Xử lý nghiêm hành vi mua bán, vận chuyển trái phép pháo nổ

Theo bạn đọc phản ánh, gần đến Tết Nguyên đán, tại một số tỉnh biên giới như Kon Tum, Quảng Trị, Nghệ An… tình trạng mua bán, tàng trữ và vận chuyển trái phép các loại pháo diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, ngày 27-11-2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 137/2020/NÐ-CP về quản lý, sử dụng pháo thay thế cho Nghị định số 36/2009/NÐ-CP ngày 15-4-2009 về quản lý, sử dụng pháo. Do không hiểu đúng tinh thần Nghị định, một số cá nhân cho rằng, từ ngày 11-1-2021 khi Nghị định số 137 có hiệu lực sẽ được đốt các loại pháo. Ðể ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật (HVVPPL) về pháo, lực lượng chức năng các địa phương đã phối hợp chặt chẽ và đề ra nhiều giải pháp cụ thể và đồng bộ.

Lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn thu giữ gần 200 kg pháo nổ không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Ảnh: TUỆ MINH
Lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn thu giữ gần 200 kg pháo nổ không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Ảnh: TUỆ MINH

Xây hầm giấu pháo lậu

Vừa qua, tại xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum), các cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng (BP) Cửa khẩu quốc tế Bờ Y phối hợp Công an huyện Ngọc Hồi lập chuyên án 720-P đấu tranh với tội phạm "tàng trữ, vận chuyển hàng cấm". Sau một thời gian dài theo dõi cùng các biện pháp nghiệp vụ, Ban chuyên án đã bất ngờ tiến hành kiểm tra hành chính nơi ở của Nguyễn Thị Bình (SN 1992, trú tại thôn Iệc, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi). Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện một hầm bí mật, có nắp bằng bê-tông dài 3,4 m, rộng 2,2 m và cao 2 m có chứa 40 bao pháo trọng lượng 1.141 kg. Tiến hành kiểm tra chung quanh nhà, lực lượng chức năng tiếp tục phát hiện sáu bao pháo mầu xanh bên trong chứa 204 kg. Tổng trọng lượng số pháo các loại mà lực lượng chức năng thu giữ được là 1.345 kg. Bước đầu, đối tượng Nguyễn Thị Bình khai nhận toàn bộ số pháo nêu trên được đối tượng thu mua với giá 120 triệu đồng từ Lào, tích trữ từ Tết Nguyên đán 2020 để bán trong dịp Tết Nguyên đán 2021. Nếu bán ra trót lọt số pháo này thì Nguyễn Thị Bình sẽ thu được khoảng 300 triệu đồng.

Trước đó, các cán bộ Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo phối hợp Ðồn BP Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo kiểm tra xe tải do lái xe Nguyễn Ngọc Quỳnh, trú tại huyện Văn Lâm (Hưng Yên) điều khiển từ Lào về Việt Nam qua cửa khẩu Lao Bảo. Khi kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện ở sát gầm xe có hơn một tấn pháo nổ cùng hơn 2,2 tấn gỗ nghi là gỗ trắc nhập khẩu trái phép được che chắn bằng một lớp kim loại. Bước đầu lái xe Nguyễn Ngọc Quỳnh khai nhận là lái xe cho Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ vận tải Bình Minh, ở đường Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên, Hà Nội) và trước đó chở hàng cho Công ty cổ phần Ðầu tư Bắc Kỳ (Bắc Ninh). Trong quá trình làm các thủ tục để nhập cảnh về Việt Nam thì bị lực lượng hải quan, bộ đội biên phòng phát hiện, thu giữ số hàng lậu nêu trên. Toàn bộ số pháo lậu và gỗ lậu này được Nguyễn Ngọc Quỳnh và đồng phạm thu mua tại Lào rồi mang về Việt Nam bán kiếm lời…

