Việc người dân xây dựng công trình, trồng cây trái phép sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng khi triển khai dự án cao tốc bắc-nam phía đông, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự xã hội.
Công trình mọc lên sau một đêm
Từ giữa tháng 2/2022 đến nay, khi xuất hiện những thông tin về tuyến đường cao tốc bắc-nam sẽ đi qua địa bàn xã, nhiều hộ dân ở xã Phú Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) xây dựng các công trình trên đất vườn, đất trồng cây lâu năm và đất rừng sản xuất với danh nghĩa xây dựng chuồng trại để chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình.
Tuy nhiên, sự việc có những dấu hiệu bất thường khi phần lớn công trình được xây dựng mới với tiến độ rất nhanh ở các thôn dọc theo tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh đông-nơi được cho là hướng tuyến của đường cao tốc bắc-nam phía đông đi qua. Theo quan sát của phóng viên, hầu hết công trình xây dựng đều có tường bao quanh bằng gạch block và lợp mái tôn, xà gồ.
Có những công trình đã hoàn thành nhưng không tô trát và cũng có không ít công trình đang được gấp rút xây dựng với tốc độ nhanh nhất có thể. Một người dân vừa xây xong chuồng trại chăn nuôi rộng hàng trăm mét vuông ở thôn Tam Hương, xã Phú Thủy cho biết, đây là đất trồng cây lâu năm của gia đình cho nên bây giờ ông đầu tư chuồng trại chăn nuôi. Tuy nhiên, khi được hỏi, đầu tư chuồng trại quy mô như vậy thì khâu giống vật nuôi, đầu ra cho trang trại như thế nào thì người đàn ông này không trả lời.
Trước hiện tượng bất thường này, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đã tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định về sử dụng đất. Hiện, UBND xã Phú Thủy chưa nhận được bất kỳ thông tin, văn bản nào khẳng định về vị trí, hướng tuyến cụ thể tuyến đường cao tốc bắc-nam. Hiện 13 hộ dân xây dựng các công trình chuồng trại một cách cấp tốc ở Phú Thủy đều bị lập biên bản để xử lý theo quy định.
Tiếp giáp với huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, dự án đường cao tốc bắc-nam phía đông đi qua huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị được cơ quan chức năng thống nhất hướng tuyến có chiều dài 14,4 km. Trong lúc đơn vị tư vấn đang tiến hành thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng đợt 1 thì một số hộ dân và tổ chức đã cơi nới, xây dựng công trình trái phép, sử dụng đất không đúng mục đích với ý muốn được đền bù khi thực hiện dự án.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trong các rừng tràm, cao-su của hai xã Vĩnh Hà, Vĩnh Khê, huyện Vĩnh Linh mọc lên những công trình xây dựng trái phép, cả tạm bợ và xây dựng kiên cố. Bất chấp các cột mốc mà đơn vị chức năng đang triển khai cắm tạm, người dân vẫn xây các công trình lấn cả ranh giới này. Kiểm tra hiện trường, UBND xã Vĩnh Hà phát hiện 12 hộ cơi nới mở rộng diện tích chuồng trại, tường rào, xây nhà mới với diện tích hơn 1.000 m2 trên hướng tuyến đường cao tốc: Bốn hộ xây nhà, chuồng, trại trên đất nông nghiệp với diện tích khoảng 400 m2 và bảy hộ trồng cây trên phạm vi tuyến cao tốc. Xã Vĩnh Hà đã tiến hành lập biên bản đình chỉ xây dựng công trình; đồng thời tuyên truyền, vận động người dân không được vi phạm các quy định về sử dụng đất và xây dựng trên đường cao tốc bắc-nam đã được UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo thống nhất hướng tuyến.
Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn Thân Trọng Dũng cho biết, xã lập biên bản đề nghị dừng thi công ba trường hợp vi phạm hướng tuyến cao tốc, gồm một trạm trung chuyển gỗ tràm và nhà xưởng chế biến gỗ, cũng như hai hộ dân làm nhà để buôn bán. Theo tìm hiểu của chúng tôi, không riêng Vĩnh Linh, mà ở hai huyện Gio Linh, Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) đều xảy ra tình trạng người dân xây dựng công trình trên đất nông, lâm nghiệp, nơi có hướng tuyến đường cao tốc đi qua để chờ đền bù.
