Xử lý triệt để nạn rải đinh bằng cách nào?

Giống như một thứ bệnh dịch, nạn "đinh tặc" chỉ tạm lắng một thời gian ngắn ở nơi này, nơi khác rồi bùng phát trở lại, với những thủ đoạn ngày càng tinh vi và táo tợn hơn. Khoảng nửa tháng trở lại đây, nạn "đinh tặc" đã tái diễn ở đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Tuyến đường này có lưu lượng xe lưu thông rất lớn, mỗi ngày có đến cả trăm chiếc xe máy bị "dính" phải đinh của một số kẻ xấu cố tình rải trên đường. Không ít trường hợp đang đi tốc độ cao, bất chợt xẹp lốp, loạng choạng tay lái dẫn đến tai nạn, thậm chí gây tai nạn liên hoàn giữa những người tham gia giao thông. Những chiếc đinh tự chế có hình  chữ L, chữ Z, hình tam giác, bốn cạnh như quả cầu gai... mà khi được rải, sẽ có một mũi nhọn hướng lên trên, nếu xe nào chẳng may cán phải chắc chắn sẽ bị găm vào. Những kẻ rải đinh còn táo tợn ghi cả số điện thoại vá xe trên lan can sắt bảo vệ và bề mặt làn đường. "Nạn nhân" không còn cách nào khác là phải rút điện thoại gọi đến các số máy ghi trên đường. Những kẻ bất lương chỉ việc ung dung ngồi ở quán nước hoặc nhà dân gần đó, đợi "con mồi" gọi tới là "chặt chém" với giá vá thông thường 50 nghìn đồng, còn thay săm thậm chí 100 - 200 nghìn đồng, nếu vào lúc đêm khuya thì chỉ còn biết kêu trời với giá "cắt cổ". Hễ ai thắc mắc, to tiếng hoặc không đồng ý, ngay lập tức chúng giở giọng côn đồ hăm dọa, gọi đồng bọn đến gây sự. Ngoài ra, có một số kẻ đi xe đạp chở túi đồ nghề lượn lờ qua lại trên đường, hễ gặp nạn nhân nào là xông tới mời mọc. Thông thường, mánh khóe của chúng là tiến hành rải đinh ở làn đường dành cho xe máy vào những dịp lễ, Tết, ngày nghỉ cuối tuần, khi lưu lượng xe cộ đông đúc. Chúng thường đi hai, ba người, với đầy đủ dụng cụ sửa xe và săm lốp mới để thay.

Nạn đinh tặc không còn là chuyện mới, nhưng vẫn diễn ra nhức nhối ở nhiều nơi. Các cơ quan chức năng ra quân truy quét vài hôm, tình hình yên ổn trở lại, song chỉ một thời gian ngắn lại hoành hành dữ dội hơn. Trên tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ, có nhiều ca-mê-ra theo dõi giao thông và cả những trạm cảnh sát giao thông cơ động nhưng rõ ràng không có tác dụng nhiều. Không chỉ tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, cầu Cần Thơ mới được đưa vào sử dụng hơn một tháng nay, nhưng nạn "đinh tặc" đã xuất hiện và đang trở thành nỗi ám ảnh của những người qua lại bằng xe máy. Một số hộ dân sống gần đó cho biết, nạn rải đinh xuất hiện ở hai đường dẫn lên cầu chỉ ngay sau khi cây cầu được khánh thành ít hôm. Dọc theo cầu cũng bắt đầu xuất hiện hàng loạt tiệm sửa xe và vá vỏ xe (săm) lưu động với mức giá gấp 2 - 3 lần bình thường. Còn tuyến đường Sơn Trà - Ðiện Ngọc chạy dọc ven biển thuộc địa phận TP Ðà Nẵng, giáp ranh tỉnh Quảng Nam thời gian gần đây cũng tái xuất hiện nạn rải đinh, gây nguy cơ tai nạn giao thông rất lớn. Những kẻ rải đinh cũng "quảng cáo" vá xe lưu động bằng sơn ngay trên mặt đường, và dĩ nhiên giá cho mỗi lần vá cũng không dưới 30 nghìn đồng. Tại TP Hồ Chí Minh, xa lộ Hà Nội cũng là một điểm nóng của tệ nạn rải đinh, tồn tại dai dẳng một thời gian dài, chưa có dấu hiệu lắng giảm.

Trước tình trạng "đinh tặc", một đơn vị thanh niên thuộc quận đoàn quận 9 (TP Hồ Chí Minh), đã có sáng kiến chống "đinh tặc" bằng biện pháp vá xe lưu động, đồng thời thu gom đinh rải trên đường. Theo quy định, đội thanh niên tình nguyện vá xe chỉ lấy 10 nghìn đồng/miếng vá, cho nên đã nhận được sự ủng hộ, khuyến khích của người đi đường. Ðội có tấm bảng lớn ven đường ghi số điện thoại "nóng" 0122.668.2626. Tuy nhiên, do lực lượng mỏng, chỉ có bốn người, không phải lúc nào nạn nhân bị sập bẫy "đinh tặc" gọi đến cũng được đội giúp đỡ. Ðã vậy, đội còn hay bị các đối tượng gọi điện quấy rối, báo tin giả, thậm chí đe dọa hành hung. Mô hình này cần được rút kinh nghiệm, tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức để hoạt động thiết thực, hiệu quả hơn, nhằm nhân rộng diện ở các địa bàn thường xảy ra nạn rải đinh, góp phần xây dựng những tuyến đường an toàn, bình yên. Ngoài ra, có thể kể đến rất nhiều tấm gương của những người dân miệt mài thu gom đinh, bất chấp sự nguy hiểm, đe dọa của những kẻ rải đinh, coi đó là việc thiện nên làm để giảm bớt những tai nạn thương tâm của người đi đường do xe cán phải đinh. Những người dân bình dị đó còn bỏ công sức mai phục, phát hiện thủ đoạn và địa chỉ những kẻ rải đinh để báo chính quyền địa phương xử lý. Từ nạn rải đinh, đã xuất hiện nghề nhặt đinh, hút đinh, nhặt sắt vụn trên các tuyến quốc lộ, cao tốc, vừa là kế mưu sinh vừa hạn chế đáng kể nạn "đinh tặc".

Ðể xóa bỏ triệt để nạn rải đinh tại các tuyến đường, rất cần sự phối hợp đồng bộ và quyết liệt giữa các cấp, các ngành và chính những người tham gia giao thông. Ðồng chí Thân Văn Thanh, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia nhận định: Nạn rải đinh lộng hành tại một số "điểm nóng" có thể thấy rõ là công tác quản lý địa bàn, xã hội của chính quyền địa phương hai bên đường rất yếu. Hành vi của một nhóm người bám đường cao tốc, kiếm ăn bất lương trên sự nguy hiểm về tính mạng của người đi đường diễn ra công khai cần phải được nghiêm trị. Chỉ có xử phạt nặng mới dẹp được tệ nạn này. Trước đó, khi lực lượng chức năng ra tay dẹp trừ, đã có một vài kẻ bị bắt giữ, nhưng việc xử lý không nghiêm, không có tác dụng ngăn chặn triệt để. Những kẻ rải đinh táo tợn để lại số điện thoại, chắc chắn chính quyền địa phương có thẩm quyền không có gì quá khó khăn khi mai phục để bóc gỡ, truy quét chúng. Ngoài ra, từng nơi có thể cung cấp số điện thoại "nóng" của cơ quan chức năng có thẩm quyền để nhận được phản ánh từ phía người dân.