hiện đại, văn minh.

Lê Thắng (Khóm 1, phường 4 TP Cà Mau)

Quan tâm đời sống và việc làm của nông dân

Tôi và bà con trong xã đã nghe thông tin về việc mở rộng địa giới hành chính Hà Nội, hợp nhất tỉnh Hà Tây về Hà Nội từ nhiều tháng nay. Ða số người dân ở đây đều thấy phấn khởi và ủng hộ chủ trương này. Hà Nội bây giờ quá chật hẹp, mỗi lần có việc ra Hà Nội tôi thấy thật khổ sở vì cảnh tắc đường, bụi bặm. Giá nhà đất ở Hà Nội thì quá đắt đỏ. Tôi cảm thấy phấn khởi còn vì Hà Tây sẽ trở thành một bộ phận của Thủ đô, chắc chắn người dân Hà Tây sẽ có điều kiện làm ăn, sinh sống thuận lợi hơn. Ðược là công dân của Thủ đô ai chẳng tự hào?

Xã tôi chỉ cách TP Hà Ðông ba cây số, cách Hà Nội hơn chục cây số nhưng cuộc sống của người dân thì còn nhiều khó khăn. Hết mùa vụ, người dân trong xã lại đổ ra Hà Ðông, Hà Nội làm ăn, buôn bán nhưng thu nhập cũng chỉ khoảng một triệu đồng/tháng. Chúng tôi cũng nghe nói, nếu hợp nhất về Hà Nội sẽ có nhiều dự án xây dựng, công nghiệp, đô thị được triển khai ở Hà Tây. Mong rằng những dự án này sẽ đem lại nhiều lợi ích cho những người nông dân.

Mặt khác, chúng tôi còn băn khoăn khi Hà Tây hợp nhất về Hà Nội, sẽ có nhiều diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi phục vụ việc xây dựng nhà máy, đô thị, cuộc sống của người nông dân sẽ ra sao? Nếu sáp nhập Hà Tây về Hà Nội, mong rằng Nhà nước sẽ có những chính sách cụ thể hỗ trợ để người nông dân có cuộc sống tốt hơn. Chẳng hạn, Nhà nước nên có chính sách ưu đãi về giáo dục, đầu tư đường sá, y tế cho khu vực nông thôn ở Hà Tây. Về Hà Nội rồi mà người dân khi ốm đau vẫn phải ra tận Hà Ðông, Hà Nội để điều trị thì quả là chưa ổn. Người nông dân chúng tôi cũng mong được đào tạo nghề, vay vốn phát triển sản xuất, chuyển đổi ngành nghề khi diện tích đất nông nghiệp chuyển thành nhà máy, xí nghiệp. Chúng tôi tin rằng Nhà nước sẽ quan tâm thỏa đáng đến đời sống của bà con nông dân Hà Tây.

Mạc Ðình Phương
(Xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ, Hà Tây)

Cần công bố quy hoạch mở rộng Thủ đô

Tôi từng có thời gian sống và làm việc ở một số nước châu Âu, thấy Thủ đô của họ lớn, hiện đại, văn minh và thân thiện với môi trường, lại không có cảnh tắc đường, tắc xe. Về nước, có thời gian sống và làm việc ở Hà Nội, chúng tôi thấy Thủ đô mình quá ư chật chội, nhỏ bé, không xứng tầm là Thủ đô của một đất nước hội nhập và phát triển. Cho nên bây giờ nghe công bố Hà Nội được mở rộng địa giới hành chính, để xứng tầm Thủ đô ngàn năm văn hiến, trái tim yêu dấu của đất nước, con người Việt Nam, đáp ứng được yêu cầu phát triển, chúng tôi rất mừng và thấy đó là điều hết sức cần thiết. Vì có mở rộng địa giới như vậy, chúng ta mới có điều kiện lập quy hoạch, tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, phát triển nhanh những khu riêng biệt về hành chính của chính quyền T.Ư, thành phố khoa học hay tạo ra các mô hình đô thị vệ tinh chung quanh Thủ đô Hà Nội... Có như vậy, chúng ta vừa phát triển được một Thủ đô hiện đại vừa giữ được không gian riêng biệt, những nét cổ kính của Hà Nội xưa với các di sản kiến trúc phố cổ với không gian mặt nước, cây xanh như hiện nay...

