Xem xét, khôi phục chế độ cho thân nhân liệt sĩ Nguyễn Văn Châm

Từng được công nhận là con liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, nhưng hơn nửa thế kỷ qua, bà Nguyễn Thị Hoa, ở thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang không được hưởng chế độ, chính sách đối với thân nhân liệt sĩ.
0:00 / 0:00
0:00
Thư xác nhận liệt sĩ Nguyễn Văn Châm của Hội Thái Việt tỉnh Nakhon Phanom.
Thư xác nhận liệt sĩ Nguyễn Văn Châm của Hội Thái Việt tỉnh Nakhon Phanom.

Bà Nguyễn Thị Hoa, sinh năm 1950, ở phường Tân Hòa, thành phố Tuyên Quang cho biết, bà là con gái liệt sĩ Nguyễn Văn Châm, sinh năm 1926, ở Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, thường trú tại tỉnh Nakhon Phanom, Thái Lan. Năm 1947, cụ Châm được giác ngộ cách mạng, tham gia Mặt trận Việt Minh, huấn luyện tại bản Mạy, tỉnh Nakhon Phanom, sau đó, cụ được điều động sang mặt trận Trung Lào, hoạt động tại tỉnh Thakhet. Năm 1952, gia đình bà Hoa nhận được giấy báo tử cụ Châm hy sinh tại mặt trận Tà Ôi, tỉnh Thakhet. Người xác nhận cụ Châm hy sinh là cụ Lê Tiền Tiến, sinh năm 1915, Ủy viên Ban cán sự Trung Lào, phụ trách phân khu nam đường 9 (sau đó là Vụ trưởng Ban Công tác miền Tây).

Năm 1962, bà Hoa được Hội Việt kiều tỉnh Nakhon Phanom, Thái Lan làm thủ tục cho hồi hương theo chế độ con liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng. Sau khi về nước, bà được gia đình bác ruột là cụ Lê Văn Bài và Lê Thị Hoan nuôi dưỡng tại số nhà 14, đường Chiến Thắng, khu Ðoàn Kết, thị xã Hòa Bình (nay là phường Phương Lâm, thành phố Hòa Bình), tỉnh Hòa Bình. Hằng tháng, bà được hưởng tiền trợ cấp tuất liệt sĩ 18 đồng, cụ Bài là người trực tiếp lĩnh tiền thay bà. Từ năm 1968, bà Hoa đủ 18 tuổi nên không được hưởng chế độ trợ cấp tuất liệt sĩ. Sau đó, bà đi học nghề và làm công nhân tại Xí nghiệp Cơ khí 3/2 Hòa Bình. Năm 1970, bà theo chồng đến sinh sống tại tỉnh Tuyên Quang cho đến nay. "Khi đi, tôi mang theo giấy tờ tùy thân, Bằng Tổ quốc ghi công liệt sĩ Nguyễn Văn Châm, nhưng trận lụt kinh hoàng năm 1971 đã cuốn trôi hết nhà cửa, tài sản, các giấy tờ tùy thân và cả Bằng Tổ quốc ghi công"-bà Hoa kể.

Cũng từ đó đến nay, bà Hoa không được nhận bất kỳ chế độ, quyền lợi gì của thân nhân liệt sĩ. Năm 2020, bà Hoa có đơn gửi Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Hòa Bình đề nghị xem xét khôi phục chế độ, chính sách thân nhân liệt sĩ đối với bà. Tuy nhiên, bà nhận được trả lời của cơ quan này là: Không có tên liệt sĩ Nguyễn Văn Châm trong danh sách hồ sơ liệt sĩ lưu tại cơ quan.

Từ những thông tin bà Hoa cung cấp, chúng tôi đã liên hệ với các nhân chứng. Thiếu tướng Huỳnh Ðắc Hương, nguyên Tư lệnh kiêm Chính ủy Bộ Tư lệnh 959 (Ðoàn 959), Trưởng Ban liên lạc quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương Binh và Xã hội xác nhận: "Liệt sĩ Nguyễn Văn Châm đã hy sinh ở mặt trận Thakhet, Lào, năm 1952. Chị Nguyễn Thị Hoa là con đẻ của liệt sĩ Nguyễn Văn Châm, từng được nhận chế độ thân nhân liệt sĩ cho đến năm 1967, nhưng sau đó bị thất lạc giấy tờ nên không được hưởng nữa".

Cụ Lê Thị Hợi (tức Tâm), sinh năm 1923, ở phường Phương Lâm, thành phố Hòa Bình, cán bộ lão thành cách mạng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Hành chính thị xã Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình từ năm 1964 đến năm 1972 (đã mất) có giấy xác nhận: "Bà Nguyễn Thị Hoa, sinh năm 1950, được bác ruột là Lê Văn Bài và vợ là Lê Thị Hoan đưa về nuôi từ năm 1962 đến năm 1967, trú tại nhà số 14, đường Chiến Thắng, tiểu khu Ðoàn Kết, thị xã Hóa Bình, nay là phường Phương Lâm, thành phố Hòa Bình. Hằng tháng, gia đình ông Bài có lĩnh tiền trợ cấp tuất liệt sĩ cho bà Nguyễn Thị Hoa, là con ruột liệt sĩ Nguyễn Văn Châm, số tiền trợ cấp hằng tháng là 18 đồng".