Xử lý nghiêm vi phạm
Tình trạng xây dựng, cơi nới công trình, trồng cây để được đền bù khi giải phóng mặt bằng là việc không mới ở các địa phương miền trung, song nếu không xử lý nghiêm sẽ gây nhiều hệ lụy khi triển khai xây dựng các dự án, công trình trọng điểm của các tỉnh cũng như của quốc gia; đồng thời gây bất ổn về an ninh chính trị ở cơ sở.
Chủ tịch UBND xã Phú Thủy Lê Thanh Hạnh cho biết, việc người dân xây dựng các công trình chuồng trại, nhà kho... không xuất phát từ nhu cầu thực tế mà vì mục đích đón đầu các công trình của Nhà nước đi qua. Ðể tránh thiệt hại kinh tế và lãng phí nguồn lực của người dân, UBND xã đã có các thông báo cảnh báo người dân trước những thông tin chưa được kiểm chứng; nêu cao cảnh giác, không nghe tin đồn thiếu căn cứ để chạy theo và đưa ra các quyết định không hợp lý; chỉ xây dựng chuồng trại khi có nhu cầu thật sự về phát triển chăn nuôi, sản xuất bình thường của gia đình; không xây dựng nhà để ở, kể cả nhà tạm trên đất rừng, đất trồng cây lâu năm, đất trồng cây hằng năm bởi đây là hành vi trái pháp luật và sẽ bị xử lý nghiêm.
Xã Phú Thủy đã có thông báo đến toàn thể cán bộ, nhân dân với các nội dung: Cấm tất cả hoạt động xây dựng trái phép, không tự ý cơi nới, mở rộng mới các công trình, nghĩa địa, mồ mả; không tự ý xây đắp mộ gió, trồng cây bất thường... trong phạm vi dự kiến quy hoạch đường cao tốc bắc-nam tính từ đường Hồ Chí Minh về phía đông khoảng 500 m, lên phía tây 1.000 m.
Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải Quảng Bình Phạm Văn Năm, UBND tỉnh Quảng Bình đã có nhiều văn bản chỉ đạo UBND, Hội đồng giải phóng mặt bằng các huyện nơi có dự án đường cao tốc bắc-nam đi qua chỉ đạo chính quyền các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước về sử dụng đất. Các lực lượng chức năng bám cơ sở để kiểm tra, xử lý các vi phạm về việc sử dụng đất theo quy định.
Ðối với các trường hợp vi phạm phải đình chỉ, lập biên bản xử lý nghiêm để làm căn cứ sau này nếu có thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng... Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Lê Ðức Tiến cho biết, tỉnh đã có văn bản yêu cầu UBND các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ chỉ đạo phòng chức năng và các xã có dự án xây dựng đường cao tốc bắc-nam phía đông đi qua tăng cường kiểm tra trật tự xây dựng trong khu vực thực hiện dự án; tuyên truyền vận động người dân chấp hành nghiêm quy định pháp luật về trật tự xây dựng cũng như xử lý nghiêm trường hợp vi phạm, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 20/3.
Công trình đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn 2021- 2025 có tổng chiều dài khoảng 729 km, đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố. Riêng đoạn Hà Tĩnh-Quảng Trị dài 267 km, đến nay đang được khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, cắm cọc giải phóng mặt bằng và bàn giao hồ sơ đợt 1 cho các địa phương khoảng 47,6 km và dự kiến đến ngày 30/6/2022 bàn giao toàn bộ đoạn tuyến.
Ðây là công trình có quy mô lớn, tính chất phức tạp nên được Quốc hội, Chính phủ cho phép áp dụng một số cơ chế đặc thù, cho phép triển khai đồng thời một số công việc liên quan công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư trong giai đoạn chuẩn bị dự án. Theo Thứ trưởng Giao thông vận tải Lê Ðình Thọ, công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, là nút thắt về tiến độ hoàn thành dự án.
Do vậy, đề nghị các địa phương khẩn trương huy động sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, đơn vị, địa phương ở cơ sở, đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương dự án đến với từng người dân vùng dự án đi qua để tạo sự đồng thuận, ủng hộ; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm hoặc lợi dụng công tác đền bù, giải phóng mặt bằng dự án để trục lợi, gây ảnh hưởng tiến độ công trình quốc gia này.