Nhưng việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội cần phải có lộ trình thực hiện công bố quy hoạch mở rộng Hà Nội. Mở rộng theo quy hoạch đến đâu, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối đến đấy. Ðầu tư vừa sức, nhanh, gọn, quản lý tốt, tránh tình trạng một số dự án treo như hiện nay...

Nguyễn Trọng Nghĩa
(Phường Thạch Quý, TP Hà Tĩnh)

Cần cân nhắc kỹ càng

Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi được biết, trong phiên họp chiều 13-5, QH vừa được nghe tờ trình của Chính phủ về việc điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội và một số địa phương khác. Là công dân, tôi nhận thức rằng, Thủ đô luôn là trái tim của cả nước, nơi mà mọi công dân trong nước và kiều bào ở nước ngoài đều hướng về với tình cảm thân yêu và sự quan tâm lớn nhất.

Theo tờ trình mà Chính phủ đưa ra, Thủ đô Hà Nội sau khi mở rộng sẽ bao gồm toàn bộ tỉnh Hà Tây, một phần của các tỉnh Hòa Bình, Vĩnh Phúc. Lúc này quy mô Thủ đô sẽ có hơn 334 nghìn ha tự nhiên, dân số hơn 6,2 triệu người.

Thủ đô to, đẹp, văn hóa, văn minh là niềm tự hào của tất cả mọi người. Việc xây dựng, phát triển Thủ đô tương xứng với tầm vóc của quốc gia là điều cần thiết cho bất cứ quốc gia nào và đó cũng là điều rất bình thường trong sự phát triển của mỗi quốc gia. Vì vậy chúng tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương mở rộng thủ đô. Ðồng thời chúng tôi mong muốn Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan có trách nhiệm cân nhắc kỹ lưỡng, chuẩn bị về mọi mặt. Ðặc biệt, cần phải chuẩn bị đội ngũ cán bộ quản lý đủ năng lực, trình độ, thật sự tâm huyết để đáp ứng yêu cầu quản lý Thủ đô rộng lớn. Mặt khác, Thủ đô mở rộng, tỉnh Hà Tây sẽ không còn là một đơn vị hành chính. Việc sắp xếp lại đội ngũ cán bộ cũng là điều cần cân nhắc kỹ càng.

LÊ THỊ NHUNG
(Công ty VDC TP Hồ Chí Minh)

Chủ trương đúng đắn và cần có lộ trình

Là người có hơn 70 năm sống ở Hà Nội, tôi được chứng kiến những đổi thay lớn của Thủ đô. Từ một thành phố nhỏ bé, nghèo nàn, kết cấu hạ tầng thấp kém, kinh tế lạc hậu, lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề, ngày nay Hà Nội đã trở thành một trung tâm lớn về chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục... có vị thế rất quan trọng ở khu vực và đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp chung của cả nước. Hà Nội tuy chỉ chiếm 3,6% dân số và 0,3% diện tích lãnh thổ quốc gia, năm 2007 đã đóng góp khoảng  10% vào GDP của cả nước. Ðó là niềm tự hào của mỗi người dân Thủ đô. Vùng đô thị của Hà Nội cũng đã mở rộng, chín quận nội thành giờ đây có dân số gần hai triệu người. Khoảng mười năm trở lại đây, hàng chục khu đô thị mới được xây dựng, nhiều tuyến đường mới mở, tạo bộ mặt Thủ đô khang trang, bề thế. Nhưng do tốc độ phát triển nhanh, cho nên người dân Thủ đô đang phải chứng kiến sự quá tải của hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Các trường học, bệnh viện, bến xe, đường giao thông, rồi trụ sở của các cơ quan chính quyền cấp cơ sở... đều đang trong tình trạng chắp vá, không đồng bộ. Sau mỗi trận mưa, đường phố có hàng chục điểm úng ngập. Tắc đường cũng thường xuyên xảy ra.