Qua tìm hiểu, sắp đến Tết Nguyên đán, tình trạng mua bán, vận chuyển pháo lậu diễn biến phức tạp, nhất là khi Nghị định số 137 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo có hiệu lực từ ngày 11-1-2021. Nghị định 137 gồm bốn chương, 26 điều nêu rõ các hành vi bị nghiêm cấm; quản lý, bảo quản pháo, thuốc pháo; giám định tư pháp về pháo, thuốc pháo; các trường hợp được sử dụng pháo hoa, pháo hoa nổ; thẩm quyền, thủ tục cho phép bắn pháo hoa nổ; cấp giấy phép vận chuyển pháo hoa nổ, thuốc pháo nổ; trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp được nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu pháo hoa, pháo hoa nổ, thuốc pháo,… Thế nhưng, dạo quanh một số chợ truyền thống, vào các Facebook mua bán pháo nổ, pháo hoa nổ thì hoạt động mua bán các loại pháo những ngày này diễn ra rất nhộn nhịp. Tại đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5, TP Hồ Chí Minh), hàng loạt cửa hàng công khai bán các loại pháo trên vỉa hè thu hút khá đông người mua. Dừng xe trước một cửa hàng, hỏi mua mấy loại pháo nổ về chơi Tết thì một thanh niên mặt đen nhẻm, tóc tai bù xù tên H bước ra với dáng điệu mệt mỏi nói: "Pháo hoa thì nhiều, pháo nổ thì không có ai bán đâu anh". Sau một hồi xem, nghe giới thiệu về các loại pháo đang bày bán trên sạp như pháo giấy, pháo pin, pháo sáng, pháo cháy,... với các mức giá dao động từ 20.000 đồng/cây đến 50.000 đồng/cây khiến chúng tôi hoa mắt, ù tai. Khi đã chiếm được thiện cảm, chúng tôi liền ngỏ ý muốn mua vài chục ki-lô-gam pháo nổ về bán kiếm lời, trái ngược với lời từ chối ban đầu, H liền nhờ một người khác trông xe để dẫn chúng tôi đi xem hàng. Phải rất vất vả theo chân H, cuối cùng chúng tôi cũng đến một căn gác xép, nơi chứa đầy pháo nổ. Tại đây, thanh niên này tiếp tục "chém gió" về những loại pháo gây tiếng nổ lớn như pháo điện, pháo bi,… để chúng tôi dễ dàng lựa chọn. Ðể tạo niềm tin, H còn mạnh miệng cam kết: "Anh cứ thông báo số lượng pháo, nhận hàng đủ rồi trả tiền. Nếu anh lấy số lượng pháo nổ nhiều thì báo em trước từ 5 đến 7 ngày để em gom hàng từ biên giới về…".

Liên hệ với một tài khoản Facebook "Hưng Trần" qua ứng dụng chat trên Facebook, ngay lập tức, chúng tôi được báo giá các loại pháo bi lớn (100 quả) là 700 nghìn đồng, còn loại nhỏ là 500 nghìn đồng. Tương tự, khi chúng tôi tiếp tục tìm kiếm các cụm từ trên mạng như: "pháo Tết 2021", "mua pháo Tết",… hàng loạt trang Facebook hiện lên để khách hàng tha hồ lựa chọn...

Hiểu rõ Nghị định để chống pháo lậu

Nghị định số 137/2020/NÐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng pháo, trong đó các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa của Bộ Quốc phòng. Mặc dù Nghị định đã nêu rõ nhưng nhiều người vẫn cố tình hiểu sai và cho rằng sau khi Nghị định có hiệu lực sẽ được đốt các loại pháo.

Về vấn đề này, Ðại tá Vũ Minh Hùng, Trưởng phòng Hướng dẫn quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo (Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an) cho biết, tại điểm a, khoản 1 điều 3 Nghị định 137/2020/NÐ-CP nêu rõ: "Pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng mầu sắc trong không gian. Pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng mầu sắc trong không gian được gọi là pháo hoa nổ". Như vậy, pháo nổ ở đây bao gồm pháo nổ và pháo hoa nổ, trong đó, pháo nổ là loại pháo có chứa thuốc pháo nổ, khi sử dụng gây ra tiếng nổ; pháo hoa nổ là loại pháo có chứa thuốc pháo nổ, thuốc phóng, thuốc pháo hoa, khi sử dụng gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng mầu sắc trong không gian (pháo hoa nổ do lực lượng quân đội bắn vào các ngày lễ, Tết, sự kiện chính trị lớn của đất nước, được Thủ tướng Chính phủ cho phép). Tại khoản 1, điều 5 của Nghị định này cũng nghiêm cấm nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt, trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ đối với các trường hợp quy định tại điều 11 Nghị định này. Theo điểm b khoản 1 điều 3 Nghị định thì: "Pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, mầu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ". Như vậy, pháo hoa ở đây được hiểu là sản phẩm có chứa thuốc pháo hoa, khi sử dụng "đốt" chỉ phát ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, mầu sắc trong không gian và đặc biệt là không gây ra tiếng nổ. Ðối với loại pháo này, cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì được sử dụng trong các dịp lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị… và chỉ được mua pháo hoa từ tổ chức, doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng để sử dụng. Nghị định cũng quy định, người dân sử dụng pháo hoa phải "có đầy đủ năng lực hành vi dân sự", có nghĩa là người từ đủ 18 tuổi trở lên, không bị bệnh tâm thần, không bị tòa án tuyên mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự… Cũng theo Ðại tá Vũ Minh Hùng, từ nay đến Tết Nguyên đán, thực hiện sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội sẽ thành lập nhiều đoàn công tác đi kiểm tra thực tế tại các địa phương để ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ, đốt pháo nổ và pháo hoa nổ trái phép.

