Xử lý nghiêm hành vi tiếp tay cho lừa đảo, chiếm đoạt hơn 100 tỷ đồng ở huyện An Minh

NDO -

Công an tỉnh Kiên Giang vừa kết thúc điều tra vụ án lừa đảo, chiếm đoạt hơn 100 tỷ đồng gây rúng động vùng Miệt Thứ (Kiên Giang). Hành vi phạm tội và sai phạm của bị can và những người có liên quan đã được làm rõ, nhưng vụ án chỉ mới dừng lại ở việc khởi tố và bắt tạm giam bốn đối tượng, trong khi số người liên quan cần xử lý còn nhiều.

Trụ sở Công ty cổ phần Tấn Hải Đăng rất đơn sơ nhưng dễ dàng lừa đảo cả trăm tỷ đồng của nhiều ngân hàng.
Trụ sở Công ty cổ phần Tấn Hải Đăng rất đơn sơ nhưng dễ dàng lừa đảo cả trăm tỷ đồng của nhiều ngân hàng.

Làm giả giấy tờ, lừa đảo hơn 100 tỷ đồng

Năm 2006, Nguyễn Ðông Hải thành lập doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Tấn Hải Ðăng, trụ sở tại khu vực 3, thị trấn Thứ 11 (An Minh, Kiên Giang), với ngành nghề kinh doanh: Mua bán gỗ, vật liệu xây dựng và xây dựng công trình. Tháng 6-2010, Hải tiếp tục thành lập Công ty cổ phần Tấn Hải Ðăng, cùng ngành nghề kinh doanh và Hải làm Chủ tịch hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc. Với vỏ bọc của một nhà doanh nghiệp, Hải đã cấu kết, mua chuộc một số cán bộ thoái hóa, biến chất từ xã đến huyện để thực hiện trót lọt nhiều hành vi gian lận, lừa đảo, chiếm đoạt hơn 100 tỷ đồng từ một số ngân hàng và các cá nhân.

Theo kết luận điều tra, vào giữa năm 2010, Hải đã cấu kết với hai cán bộ của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện An Minh là Dương Văn Giàu và Nguyễn Hoàng Minh để thực hiện các hành vi phạm tội. Hải đã chi ra hai tỷ đồng để thu gom sáu lô đất nông nghiệp của người dân, với giá từ 25 đến 30 triệu đồng/công (1.000 m2) ở các xã và 100-150 triệu đồng/công ở thị trấn. Hải đưa số "sổ đỏ" này cho Giàu để đối tượng này sang tên và biến từ đất lúa thành đất đô thị. Hải dùng sáu "sổ đỏ" này thế chấp cho Ngân hàng Thương mại cổ phần An Bình để vay 12,9 tỷ đồng, vượt hơn sáu lần so với giá trị thực. Hải còn "nhờ" Minh lấy trộm 18 phôi gốc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDÐ) để in khống các số liệu rồi đưa cho lãnh đạo UBND huyện An Minh ký, đóng dấu và mang đi thế chấp cho bốn ngân hàng, vay tổng cộng 70,5 tỷ đồng. Trong đó, vay Ngân hàng TMCP An Bình - chi nhánh Kiên Giang 40,03 tỷ đồng, chi nhánh Cần Thơ 7,5 tỷ đồng, Ngân hành TMCP Sài Gòn - Hà Nội - chi nhánh Kiên Giang 10,969 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt - chi nhánh Kiên Giang ba tỷ đồng.