Chủ trương mở rộng địa giới hành chính của Thủ đô Hà Nội là việc làm cần thiết, có tính chiến lược, lâu dài. Bởi lẽ, không thể để một Thủ đô phát triển chắp vá và bó hẹp mãi được. Vùng phía tây Hà Nội hiện nay có tiềm năng là đất đai rộng. Phát triển Thủ đô về phía tây tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển không gian đô thị, hệ thống giao thông với các tỉnh trong vùng. Khi địa giới hành chính được mở rộng cùng với các dự án tầm cỡ quốc gia được thực hiện thì Hà Nội sẽ có một bộ mặt mới, xứng tầm Thủ đô có dân số dự kiến mười triệu người. Mặt khác, mở rộng địa giới hành chính, sẽ giúp dãn dân khu vực bốn quận nội thành cũ là Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Ðình, Ðống Ða, giảm bớt được sức ép về giao thông, góp phần bảo tồn tốt hơn các di tích lịch sử, văn hóa, các khu phố cổ và khu phố cũ, phục vụ phát triển dịch vụ, du lịch.

Tuy nhiên, chúng tôi mong việc mở rộng địa giới hành chính của Thủ đô được thực hiện theo lộ trình phù hợp. Mở rộng Thủ đô, không chỉ là mở rộng địa giới, mà còn liên quan đời sống của hàng triệu người dân. Lộ trình cần phải tính đến các giải pháp an sinh xã hội.

Ngô Lê Nhượng
(Cán bộ hưu trí, quận Ðống Ða, Hà Nội)

Nên tham khảo ý kiến rộng rãi

Là người thường xuyên ra Hà Nội công tác, tôi cảm nhận rằng thành phố chưa tương xứng với tầm vóc của một Thủ đô, không gian nhỏ hẹp, quy hoạch xây dựng manh mún, quá tải, các công trình xây dựng làm mất đi không gian thoáng đãng của Hà Nội nghìn năm văn hiến.

Vì thế, tôi hoàn toàn tán thành với chủ trương mở rộng địa giới hành chính của Thủ đô Hà Nội, tạo ra một không gian sống, môi trường làm việc thoáng đãng, tạo nên một đô thị hiện đại, mang tầm vóc của một trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, giáo dục và xã hội của Việt Nam. Có thể nói, chủ trương mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội đặt vấn đề từ lúc này là phù hợp, bởi vì các quốc gia phát triển đã ý thức việc này từ lâu. Mặt khác, mở rộng Thủ đô Hà Nội là cơ hội tốt, là thời cơ cho các tỉnh lân cận Hà Nội thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi công cộng và đi tắt, đón đầu thành quả của quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, nhờ vậy đầu tư vốn phát triển kinh tế - xã hội một cách trọng điểm và có chiều sâu.

Theo ý kiến của tôi, dù là hết sức cần thiết, nhưng chủ trương mở rộng địa giới hành chính Hà Nội cần được tính toán kỹ lưỡng. Cần công khai bản đồ quy hoạch "Thủ đô mới" để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, nhất là các công trình nhà ở, công trình phúc lợi, rồi việc sắp xếp, tổ chức bộ máy hành chính các cấp. Một khi đã có luận cứ vững vàng thì không còn lý do gì để mà trù trừ trong việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội.

LÊ THỊ PHƯƠNG (Bưu điện TP Cần Thơ)

Cần có lộ trình cụ thể

Nhân đọc văn bản báo cáo về quá trình nghiên cứu mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội của Chính phủ trình Quốc hội theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chúng tôi thấy rằng: Việc mở rộng Thủ đô Hà Nội về mặt địa lý, không gian, vị thế là cần thiết. Sắp tiến tới cột mốc Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, chúng tôi mong muốn thấy một Hà Nội dẫu rất rộng, nhưng cũng rất sâu về văn hóa và lịch sử. Xa hơn nữa, chúng tôi mong muốn Thủ đô sẽ thông thoáng và đời sống nhân dân khấm khá hơn. Nhưng dẫu là mong muốn thì vẫn cần phải có lộ trình cụ thể để thực hiện. Cho nên, chúng tôi tán thành chủ trương của Ðảng, Nhà nước, và mong muốn có lộ trình cụ thể, hợp lý để tránh những sai lầm, vấp váp không đáng có.

Nguyễn Mạnh Hà  (Vĩnh Phúc)