Trong giấy xác nhận của bà Lê Thị Hải Thiên, sinh năm 1949, nguyên Chánh án Tòa án nhân dân thị xã Hòa Bình, Trưởng Văn phòng luật sư Hải Thiên, thuộc Ðoàn Luật sư tỉnh Hòa Bình và bà Bùi Thị Minh, sinh năm 1935, nguyên cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Hòa Bình, hiện cư trú tại phường Phương Lâm, thành phố Hòa Bình đều khẳng định bà Nguyễn Thị Hoa là con gái liệt sĩ Nguyễn Văn Châm, hy sinh tại mặt trận Thakhet, Lào năm 1952, đã được hưởng chế độ trợ cấp con liệt sĩ 18 đồng/tháng cho đến năm 1967.

Ngày 15/5/2022, ông Trần Văn Sáu, Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam toàn Thái Lan, Chủ tịch Hội Thái-Việt Nam tỉnh Nakhon Phanom, Thái Lan có thư xác nhận: "Bà Lê Thị Khăm, ở Ðon Mông, huyện Mường, tỉnh Nakhon Phanom, Thái Lan có chồng là ông Nguyễn Văn Châm. Năm 1947, ông Châm tham gia quân tình nguyện Việt Minh chống thực dân Pháp, được huấn luyện ở bản Mạy, điều động sang nước Lào chiến đấu ở mặt trận Thakhet và hy sinh." Tại văn bản này, ông Nguyễn Ngọc Thìn, Chủ tịch Tổng Hội người Việt Nam toàn Thái Lan cùng xác nhận nội dung nêu trên là đúng sự thật.

Nhận thấy nội dung các văn bản xác nhận nêu trên của các nhân chứng là có cơ sở, Báo Nhân Dân đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng đề nghị kiểm tra, làm rõ sự việc bà Nguyễn Thị Hoa phản ánh. Ngày 12/1/2023, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Hòa Bình có Văn bản trả lời số 54/LÐTBXH-NCC cho biết: Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Hòa Bình đã tra cứu danh sách hồ sơ liệt sĩ đã và đang quản lý, gồm cả danh sách các liệt sĩ hy sinh tại chiến trường Lào, phối hợp Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố Hòa Bình kiểm tra, rà soát giấy tờ liên quan gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Châm nhưng không có tên liệt sĩ Nguyễn Văn Châm. Vì vậy, Sở không có căn cứ xác nhận thân nhân liệt sĩ với bà Nguyễn Thị Hoa.

Tìm hiểu, chúng tôi được biết tại Ðiều 129 Nghị định số 131/2021/NÐ-CP của Chính phủ quy định: "Trường hợp hồ sơ thương binh, liệt sĩ được công nhận từ ngày 31/12/1994 trở về trước không đầy đủ theo quy định (do thất lạc) thì Sở Lao động-Thương binh và Xã hội có công văn đề nghị trích lục hồ sơ gửi Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam hoặc Cục Tổ chức cán bộ, Bộ Công an (đối với trích lục hồ sơ thương binh); Cục Người có công, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (đối với trích lục hồ sơ liệt sĩ) làm căn cứ giải quyết chế độ". Sau khi Báo Nhân Dân có văn bản đề nghị Cục Người có công về việc kiểm tra hồ sơ liệt sĩ Nguyễn Văn Châm, ngày 16/1/2023, tại Văn bản số 69/NCC-HSTTLS, Cục Người có công trả lời như sau: Qua tra cứu danh sách liệt sĩ lưu tại Cục Người có công, kết quả: không có liệt sĩ Nguyễn Văn Châm, quê ở Rạch Giá, Kiên Giang.

"Tôi thật sự bất ngờ và không hiểu nổi vì sao cha tôi đã được công nhận liệt sĩ, cấp Bằng Tổ quốc ghi công, bản thân tôi cũng được hưởng trợ cấp tuất liệt sĩ cho đến năm 18 tuổi, trong đó từ năm 1962 đến năm 1967 được Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Hòa Bình chi trả hằng tháng, nhưng nay chính các cơ quan này lại trả lời không có tên liệt sĩ trong danh sách lưu tại cơ quan"-bà Hoa nói.

Trao đổi về vấn đề này, Tiến sĩ Huỳnh Nghĩa bày tỏ quan điểm: "Việc quản lý hồ sơ và giải quyết chế độ chính sách cho thân nhân liệt sĩ là trách nhiệm của ngành Lao động-Thương binh và Xã hội. Những trường hợp để thất lạc hồ sơ liệt sĩ là do công tác lưu trữ của các cơ quan chức năng còn nhiều bất cập, hạn chế và sự tắc trách của những cán bộ có trách nhiệm. Không thể vì lý do này mà để liệt sĩ mất đi sự tôn vinh của Ðảng, Nhà nước và thân nhân liệt sĩ phải chịu thiệt thòi".

Trong cuộc gặp gỡ đầu Xuân Quý Mão 2023 với phóng viên Báo Nhân Dân, Thiếu tướng Huỳnh Ðắc Hương, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội bày tỏ sự trăn trở, day dứt về trường hợp liệt sĩ Nguyễn Văn Châm: "Tôi kính đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét khôi phục lại chế độ liệt sĩ cho thân nhân liệt sĩ Nguyễn Văn Châm và xem xét thực hiện các chính sách hiện hành".