Ngày 14/2, các nhà nghiên cứu cho biết đã tiến hành xét nghiệm ADN trên 4.320 ngà voi từ 49 vụ tịch thu ngà voi, tổng trị giá 111 tấn ở 12 quốc gia châu Phi từ năm 2002 đến năm 2019. Kết quả có thể giúp truy quét các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia đứng sau vụ buôn bán trái phép và củng cố chứng cứ truy tố các vụ án.
Nhà sinh vật học Samuel Wasser, Đại học Washington, tác giả chính của nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Human Behavior cho biết: “Việc kết hợp những kết quả này với bằng chứng thu thập được từ các cộng tác viên thực thi pháp luật cho phép chúng tôi kết nối các điểm trong một mạng lưới tội phạm khổng lồ".
Hầu hết ngà voi được xuất khẩu theo các lô hàng lớn, lên đến 10 tấn mỗi lô, được vận chuyển dưới dạng hàng hóa đường biển và được giấu trong số hàng xuất khẩu hợp pháp qua đại dương trên các tàu container.
Kết quả xét nghiệm DNA khớp với hai chiếc ngà của cùng một con voi hoặc thường xuyên hơn là những chiếc ngà của những người họ hàng gần được tìm thấy trong các container riêng biệt để vận chuyển trong cùng một cảng.
Giáo sư Wasser cho biết, lượng ngà voi lớn nhất hiện đang được buôn lậu ra khỏi Uganda thông qua cảng biển Mombasa, các cảng ở Kenya và Nigeria cũng thường được sử dụng. Ông Wasser lưu ý, các cảng mà những kẻ buôn lậu sử dụng đã thay đổi theo thời gian.
Nghiên cứu trước đây của Giáo sư Wasser và các đồng nghiệp đã xác định được ngà của cùng một cá thể voi đã bị bọn buôn người tách ra và nhập lậu trong các chuyến hàng khác nhau trước khi bị lực lượng thực thi pháp luật bắt giữ tại các cảng châu Phi và châu Á.
Nghiên cứu mới đã mở rộng phạm vi thử nghiệm để xác định ngà của những con voi có quan hệ họ hàng gần, gồm bố mẹ, con cái, anh chị em ruột và anh chị em cùng cha khác mẹ.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng DNA từ phân voi được thu thập trên khắp châu Phi để lập bản đồ tham chiếu di truyền của các quần thể khác nhau. Vì vậy, thử nghiệm mới cho phép họ xác định vị trí địa lý nơi những con voi bị săn trộm và qua đó kết nối các chuyến hàng bị bắt giữ với cùng một tổ chức tội phạm xuyên quốc gia (TCO).
Giáo sư Wasser nói: “Chúng tôi nhận thấy rằng một số lượng nhỏ tội phạm xuyên quốc gia chịu trách nhiệm xuất khẩu phần lớn các lô hàng ngà voi lớn”.
Việc buôn bán vẫn tiếp tục bất chấp lệnh cấm buôn bán ngà voi trên toàn thế giới được thông qua vào năm 1989, với nhu cầu mạnh nhất ở châu Á.
Cho đến năm 2016, ngà voi chủ yếu từ các loài voi ở miền bắc Mozambique bắc qua Tanzania cho đến miền nam Kenya, ông Wasser cho hay. Vào khoảng năm 2016, đã có sự gia tăng đáng kể số lượng ngà bị săn trộm từ Khu bảo tồn xuyên biên giới Kavango-Zambezi gồm bắc Botswana, đông bắc Namibia, nam Zambia và đông nam Angola, có diện tích gấp đôi nước Anh.
Khu vực này là nhà của 230.000 trong số 400.000 con voi châu Phi còn lại, một quần thể bao gồm hai loài riêng biệt - voi đồng cỏ châu Phi và voi rừng. Nghiên cứu không liên quan đến loài voi thứ ba trên thế giới, voi châu Á.
Giáo sư Wasser, đồng giám đốc điều hành Trung tâm Khoa học Pháp y Môi trường của Đại học Washington cho biết: “Chúng ta đang mất tới 50.000 con voi châu Phi mỗi năm".