Theo Ðại tá Bùi Văn Lua, Phó Cục trưởng Phòng chống ma túy và Tội phạm (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng), pháo nổ là mặt hàng cấm và được quản lý chặt chẽ bởi hệ thống văn bản pháp luật. Các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, để thực hiện trót lọt các hành vi vận chuyển, mua bán pháo trái phép, các đối tượng phạm tội thường cất giấu, trà trộn vào các loại hàng hóa tiêu dùng, hàng ký gửi, hàng nhập khẩu hoặc hoán cải phương tiện, cơi nới thùng xe; ngụy trang trong lưới, ngư cụ đánh cá của ngư dân để vận chuyển vào trong nước. Khi phát hiện có lực lượng chức năng kiểm tra, các đối tượng thả pháo xuống biển nhằm phi tang tang vật… Ðể ngăn chặn các HVVPPL về pháo nổ từ khu vực biên giới, nhất là khoảng thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng chỉ đạo các đơn vị quán triệt và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 138 quốc gia, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng về tăng cường đấu tranh phòng, chống ma túy và tội phạm, đặc biệt là đấu tranh với HVVPPL về pháo nổ. Thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát chặt chẽ khu vực biên giới, vùng biển, nhất là các khu vực cửa khẩu, đường mòn, lối mở. Chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, quản lý chặt chẽ địa bàn để kịp thời phát hiện, ngăn chặn bắt giữ, xử lý nghiêm các hành vi mua bán, vận chuyển trái phép pháo nổ. Tích cực vận động nhân dân tham gia phát hiện, tố giác HVVPPL liên quan đến pháo nổ. Tổ chức cho người dân ở các địa phương khu vực biên giới ký cam kết không đốt pháo, không tham gia mua bán, vận chuyển pháo lậu. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng công an, hải quan,… để xác lập, đấu tranh chuyên án, vụ án liên quan đến pháo nổ...

Cùng với việc ngăn chặn pháo lậu từ khu vực biên giới thì việc ngăn chặn ngay trong nước cũng là nhiệm vụ trọng tâm. Về vấn đề này, theo Cục trưởng Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Hưng Yên Trần Tùng Lâm khẳng định, để tăng cường công tác phòng, chống mua bán, tàng trữ và vận chuyển trái phép các loại pháo trong dịp Tết Nguyên đán, lãnh đạo Cục QLTT tỉnh đã chủ động tham mưu cho Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Hưng Yên chỉ đạo các cơ quan chức năng trong tỉnh thực hiện các chuyên đề chống buôn lậu, chống mua bán, vận chuyển trái phép pháo, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Ngoài ra, lãnh đạo Cục QLTT ban hành kế hoạch cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường cuối năm 2020 và trước, trong và sau Tết Nguyên đán năm 2021. Chỉ đạo các đội QLTT kiểm tra, rà soát, thu thập thông tin để dự báo thị trường. Vận động các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh ký cam kết không tàng trữ, vận chuyển và kinh doanh trái phép pháo nổ, vật liệu nổ trên địa bàn tỉnh.

Các hành vi vi phạm về pháo nổ chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể xử lý theo điều 10 Nghị định 167/2013/NÐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ; điều 10 Nghị định 185/2013/NÐ-CP ngày 15-11-2013 của Chính phủ. Nếu các vi phạm về pháo có đủ yếu tố truy cứu trách nhiệm hình sự thì căn cứ các điều 188, 189, 190, 232, 153, 154, 155, 305, 318,... Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) để xử phạt theo quy định.

Luật sư VŨ HỮU QUÝ

Giám đốc Công ty Luật Gia Vũ (Quảng Ninh)

 

Việc đốt pháo nổ trái phép trong các ngày lễ, Tết tiềm ẩn nguy cơ rủi ro lớn sức khỏe của người sử dụng cũng như những người chung quanh, gây bỏng da mặt, cháy lông mi, lông mày; bỏng kết giác mạc, rách kết giác mạc, xuất huyết nội nhãn. Những trường hợp chấn thương nặng sẽ gây di chứng suốt đời như mù lòa, cụt ngón tay, cụt bàn tay, thậm chí gây chết người. Vào các dịp lễ, Tết số người bệnh bị tai nạn thương tích liên quan đến pháo đều đặc biệt tăng cao...

Ths, bác sĩ CK2 NGUYỄN PHƯƠNG TRUNG

Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Phúc Thọ (Hà Nội)