Về dự lễ có đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, Quân khu 5, lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMT tỉnh Quảng Ngãi, lãnh đạo các sở, ban ngành của tỉnh và các tỉnh Thái Nguyên, Nghệ An, Bình Định và hơn 5.000 cán bộ, nhân dân và giáo viên, học sinh trong huyện…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Ngọc Dũng dọc diễn văn khẳng định: Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ nổ ra ngày 11-3-1945 với 28 đội viên du kích, sau hai ngày Nhật đảo chính Pháp ở Việt Nam, tạo lập chính quyền mới ở huyện Ba Tơ và tỉnh Quảng Ngãi, cũng như sự ra đời Đội du kích Ba Tơ - tiền thân của lực lượng vũ trang Liên khu V. Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ đã cho thấy tinh thần chủ động, linh hoạt, sáng tạo của tổ chức cơ sở Đảng Cộng sản Đông Dương tại Quảng Ngãi và tinh thần cách mạng hăng hái của người dân Việt Nam, trong đó có đồng bào Kinh-Thượng ở Ba Tơ, đã đi vào lịch sử đấu tranh anh dũng của dân tộc Việt Nam.
Khởi nghĩa Ba Tơ là cuộc khởi nghĩa từng phần đầu tiên trong cả nước nổ ra và giành thắng lợi. Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Ba Tơ ngày 11-3-1945 đã tạo tiền đề cho phong trào đấu tranh cách mạng của tỉnh Quảng Ngãi phát triển mạnh mẽ, tiến tới Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 và ảnh hưởng to lớn đến phong trào cách mạng của các tỉnh Nam -Trung kỳ và là một trang sử ngời sáng trong lịch sử Quảng Ngãi và lịch sử cả nước.
Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ gắn liền với Đội du kích Ba Tơ, là tổ chức vũ trang đầu tiên của nhân dân tỉnh Quảng Ngãi được Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp tổ chức, huấn luyện và lãnh đạo.
Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ gắn với Đội du kích Ba Tơ đã sản sinh, đào tạo cho Đảng, Nhà nước và quân đội nhiều cán bộ tài năng, nhiều tướng lĩnh xuất sắc trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược như Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Trương Quang Giao, Thượng tướng Trần Nam Trung (Trần Lương), Trung tướng Nguyễn Chánh, Trung tướng Nguyễn Đôn, Trung tướng Phạm Kiệt, Trung tướng Trần Quý Hai, Trung tướng Võ Thứ…
Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ nổ ra và giành thắng lợi, chính quyền cách mạng huyện Ba Tơ được thành lập vào ngày 12-3-1945 là chính quyền cấp huyện đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi và cả nước trong thời kỳ tiền khởi nghĩa năm 1945.
Năm 1980, quần thể các địa điểm di tích về cuộc khởi nghĩa Ba Tơ và Đội du kích Ba Tơ được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận, xếp hạng và cấp Bằng di tích lịch sử-văn hóa quốc gia. Năm 2010, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ chống Pháp cho Đội du kích Ba Tơ. Tháng 8-2013, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định công nhận các xã Ba Vinh, Ba Giang, Ba Động, Ba Chùa, Ba Thành và thị trấn Ba Tơ thuộc vùng An toàn khu của Trung ương ở Quảng Ngãi trong thời kỳ chống Pháp.
Ngày 25-12-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2082/QĐ-TTg công nhận các địa điểm về cuộc khởi nghĩa Ba Tơ là Di tích quốc gia đặc biệt. Căn cứ theo Hồ sơ di tích đã được chính phủ xếp hạng, di tích này gồm 11 điểm di tích sau đây:
- Khúc sông Liêng (thị trấn Ba Tơ), có chiều dài hơn 1.000m, phía sau đồn Ba Tơ, nơi các chiến sĩ cách mạng giả bệnh lao, đòi sống cách ly dưới thuyền, che mắt địch để in ấn truyền đơn, tài liệu tuyên truyền vận động cách mạng. Cũng tại khúc sông này, đêm 14-3-1945, du kích địa phương dùng thuyền chở vũ khí và chiến lợi phẩm ở đồn Ba Tơ về căn cứ Cao Muôn.
- Lò gạch Nước Năng (thị trấn Ba Tơ), nơi thành lập Tỉnh ủy lâm thời Quảng Ngãi vào cuối tháng 12-1944.
- Nhà đồng chí Trần Quý Hai (thị trấn Ba Tơ), nơi Tỉnh ủy lâm Quảng Ngãi thời tổ chức cuộc họp bất thường vào đêm 10-3-1945 quyết định chớp thời cơ, tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền.
- Chòi canh Suối Loa (xã Ba Động), tại đây trưa ngày 11-3-1945 Ban lãnh đạo khởi nghĩa họp khẩn cấp, cuộc họp đã quyết định chuyển hướng đấu tranh vũ trang, giành chính quyền vào chiều ngày 11-3-1945 tại huyện lỵ Ba Tơ.
