Xóa đói nghèo từ cây chít rừng

ND - Nhờ sáng tạo trong cung cách làm ăn, gia đình ông Tống Ðại Học ở xã Trung Minh, huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình) đã xóa được đói nghèo, vươn lên làm giàu có từ cây chít rừng.

Khi xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình thì gia đình ông Tống Ðại Học chuyển từ vùng lòng hồ Hòa Bình về phố Ngọc, xã Trung Minh, huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình) lập nghiệp. Gia đình ông nhận đất làm nương trồng lúa, ngô, sắn. Nhưng diện tích nương không nhiều nên nỗi lo "cơm áo" của sáu miệng ăn trong nhà vẫn đè nặng trên vai ông. Ðể thoát nghèo, năm 2003 gia đình ông nhận trồng khoán sáu ha keo cho lâm trường Kỳ Sơn. Nhưng lấy đâu vốn để "nuôi" rừng keo trong bảy năm liền mới được thu hoạch làm cho ông phải suy tính đêm ngày.

Năm đó, nghề làm chổi chít ở phố Ngọc quê ông phát triển mạnh. Nguyên liệu là bông và thân cây chít rừng được các hộ sản xuất mua gom từ những người đi rừng ở các huyện, xã vùng cao trong tỉnh. Nhiều lúc khan hiếm hàng, họ phải lên tận Sơn La, Ðiện Biên, Lai Châu để thu mua. Do khai thác tự phát nên nguồn nguyên liệu này không ổn định trong khi nhu cầu  cho sản xuất ngày càng lớn. Có thời điểm các hộ làm chổi phải tạm ngừng sản xuất vì thiếu nguyên liệu. Từ thực tế đó, ông Học đã nảy ra ý tưởng trồng cây chít để bán cho các hộ làm chổi chít. Nghĩ là làm, ông ngày đêm đi đào cây chít rừng về trồng ở đồi nhà mình. Có hôm hàng xóm còn thấy ông soi đèn đi đào chít mãi tận khuya mới về.

Sau một năm, hơn một ha chít đồng loạt trổ bông như trả công người ươm trồng. Cuối năm, gia đình ông bán được hơn 15 triệu đồng. Số tiền thu được từ bán cây chít giúp ông cải thiện cuộc sống gia đình, có thêm vốn đầu tư cho rừng keo. Ðến nay, gia đình ông Học đã có hơn năm ha chít.

Năm 2005, khi rừng chít định hình với nhiều hứa hẹn, ông Học đã vay ngân hàng 150 triệu đồng để mở một con đường dài hơn một cây số từ quốc lộ số 6 vào khu đồi rừng của gia đình. Nhờ đó việc thu hoạch, tiêu thụ cây chít nguyên liệu thuận lợi hơn. Hiện tại ở Hòa Bình bông chít khô có giá 15 nghìn đồng/kg và thân cây chít tươi giá 750 đồng/kg. Nếu khai thác hết diện tích cây chít hiện có thì ông Học thu được hơn 80 triệu đồng. Theo ông Học, ở vùng đất đồi hoang hóa, khô cằn thì trồng cây chít có hiệu quả hơn cả vì đây là loại cây hoang dại có sức sống khỏe. Trồng chít không mất tiền mua giống mà chỉ cần đầu tư công sức phù hợp người nghèo. Mặt khác cây chít trồng một lần cho thu hoạch lâu dài. Trung bình từ năm thứ tư trở đi sẽ thu được hơn 30 triệu đồng/ha chít. Nếu tính cả sáu ha rừng keo và năm ha chít, chỉ vài năm tới là gia đình ông Học có thể thu được vài trăm triệu đồng.

Nhờ sáng tạo trong cung cách làm ăn, gia đình ông Tống Ðại Học đã xóa được đói nghèo, vươn lên làm giàu có từ cây chít rừng.