Cơ quan công an xác định, trong 92 giấy CNQSDÐ mà Hải dùng thế chấp cho các ngân hàng có 22 giấy do người thân của Hải và một số hộ dân tại huyện An Minh đứng tên. Ðể thực hiện trót lọt hành vi lừa đảo, Hải nhờ Giàu sang tên khống 15 giấy qua tên mình, giả chữ ký của chủ đất tại sáu hồ sơ vay vốn. Với thủ đoạn này, Hải tiếp tục vay 9,388 tỷ đồng tại bốn ngân hàng nêu trên. Hải cũng đã thế chấp một "sổ đỏ" do người khác đứng tên tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - chi nhánh huyện An Minh để vay 350 triệu đồng. Hải chỉ đạo Giàu lấy bốn "sổ đỏ" (trong hồ sơ lưu) đất mà Hải đã sang bán đưa cho Hải để thế chấp tiếp cho Ngân hàng TMCP An Bình - chi nhánh Kiên Giang vay 260 triệu đồng. Hải còn dùng danh nghĩa của Công ty cổ phần Tấn Hải Ðăng làm thủ tục xin đầu tư xây dựng dự án khu dân cư trên diện tích 72,4 ha nằm trong 12 "sổ đỏ" mà Hải đã thế chấp cho ngân hàng. Dù vậy, nhưng Hải vẫn được các cơ quan từ huyện đến tỉnh chiếu cố, giúp đỡ, nên khu dân cư này nhanh chóng được phê duyệt và cho phân lô bán nền. Hậu quả, đã có 19 cá nhân bỏ ra hơn 19 tỷ đồng để mua một phần trong bãi đất hoang.

Cần xử lý những đối tượng tiếp tay lừa đảo

Tháng 5-2009, Nguyễn Văn Lượm được bổ nhiệm giữ chức Phó Chủ tịch UBND huyện An Minh và được giao phụ trách khối kinh tế nông nghiệp - phát triển nông thôn. Lượm đã ký tổng cộng 16 giấy CNQSDÐ khống: không đất, không hồ sơ, không vào sổ, với tên Nguyễn Ðông Hải. Theo quy định, thẩm quyền của UBND huyện ký cấp giấy CNQSDÐ cho cá nhân không quá 300 m2 đất đô thị, nhưng trong 16 "sổ đỏ" Lượm ký cho Hải diện tích thấp nhất 5.745 m2 và cao nhất lên đến 40.440 m2, vượt đến 135 lần. Với số "sổ đỏ" khống này, Lượm đã giúp Hải lừa đảo chiếm đoạt tiền của các ngân hàng hơn 61,4 tỷ đồng.

Cùng với Nguyễn Văn Lượm, Phó Chủ tịch UBND huyện An Minh Hồ Như Thúy, dù được giao phụ trách khối văn hóa - xã hội nhưng vẫn đặt bút ký cấp giấy CNQSDÐ. Bà Thúy đã ký cấp cho Hải một "sổ đỏ" đất ở đô thị mà không có hồ sơ, diện tích lên đến 18.634 m2, vượt hơn 62 lần thẩm quyền của UBND huyện. Với tấm giấy đỏ này, Hải đã đem thế chấp ngân hàng vay và chiếm đoạt 7,2 tỷ đồng. Tiếp tay cho Hải còn có các chủ tịch, phó chủ tịch UBND hai xã Ðông Hưng B và Vân Khánh với việc ký hồ sơ chứng thực các giấy CNQSDÐ mà Hải đã giả mạo chữ ký.

Cần xác minh làm rõ, có hay không việc các cán bộ tín dụng và lãnh đạo các chi nhánh ngân hàng, nhất là Ngân hàng TMCP An Bình - chi nhánh Kiên Giang, nơi "được" Hải thường xuyên chiếm dụng có dấu hiệu cấu kết với Hải trong khâu thẩm định hồ sơ, giải ngân, tạo điều kiện cho Hải rút tiền để chiếm đoạt. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần làm rõ trách nhiệm của UBND huyện An Minh, Ban thường vụ Huyện ủy An Minh, các sở: Kế hoạch và Ðầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, trách nhiệm cá nhân của nguyên Chủ tịch UBND huyện An Minh Nguyễn Hoàng Lương, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Trần Thanh Nam... trong việc quản lý nhà nước về đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư và "lập lờ" việc chấp thuận cho doanh nghiệp này phân lô bán nền.