- Đồn Ba Tơ (Đồn Khố Xanh) tại thị trấn Ba Tơ, nơi trú đóng của đội lính do tên đồn trưởng người Pháp chỉ huy, kiểm soát châu Ba Tơ, tại đây quân khởi nghĩa đánh chiếm trong đêm 11-3-1945.
- Nha kiểm lý (thị trấn Ba Tơ) là nơi chiều tối 11-3-1945 các lực lượng khởi nghĩa đã phối hợp với quân chúng vũ trang nổi dậy bắt bọn nha lại phải nộp vũ khí đầu hàng cách mạng, thu toàn bộ ấn triện, hồ sơ, tài liệu, vũ khí…
- Sân vận động Ba Tơ (thị trấn Ba Tơ), có diện tích 5.000m2, nơi tổ chức cuộc mít tinh lớn của hàng ngàn đồng bào Kinh-Thượng vào đêm 11-3-1945, do đồng chí Phạm Kiệt chủ trì, thề quyết tâm bảo vệ thành quả cách mạng vừa giành được. Đây cũng là nơi Đội du kích Ba Tơ được thành lập và cũng là địa điểm sáng ngày 12-3-1945 Ủy ban khởi nghĩa tổ chức cuộc mit tinh lớn, mừng thắng lợi, tuyên bố xóa bỏ chính quyền thực dân phong kiến, ra mắt chính quyền cách mạng lâm thời Ba Tơ và Đội Du kích Ba Tơ thành lập với 28 đội viên đầu tiên.
- Bãi Hang Én (xã Ba Vinh), dưới chân núi Cao Muôn, là nơi vào đêm 14-3-1945, các chiến sĩ đội du kích Ba Tơ trên đường di chuyển về căn cứ Cao Muôn đã dừng lại để tổ chức lễ tuyên thệ “Hy sinh vì Tổ quốc!”.
- Bến Buôn (xã Ba Thành), nơi trao đổi, buôn bán hàng hóa và các sản vật địa phương của nhân dân giữa miền núi, miền xuôi. Từ giữa tháng 3-1945, nơi đây trở thành địa điểm tiếp nhận lương thực, vũ khí do nhân dân miền xuôi quyên góp, chuyên chở bằng đường sông tiếp tế cho Đội du lích Ba Tơ xây dựng chiến khu kháng Nhật.
- Chiến khu Nước Lá- Hang Voọt Rệp (xã Ba Vinh), với địa thế hiểm trở, là nơi Đội du kích Ba Tơ trú quân, củng cố lực lượng, bố phòng chiến đấu.
- Chiến khu Núi Cao Muôn (xã Ba Vinh), núi có độ cao trên 1.000m so với mặt nước biển, núi Cao Muôn có địa thế quan trọng, trước cách mạng tháng Tám là căn cứ chống Pháp của đồng bào H’rê, và nơi đây là một trong những nơi đội du kích Ba Tơ đặt căn cứ trong những ngày đầu khởi nghĩa, xây dựng lực lượng, xây dựng chiến khu kháng Nhật.
Việc Chính phủ ban hành Quyết định xếp hạng Di tích lịch sử Địa điểm về cuộc khởi nghĩa Ba Tơ là di tích quốc gia đặc biệt là một sự kiện có ý nghĩa sâu sắc, thêm một lần nữa khẳng định mảnh đất và con người Ba Tơ đã có những đóng góp tích cực vào lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, duy trì, vun đắp tình đoàn kết Kinh-Thượng gắn bó keo sơn cùng nhau xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Trước lễ, huyện Ba Tơ đã Khởi công Trung tâm văn hóa và giáo dục cộng động Ba Tơ. Huyện tổ chức Đại hội thể dục thể thao huyện và các hoạt động giao lưu bóng chuyền nữ giữa các huyện, thành phố trong tỉnh. Tổ chức hội trại hướng về nguồn. Ngoài ra, huyện Ba Tơ cũng phối hợp với các đơn vị tổ chức các chương trình văn hóa, văn nghệ chào mừng kỷ niệm 73 năm cuộc khởi nghĩa Ba Tơ.
Nhân kỷ niệm 73 năm Khởi nghĩa Ba Tơ (11-3-1945 – 11-3-2018) và đón Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt di tích lịch sử Địa điểm về cuộc khởi nghĩa Ba Tơ, chiều 9-3, cán bộ, nhân dân, lãnh đạo thành phố Thái Nguyên tặng 200 triệu đồng cho bốn gia đình chính sách ở Ba Tơ. Trong đó, cán bộ và nhân dân thành phố Thái Nguyên tặng 100 triệu đồng cho hai gia đình chính sách; cá nhân ông Trần Quốc Tỏ, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên tặng 50 triệu đồng cho một gia đình chính sách và cá nhân ông Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên tặng 50 triệu đồng cho một gia đình chính sách.
Cũng nhân dịp này, các doanh nghiệp trên địa bàn Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi tặng 10 xe đạp và 50 áo ấm cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở huyện Ba Tơ.