Xúc tiến tiêu thụ vải thiều Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên sang Trung Quốc

NDO -

NDĐT - Sáng 27-5, tại thành phố Lào Cai, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương); UBND các tỉnh Lào Cai, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên; lãnh đạo châu Hồng Hà (Vân Nam – Trung Quốc) và hơn 100 doanh nghiệp Trung Quốc và Việt Nam đã tham dự Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều tươi, niên vụ 2016.

Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại Lào Cai, ngày 27-5-2016.
Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại Lào Cai, ngày 27-5-2016.

Tại Hội nghị, lãnh đạo các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên đã công bố về sản lượng, cam kết các tiêu chuẩn bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm đối với quả vải tươi được sản xuất tại địa phương; bảo đảm các điều kiện thuận lợi về bảo quản, vận chuyển quả vải trên địa bàn.

Theo đó, sản lượng vải thiều của tỉnh Bắc Giang - “thủ phủ” trồng vải thiều của cả nước trong năm nay là khoảng 130 nghìn tấn; trong đó vải chín sớm thu hoạch từ ngày 5 đến ngày 20-6, vải chín chính vụ thu hoạch từ ngày 21 đến 25-7. Chất lượng vải thiều năm nay cao hơn những năm trước, do tỉnh Bắc Giang đã khuyến khích, hỗ trợ người dân tích cực áp dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến, mở rộng diện tích trồng vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobanGAP; huyện Lục Ngạn được Mỹ cấp 15 mã vùng trồng vải cho hơn 200 hộ dân, với 158 ha theo tiêu chuẩn Globan GAP, có chất lượng đặc biệt; vùng vải thiều đạt tiêu chuẩn VietGAP đạt hơn 12 nghìn ha, với sản lượng khoảng 53 nghìn tấn quả tươi.

Tỉnh Hải Dương có khoảng 11 nghìn ha vải thiều, với sản lượng khoảng 50 nghìn tấn quả, trong đó có trên ba nghìn ha vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobanGAP để xuất khẩu sang thị trường Mỹ và Australia, thời gian thu hoạch từ giữa tháng 5 đến đầu tháng 7.

Theo thống kê, đánh giá của các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, tổng sản lượng vải thiều niên vụ 2016 là khoảng hơn 180 nghìn tấn, chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc (chiếm 60%) qua cửa khẩu Lào Cai và Lạng Sơn; còn lại tiêu thụ trong nước và xuất đi các nước khác một lượng nhỏ.

Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho xuất khẩu, tiêu thụ vải thiều nhanh gọn, an toàn, bảo đảm chất lượng và giá cả cao, tỉnh Lào Cai cam kết chỉ đạo các cơ quan chức năng như Hải quan, Biên phòng, Kiểm dịch thực vật, Ban Quản lý khu kinh tế, Giao thông vận tải, Công an… tăng cường tăng nhân lực và kéo dài thời gian làm việc tại cửa khẩu Kim Thành và cửa khẩu Lào Cai.

Cụ thể, sẽ tiến hành làm thủ tục thông quan sớm hơn quy định để tránh nắng nóng, làm giảm chất lượng quả vải tươi; cơ quan Kiểm dịch thực vật áp dụng chế độ kiểm dịch ngay trên xe trong khi bốc dỡ hàng tại cửa khẩu nhằm rút ngắn thời gian thông quan; cơ quan Hải quan dành lối ưu tiên cho xuất khẩu vải thiều Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên tại các cửa khẩu.

Xúc tiến tiêu thụ vải thiều Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên sang Trung Quốc ảnh 1

Các doanh nhân Trung Quốc tham dự Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại Lào Cai, ngày 27-5-2016.

Đại diện lãnh đạo chính quyền và thương nhân phía Trung Quốc đánh giá cao chất lượng vải thiều Việt Nam vì độ ngọt, thơm, mát và mẫu mã đẹp, bảo đảm an toàn thực phẩm. Tại Hà Khẩu hiện có hàng trăm thương lái, doanh nhân buôn bán vải thiều Bắc Giang, Hải Dương đưa tới các vùng sâu trong nội địa tỉnh Vân Nam, Tứ Xuyên (Trung Quốc). Chính quyền và các cơ quan chức năng huyện Hà Khẩu sẽ tăng cường cải cách, đơn giản hóa thủ tục nhập khẩu vải thiều, áp dụng cơ chế thông quan một điểm dừng, mở rộng kho bãi tập kết và bảo đảm giao thông để vận chuyển vải quả tươi của Bắc Giang, Hải Dương thuận tiện, an toàn. Vào thời gian cao điểm, phía Hà Khẩu có thể bố trí làm thêm giờ để thông quan vải thiều Bắc Giang, Hải Dương nhập khẩu.

Được biết, năm 2015, đã có hơn 25 nghìn tấn vải thiều Bắc Giang xuất khẩu sang Trung Quốc qua các cửa khẩu của tỉnh Lào Cai (chiếm 15% tổng lượng vải thiều xuất khẩu của tỉnh Bắc Giang), với giá bán hợp lý, người trồng vải có lãi để tái đầu tư và cải thiện, nâng cao đời sống.